Là con nhà nông nhưng William Li đã vươn lên thành tỷ phú đôla, được gọi là “Elon Musk của Trung Quốc” khi sở hữu 1 hãng xe điện riêng.
William Li thường được gọi là “Elon Musk của Trung Quốc” bởi tham vọng muốn thúc đẩy ngành sản xuất xe điện tại quốc gia tỷ dân. Không chỉ vậy, vị doanh nhân 45 tuổi này còn thành lập và đầu tư vào hơn 40 công ty khác trong ngành ô tô và công nghệ, trong đó đình đám nhất là hãng xe điện Nio.
Con nhà nông
Li sinh năm 1974 trong một gia đình chăn nuôi bò sữa ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Vì gia đình không được khá giả nên cha mẹ ông đã phảibắt đầu tiết kiệm tiền cho con học đại học khi Li mới 7 tuổi. Khi lớn lên, Li thường xuyên làm thêm để kiếm tiền giúp đỡ gia đình trang trải chi phí sinh hoạt. Mặc cho hoàn cảnh khó khăn đó, Li vẫn thi đỗ Đại học Bắc Kinh và tốt nghiệp cử nhân ngành xã hội học và luật.
Năm 1996, khi mới 21 tuổi, Li thành lập startup công nghệ đầu tiên. 4 năm sau đó, ông thành lập một công ty lớn hơn có tên Bitauto, chuyên cung cấp nội dung web và dịch vụ tiếp thị cho các doanh nghiệp ô tô tại Trung Quốc.
Trong thời gian làm việc với tư cách phóng viên của Bitauto, Li liên tục trau dồi kiến thức về thị trường ô tô, phỏng vấn các doanh nhân lớn cũng như nhiều nhân vật nổi bật trong ngành. Bitauto niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ vào năm 2010 và được định giá hơn 1 tỷ USD.
Thành công của Bitauto giúp Li vụt lên trở thành “ngôi sao” và là một trong những doanh nhân có tầm ảnh hưởng tại Trung Quốc. Ông giữ vị trí CEO và chủ tịch của Bitauto trong 13 năm trước khi bán công ty vào năm 2013. Từ đó đến nay, Li đã đầu tư vào hơn 40 công ty trong ngành công nghiệp ô tô và công nghệ, trong đó có nền tảng chia sẻ xe đạp hàng đầu Trung Quốc Mobike.
Với niềm đam mê với ô tô và lấy cảm hứng từ thành công của thương hiệu nội địa Trung Quốc Xiaomi, Li quyết định thành lập một hãng ô tô mới. Sau khi nhận đầu tư từ các hãng công nghệ lớn như Tencent, Baidu và Lenovo, Li thành lập Nio tại Thượng Hải vào năm 2014.
Elon Musk của Trung Quốc
Tới năm 2016, công ty này ra mắt mẫu xe điện thể thao hai cửa đầu tiên có tên Nio EP9 tại Triển lãm Saatchi ở London (Anh). Tại sự kiện này, Nio bán được 6 chiếc EP9 cho các nhà đầu tư với giá 2,5 triệu bảng (3,2 triệu USD)/chiếc. Khi đó, EP9 cũng lập kỷ lục là xe điện chạy một vòng đua nhanh nhất tại nhiều đường đua trên khắp thế giới.
Nio nhận được đơn hàng đầu tiên vào tháng 12/2017. Công ty này đã huy động được tổng cộng 2,1 tỷ USD qua các vòng gọi vốn trước khi chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 9/2018 trên sàn chứng khoán New York (Mỹ).
Mới đây, Nio, thường được mệnh danh là “Tesla của Trung Quốc”, tuyên bố hoàn tất đợt phát hành 101,8 triệu chứng chỉ lưu ký Mỹ, huy động được 1,73 tỷ USD. Trong tháng 8, công ty này ghi nhận doanh số kỷ lục 3.965 xe điện, tăng tới 104,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cuối tháng 4/2020, Nio tuyên bố nhận được thêm 1 tỷ USD từ một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc. Hiện tại, Nio có khoảng 56 nhà đầu tư, gồm nhiều hãng công nghệ khổng lồ như Tencent, Baidu và Xiaomi hay các quỹ đầu tư như CITIC Capital, Hillhouse Capital Group và Sequoia Capital.
Tại Trung Quốc, Nio có cách tiếp cận khác so với Tesla trong việc cung cấp dịch vụ sạc pin cho khách hàng. Trong khi Tesla có các trạm sạc tốt hơn và tiện lợi hơn, Nio tìm kiếm hướng đi mới bằng dịch vụ đổi pin. Li cho biết dịch vụ đổi pin của Nio giúp nhiều tài xế đang sử dụng xe chạy dầu diesel có thêm động lực để đổi sang dùng xe điện.
Tuy nhiên, cũng giống như Tesla, Nio vẫn chưa có lãi. Trong quý II, công ty này báo lỗ ròng hơn 1,17 tỷ nhân dân tệ (166,5 triệu USD), nhưng dự báo doanh số đạt từ 11.000-11.500 chiếc trong quý III. Nio cho biết sản phẩm pin mới có thể giúp nâng cao vị thế của công ty trên thị trường.
“Chúng tôi muốn cạnh tranh với Benz, Audi, BMW và Tesla. Nếu họ sẵn sàng sử dụng dịch vụ đổi pin của chúng tôi thì cũng chẳng có vấn đề gì”, Li nói.
Theo Forbes, với cổ phần tại Nio, Li hiện sở hữu tài sản ước tính 2,8 tỷ USD, trở thành một trong những tấm gương làm giàu tự thân được ngưỡng mộ tại Trung Quốc.
Vân Đàm –Theo Tổ Quốc/SCMP