Trước đây, gia đình ông chỉ nuôi hai con trâu để làm sức kéo. Mấy năm gần đây, nhận thấy nuôi trâu mang lại hiệu quả kinh tế nên ông đã mạnh dạn đầu tư nhân đàn. Hiện tại gia đình ông có 50 con trâu trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Hằng ngày, khi trời vừa hửng sáng, ông Nguyễn Đức Tiết (63 tuổi) ở thôn 2, xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) lại đưa trâu ra dọc theo bờ sông Krông Ana để chăn. Theo ông, trâu rất thích đầm mình ở dưới nước nên hầu như cả ngày phải thả, đến chiều mới dắt về chuồng.
“Nuôi trâu rất cực, nhất là mùa nước lớn, khi bơi theo trâu qua sông để chăn, ra giữa dòng hay có những dòng nước xoáy rất nguy hiểm. Có lần, tôi đi chăn ở men sông bất ngờ đất bị sạt lở, cả trâu và người rơi xuống sông, bị cây đâm vào lưng, đến nay vết sẹo hãy còn”, ông Tiết kể.
Nhiều người dân xã Hòa Lễ thường gọi ông Tiết là “ông già du mục” bởi ông thường chăn trâu dọc theo hai bên bờ sông, hoặc chỗ nào có đồng cỏ tốt là ông có mặt.
Hiện nay, ông Tiết đã gây đàn 15 con trâu đực; hơn 20 con trâu cái, trong đó có hơn 12 con đang sinh sản, mỗi năm có thêm 12 con nghé. Giá một con trâu đực (loại tốt) trung bình có giá bán từ 45 – 50 triệu đồng, còn trâu cái có giá bán từ 25 – 30 triệu đồng. Ngoài bán trâu giống, ông Tiết cho thuê trâu với giá 6 triệu đồng/con/năm.
Theo ông Tiết, người ta thuê trâu đực chủ yếu để kéo lúa. Đến cuối năm ông nhận trâu về, vừa không mất công chăm sóc trong một năm, vừa thu được lợi nhuận. Ngoài ra, mỗi năm ông Tiết còn cung cấp cho thị trường khoảng 5 con trâu thịt. Như vậy, với tổng đàn trâu 50 con, mỗi năm ông thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Ông Tiết tâm sự, lúc đầu ông cũng không nghĩ mình sẽ mở rộng đàn trâu nhiều như vậy. Nhưng trong quá trình nuôi, ông nghiệm ra rằng nuôi trâu đem lại lợi nhuận cao, chỉ cần phải siêng năng, chăm chỉ “lấy công làm lãi”.
Nhờ nguồn thu nhập từ bán trâu mỗi năm mà ông có điều kiện nuôi các con ăn học thành đạt, cuộc sống của gia đình khấm khá hơn, ông mua thêm được hơn 1,3 ha ruộng. Năm 2011, ông bán 15 con trâu (trị giá 500 triệu đồng) xây được ngôi nhà mới, khang trang rộng rãi.
Khi được hỏi về kinh nghiệm nuôi trâu sinh sản, ông Tiết chia sẻ, khi mua trâu về bắt buộc phải tiêm phòng các loại bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng và tẩy giun sán cho đàn trâu. Chuồng trại cần làm cao ráo về mùa mưa, mùa khô cần che kín giữ ấm cho đàn trâu, nền chuồng nên lát gạch để dễ vệ sinh và thực hiện phun hóa chất khử trùng theo định kỳ.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Tiết còn là một người có tấm lòng rộng mở, hay giúp đỡ bà con. Tính đến nay, đã có 8 con trâu cái của ông “tìm đến” những hộ có ít đất sản xuất, hoàn cảnh khó khăn để giúp họ có cơ hội đổi đời.
Ông Tiết giúp đỡ bà con theo hình thức giao trâu và chia đôi lợi nhuận, tức là ban đầu ông cho họ mượn một con trâu cái, sau một thời gian chăm sóc con trâu này sẽ đẻ con, giá trị con nghé này được chia đôi. Bằng cách này, đã có nhiều hộ cải thiện được cuộc sống gia đình
Theo Đoàn Dũng (Báo Đắk Lắk)