Những năm gần đây, diện tích một số loại cây ăn trái đặc sản ở ĐBSCL liên tục phát triển “nóng”, không theo quy hoạch và khuyến cáo của ngành chức năng và cụm từ “giải cứu” cũng chẳng còn xa lạ gì…
Từng là loại trái cây tiên phong lên đường xuất khẩu sang Mỹ vào cuối năm 2017, giờ đây diện tích vú sữa Lò Rèn ở tỉnh Tiền Giang giảm mạnh.
Thời hoàng kim khoảng 3.200ha nay xuống còn khoảng 350ha. Nguyên nhân do người dân ồ ạt, dẫn đến nhiều năm liên tiếp cung vượt cầu, giá bán trái vú sữa rất thấp, khiến nhiều nhà vườn thua lỗ nặng đành phải đốn bỏ.
Nhiều nơi phát triển khá “nóng” diện tích cây có múi kéo theo những lo ngại. Điển hình như cây cam sành, chỉ tính riêng Vĩnh Long, theo quy hoạch đến năm 2025, tỉnh có 15.000ha cam sành nhưng con số hiện tại đã là 17.000ha trong khi trái cam phần lớn phục vụ tiêu thụ nội địa.
Phát triển “nóng” khiến nông dân rơi vào cảnh “chờ giải cứu” khi sau Tết Nguyên đán 2023 đúng mùa thu hoạch rộ, giá cam sành tại vườn chưa đến 2.000 đồng. Nguyên nhân giá cam sành giảm mạnh chưa từng có là do cung vượt cầu.
Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết, cam sành rớt giá cũng đã được các nhà chuyên môn dự báo trước. Không chỉ Vĩnh Long trồng cam sành mà các tỉnh khác cũng trồng cam sành và các tỉnh phía Bắc cũng trồng cho nên nhà nông cần cân nhắc đầu tư chừng mực. Đây không chỉ bài học riêng cho cây cam sành mà cho tất cả các loại cây ăn trái khác nói chung.
Trong khi đó tại Hậu Giang, quýt đường Long Trị, từng được xem là đặc sản của tỉnh cũng không thoát khỏi cảnh mai một. Vào những năm 1997, 1998, loại cây này từng phát triển mạnh tại xã Long Trị, với diện tích lên đến gần 200ha.
Tuy nhiên, đến nay diện tích quýt còn khoảng 6ha, trong đó có một phần vừa được trồng mới. Nguyên nhân giảm mạnh do bệnh vàng lá gân xanh, vàng lá thối rễ nên người dân chuyển đổi sang cây trồng khác.
Tương tự cây bưởi Năm Roi cũng dần đánh mất vị thế chủ lực trên thị trường nông sản, bởi ngoài giá cả bấp bênh, bưởi Năm Roi còn đối mặt với sự tấn công của các loại bệnh hại.
Ông Võ Trung Thành, nhà vườn ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: Nói về cây bưởi diện tích nó càng thu hẹp lại, huyện Châu Thành hiện nay nó rất thu hẹp riêng xã Phú Tân nõ cũng không còn bao nhiêu, trước đây câu lạc bộ 24,6ha hiện nay hầy như không còn, do vậy tôi rất trăn trở làm thế nào để phục hồi vườn bưởi.
Khác với Hậu Giang, dù chất lượng bưởi da xanh ở tỉnh Bến Tre rất cao và đã bước đầu đưa đi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài nhưng hiện nay đầu ra của loại trái cây này vẫn gặp khó khăn, giá sụt giảm, nhà vườn không có lãi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do diện tích bưởi da xanh tại khu vực ĐBSCL tăng cao và vào mùa thu hoạch rộ; trong khi đó thị trường tiêu thụ chậm dẫn đến “cung vượt cầu”.
Ông Võ Thanh Nhàn, nhà vườn trồng bưởi da xanh tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre chia sẻ: Trái bưởi 10.000 đồng/kg thì không đủ tiền chi cho phân, thuốc và nhân công, chứ chưa nói đến có lãi. Nếu cho nông dân sống được thì giá phải trên 20.000 đồng/kg.
Bây giờ trái bưởi xuất khẩu, đã có thương hiệu nhưng để trồng cho trái bưởi xuất đi Mỹ tốn chi phí rất nhiều hơn bán nội địa. Trước tình trạng sản xuất nông nghiệp vẫn theo chiều rộng, tự phát, tiêu thụ phụ thuộc vào thị trường nên điệp khúc “được mùa, mất giá” xảy ra thường xuyên và câu chuyện giải cứu nông sản luôn là vấn đề nóng.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đây là quy luật kinh tế cung – cầu và phải khống chế quy luật này qua hai cách: Khi dư thừa thì phải tăng chế biến để giảm lượng đưa ra thị trường và chuẩn hóa sản phẩm nông sản để thị trường thông suốt.
