“Hồ sơ” của Lê Hoàng Nhật có lẽ nhiều “đau thương”, khó khăn hơn là vinh quang.
Lê Hoàng Nhật diện kiến các Shark trong bể cá mập với cương vị nhà sáng lập và CEO AirCity, mong muốn gọi 100.000 USD cho 2% cổ phần công ty. AirCity được giới thiệu là công ty quản lý tòa nhà, thực hiện các công việc như quản lý check in – check out cho khách, quản lý hợp đồng, quản lý các sự cố, thu hộ – chi hộ, phát hành bill (hóa đơn), bảo trì bảo dưỡng tòa nhà, giám sát định kỳ, vệ sinh và tổng hợp thu chi cho chủ nhà…
AirCity giải quyết 3 “nỗi đau” của chủ nhà hiện tại về vấn đề nhà cho thuê: Thứ nhất là vấn đề tài chính vì khách bỏ cọc, trốn cọc, mất mát tài sản. Thứ 2 hai là về tinh thần khi phải túc trực 24/7 chăm sóc cho cư dân khách trọ, khách thuê, hoặc phải giải quyết bài toán nhân sự của đội ngũ. Thứ 3 là khó khăn trong việc mở rộng quy mô kinh doanh của mình vì 2 vấn đề nêu trên.
Tuy bị hầu hết các Shark lắc đầu do định giá quá cao so với mức doanh thu vài trăm triệu đồng/tháng hiện tại, Lê Hoàng Nhật cuối cùng vẫn nhận được cái gật đầu từ Phó Chủ tịch Cenland – Shark Phạm Thanh Hưng. Tuy nhiên, mức định giá đã bị giảm xuống khá nhiều khi Shark Hưng chỉ đồng ý đầu tư 100.000 USD cho 10% cổ phần.
Cũng trên sóng Shark Tank, Lê Hoàng Nhật thẳng thắn chia sẻ anh từng thất bại sau 5 năm khởi nghiệp phần mềm quản lý tòa bất động sản cho thuê có tên Ami Manager. Trở về giai đoạn 2017-2019, Ami Manager là một trong những startup khá nổi bật trong lĩnh vực công nghệ bất động sản. Lê Hoàng Nhật cũng là gương mặt khá quen thuộc trong giới khởi nghiệp.
Tháng 5/2016, anh bắt đầu ý tưởng về một ứng dụng có khả năng quản lý bất động sản cho thuê khi chứng kiến nhóm bạn của mình đang bị quá tải vì không thể quản lý vấn đề đăng ký, theo dõi hóa đơn điện nước, tiền nhà,… Đến năm 2018, Ami được một nhà đầu tư trong nước là Bình Minh Group rót 9 triệu USD.
Nhưng “hồ sơ” của Lê Hoàng Nhật có lẽ nhiều đau thương, khó khăn hơn là vinh quang.
Sau khi tốt nghiệp ĐH Bách Khoa TP.HCM, Nhật tham gia và đồng sáng lập nhiều dự án startup như ứng dụng tìm kiếm địa điểm vui chơi giải trí, viết game khám phá thành phố, dự án giáo dục phi lợi nhuận và một số dự án nhỏ khác. Để có tiền duy trì và theo đuổi các dự án của mình, anh từng phải dành 30 tiếng mỗi tuần cho việc gia sư môn toán, 40 tiếng cho dự án khởi nghiệp. Đến năm 2015, lịch trình kín mít đến nỗi anh phải dậy sớm từ 5h30, đi bán súp cua và sữa đậu nành đến 9h, rồi làm Startup công nghệ của mình đến chiều. Tối tối, anh đi dạy thêm và quản lý dự án quán cà phê đến khuya. Ngay cả với dự án Ami, Nhật cũng từng phải dừng dự án giữa chừng vài lần vì đứt vốn, trước khi có thể chính thức ra mắt vào tháng 5/2017.
Hành trình khởi nghiệp gian truân cũng lấy đi của anh nhiều thứ, không chỉ là tiền bạc mà còn là những người bạn bè thân thiết. Nhật thậm chí còn bị bố mẹ đuổi ra khỏi nhà vì không chịu đi xin việc.
Kiên trì khởi nghiệp nhưng không phải Nhật chưa từng nghi ngờ chính mình. “Mình từng học lớp chuyên Toán, trường Phổ thông năng khiếu TPHCM. Có thời điểm, khi họp lớp, đa số các thành viên đã trở thành quản lý, đi học nước ngoài, hay trở thành tiến sĩ. Còn mình nhìn lại sau 5-6 năm khởi nghiệp thì thất bại ê chề, sụp đổ, mất hết hoàn toàn. Mình đã nghĩ có khi mình sai thật.
Tuy vậy, mình cần hiểu con người của mình. Khi mình hiểu rồi, quyết tâm cho nó, hi sinh cho nó, mình sẽ có thành quả tốt nhất. Mình thích câu của Einstein, mình biết mình là cá thì mình ra biển lớn, là chim thì bay ra trời xanh. Mình sẽ chọn nơi phù hợp với mình, đừng so đo“, anh chia sẻ với Trí thức trẻ trong một buổi phỏng vấn năm 2018.
Ami Manager dù nhận được 9 triệu USD vốn đầu tư nhưng vẫn phải dừng hành trình của mình sau 5 năm. Trên Shark Tank, anh lý giải nguyên nhân thất bại là do việc sử dụng mô hình SaaS phức tạp và cư dân không sử dụng app. Hiện Lê Hoàng Nhật đang theo đuổi mô hình mới với AirCity, dùng cách tiếp cận B2B với các chủ tòa nhà thay vì với cư dân.
Hoàng Thùy–Theo Nhịp Sống Kinh Tế