Dù không sinh ra tại Quảng Ninh nhưng doanh nhân Đỗ Thành Trung đã lớn lên, trưởng thành và dành cả cuộc đời để gây dựng cơ nghiệp sự nghiệp tại mảnh đất này. Từ đất mỏ, Tập đoàn Indevco dần mở rộng sang nhiều lĩnh vực và phát triển tại nhiều tỉnh thành khác.
Doanh nhân Đỗ Thành Trung (SN 1966) quê gốc Ninh Bình, là con thứ 6 trong một gia đình nghèo khó với 9 anh chị em. Vì hoàn cảnh gia đình nên từ nhỏ ông chuyển ra sống tại Quảng Ninh cùng gia đình người chị cả. Tại mảnh đất này, từ cậu bé bán kem kiếm sống, ông trở thành đại gia đất mỏ, hay còn được mệnh danh là “quái kiệt vùng than”.
Năm 30 tuổi, ông Trung thành lập Công ty TNHH Hỗ trợ và phát triển hàng công nghiệp Quảng Ninh với số vốn ban đầu là 600 triệu đồng. Đây chính là tiền thân của Tập đoàn Indevco sau này và cũng là công ty tư nhân đầu tiên ở Quảng Ninh.
Từ năm 2002, công ty đổi tên thành CTCP Tập đoàn Indevco gồm 10 đơn vị thành viên: 3 công ty cổ phần mua lại từ Tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV), Chu Lai – CFG, CFG Quảng Trị, Công ty TNHH Tư vấn và thiết kế Thăng Long DC (thành lập năm 2016), Công ty TNHH MTV An Lạc Viên Indevco (đã giải thể), CTCP Kính nổi Hạ Long CFG (thành lập năm 2013), Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Indevco (đã giải thể).
Với việc sáp nhập nhiều đơn vị thành viên, Tập đoàn Indevco định hướng phát triển thành tập đoàn đa ngành thông qua hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất than, sản xuất kính dân dụng, vận chuyển, chế biến than, làm môi trường đô thị, xây dựng lò hỏa thiêu và công viên nghĩa trang…
Trải qua nhiều lần tăng vốn, doanh nghiệp đạt mức vốn điều lệ 1.677 tỷ đồng vào năm 2018 và giữ nguyên cho đến nay. Sau nhiều năm đảm trách vai trò Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật, ông Đỗ Thành Trung đã giao lại vị trí này cho con trai là Đỗ Tiến Dũng (SN 1989) vào tháng 4/2019. Dù vậy, vị doanh nhân sinh năm 1966 vẫn nắm 99,589% cổ phần Indevco (tính tới tháng 9/2017).
Với việc đặt đại bản doanh tại Quảng Ninh, Indevco đã nhanh chóng xây dựng đế chế riêng với nhiều dự án khủng tại đây. Các dự án tiêu biểu phải kể tới như: Trung tâm xử lý chất thải rắn, trồng cây ăn quả, rau sạch chất lượng cao và công viên cây xanh tại phường Quang Hanh, TP. Cẩm Phả (quy mô 713ha, tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng); Dự án Công viên nghĩa trang An Lạc gồm Công viên đài hoá thân An Lạc Viên và Nhà tưởng niệm lưu giữ tro cốt tại 2 xã Vũ Oai và Hòa Bình thuộc huyện Hoành Bồ có quy mô rộng 639 ha và tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.
Năm 2007, bằng hình thức tham gia góp vốn với TKV, Tập đoàn Indevco đã đầu tư vào dự án Cảng Cửa Suốt với tổng giá trị đầu tư là 450 tỷ đồng; hay dự án Nhà máy sản xuất Soda tại Cẩm Phả với mức đầu tư trên 4.000 tỷ đồng.
Indevco đã và đang triển khai nghĩa trang cấp vùng có quy mô lớn nhất ở Việt Nam mang tên An Lạc Viên tại các tỉnh, thành như Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, TP.HCM, Cần Thơ, Kiên Giang, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu,…
Những năm qua, Indevco còn không ngừng phát triển ra ngoài địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Tập đoàn Indevco hiện là đơn vị sản xuất kính lớn nhất Việt Nam với các nhà máy kính như: Nhà máy sản xuất kính Cửa Ông với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng; Nhà máy kính CFG Ninh Bình với tổng mức đầu tư gần 3.300 tỷ đồng và Nhà máy kính nổi Chu Lai (Quảng Nam) với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, là nhà máy kính nổi lớn nhất Việt Nam, công suất 900 tấn/ngày.
Ngoài các lĩnh vực trên, Indevco cũng sở hữu loạt dự án bất động sản tại nhiều vị trí đắc địa. Điển hình như Khu đô thị Phương Đông có vị trí đặc biệt đắc địa, nằm ngay cửa ngõ Vân Đồn nếu đi từ TP. Cẩm Phả, 3 mặt đều giáp biển, nhìn thẳng ra Vịnh Bái Tử Long đầy thơ mộng. Doanh nghiệp dự án – CTCP Đầu tư xây dựng Đô thị Phương Đông là công ty con do Indevco trực tiếp nắm giữ 84,44% cổ phần.
Đầu tháng 6/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định huỷ bỏ quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 dự án Khu dân cư tại phường Bãi Cháy của Indevco do đã hơn 12 năm chưa triển khai thực hiện. Ngoài ra, quy hoạch này cũng không còn phù hợp với định hướng quy hoạch khu vực theo điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2019; quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 trung tâm du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí cao cấp (phân khu 6) tại các phường: Bãi Cháy, Hùng Thắng, Hà Khẩu, thành phố Hạ Long đã được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2020.
Trước đó, vào năm 2019, 355ha đất Khu công nghiệp – cảng biển Hải Hà của tập đoàn này cũng đã bị thu hồi.
Không chỉ gây dựng cơ nghiệp nghìn tỷ, ông “Trung con” còn được biết đến là “tay chơi” xe sang nức tiếng một thời. Hồi cuối năm 2015, đám cưới cậu quý tử Đỗ Tiến Dũng gây xôn xao khắp mạng xã hội bởi độ chịu chi của gia chủ.
Đám cưới xa xỉ này quy tụ đoàn xe rước dâu gồm toàn xế hộp đình đám như: Maybach 62S, Rolls-Royce Phantom Drophead, Rolls-Royce Phantom Sedan, Rolls-Royce Ghost hay cả những chiếc ở phân khúc thấp hơn như Range Rover, Mercedes E400, Hyundai Azera… Ước tính trị giá của dàn xe đưa dâu lên đến 60 tỷ đồng.
Trong đó, chiếc Rolls-Royce Phantom Drophead màu trắng mui trần được dùng làm xe rước dâu có giá chính hãng lên đến 30,2 tỷ đồng. Chiếc Rolls-Royce Ghost trị giá 17 tỷ. Chiếc limousine Maybach 62S trị giá khoảng 20 tỷ đồng thuộc sở hữu của ông Trung.
Đám cưới với quy mô “khủng” dành cho 1.200 khách mời được tổ chức tại một trong những khách sạn lớn nhất Quảng Ninh. Mỗi suất ăn trong tiệc cưới được tiết lộ có giá 1,5 triệu đồng. Gia chủ còn rất chịu chơi khi mời nhiều ca sĩ như Hoàng Thùy Linh, Uyên Linh, Dương Triệu Vũ… đến hát trong đám cưới.
Theo Hà Ly–Theo antt.nguoiduatin.vn