Do đó, giải pháp cho câu chuyện được mùa mất giá là tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa ngành hàng, thông tin minh bạch thị trường xuất khẩu, nội địa. Bộ NN&PTNT nhận khuyết điểm trong điều hành, chuẩn hóa nông sản. Chưa tổ chức lại sản xuất thì chưa thành công và đối mặt rủi ro khi không đồng nhất nguyên liệu một loại nông sản, và khi đó chưa đồng nhất thương hiệu.
Đã đến lúc, giấc mộng làm giàu từ việc chạy đua trồng nông sản được giá cần được thẳng thắn nhìn nhận và chấn chỉnh ngay từ chính những người nông dân. Chính quyền địa phương cần có những đề án, định hướng cụ thể, nếu không người dân vẫn cứ tự phát, thấy cây này mất giá thì trồng cây khác hoặc làm theo phong trào khiến hiệu quả kinh tế không cao.
Thậm chí là phá vỡ quy hoạch sản xuất và hậu quả cuối cùng là chính nông dân phải gánh chịu. Thực trạng đề cập trong phóng sự vừa rồi một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về điệp khúc “trồng – chặt”, sản xuất chạy theo phong trào, không đúng theo quy hoạch của một bộ phận nông dân đã dẫn đến việc cây trồng chủ lực nhanh hết thời.
Tìm lời giải cho cây trồng chủ lực nhanh hết thời
Có thể nói, trong thời gian qua, tình trạng chặt cây nọ trồng cây kia, được mùa mất giá,… xảy ra trên nhiều loại cây trồng, đáng chú ý có cả những cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương ở ĐBSCL. Đây là câu chuyện không phải mới, nhưng nó tồn tại dai dẳng đến mức người ta ví như “căn bệnh nan y”.
Chính sự hấp dẫn trước mắt mà sản xuất không đúng theo quy hoạch, “mạnh ai nấy làm” và chạy theo phong trào vẫn diễn ra khá phổ biến. Trong khi, “quy hoạch một đàng, sản xuất một nẻo” nên dẫn tới sản phẩm nông sản làm ra bị ách tắc, dù giá có rẻ bèo nhưng việc tiêu thụ cũng rất khó khăn. Và câu chuyện về cam sành, bưởi, vú sữa… vẫn không hề cũ.
Thực tế cho thấy, khi giá sầu riêng hay một nông sản nào khác tăng giá “chóng mặt”, nông dân lại đổ xô vào trồng, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng. Cùng với đó, việc có quá nhiều cơ sở kinh doanh giống đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giống trôi nỗi, kém chất lượng được tuồn ra thị trường gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý chất lượng, nguồn gốc cây giống.
Tuy nhiên ở khía cạnh nào đó, không thể phủ nhận, thời gian qua, nhiều nông dân khấm khá nhờ chuyển đổi từ diện tích vườn canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái có múi, trong đó sầu riêng, mít Thái. Thế nhưng, tình trạng tăng trưởng “nóng” theo cấp số nhân đã “đẩy” các loại đặc sản rơi vào hiện tượng cung vượt cầu, giá thành giảm và tự đánh mất chỗ đứng trên thị trường.
Vẫn biết nông dân là chủ thể sản xuất, họ sẽ quyết định trồng cây gì, nuôi con nào trong mỗi mùa vụ để tăng thêm sản lượng. Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, các cấp, các ngành chức năng cần làm tốt hơn công tác quy hoạch, định hướng dựa trên lợi thế so sánh của từng vùng, miền, địa phương, gắn với nhu cầu thị trường và hỗ trợ, tạo gắn kết chặt chẽ giữa các khâu trong chuỗi giá trị ngành hàng.
Cùng với việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất các loại cây trồng phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và yêu cầu thị trường, các tỉnh cần tập trung điều chỉnh cơ cấu đầu tư, phát triển chế biến sâu các loại nông sản để giảm xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.
Mặt khác, thông qua hệ thống khuyến công, ngành chức năng chuyển tải các tiến bộ kỹ thuật mới, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất theo quy hoạch, sử dụng các công nghệ canh tác mới, giống mới, đảm bảo nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh.
Việc đàm phán mở rộng thị trường, tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, tiêu thụ các loại nông sản cũng như đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo và cung cấp thông tin thị trường cho nông dân cần được chú trọng hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, chính nông dân phải là người quyết định trong việc điều chỉnh sản xuất nông nghiệp cho “ăn khớp” với thị trường tiêu thụ, chứ không ai khác.
Lúc này, người nông dân hãy là nông dân chuyên nghiệp, có tri thức, vừa có kiến thức, kỹ năng sản xuất, vừa có tư duy kinh tế; biết sản xuất sao cho tiết kiệm nhất, để giá thành hợp lý nhất mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Đồng thời, nông dân cần sản xuất theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, phải kiên định với loại cây ăn trái, cây trồng mà mình đã định hướng, đừng chạy theo trào lưu để không phải rơi vào hối tiếc, người nông dân có thể yên tâm làm giàu trên mảnh đất của mình.
Thanh Phê – Mộng Toàn (VOV/Giao thông)