Là một thiên tài nhưng ông không biết dùng người tài, khiến hàng loạt nhân viên bỏ việc: Kết cục là thiên tài chết trong cô đơn, 8 kẻ “phản bội” thành công rực rỡ!
Thiên tài đạt giải Nobel Vật lý
William Bradford Shockley sinh năm 1910, là một nhà khoa học, nhà phát minh người Mỹ. Cha của ông là kỹ sư khai thác mỏ, mẹ tốt nghiệp đại học Stanford và là nữ điều tra viên khai thác mỏ đầu tiên của Hoa Kỳ.
Là con nhà nòi, sự nghiệp học hành của Shockley cũng vô cùng đáng nể. Năm 1932, ông lấy bằng Cử nhân Khoa học của Viện Công nghệ California, có bằng Tiến sĩ từ MIT bốn năm sau đó và gia nhập đội ngũ kỹ thuật của Bell Labs.
Sau nhiều bài viết trên các tạp chí vật lý, ông được nhận bằng sáng chế đầu tiên vào năm 1938 cho công trình “Thiết bị phóng điện tử”. Năm 1956, cùng với hai nhà khoa học khác, thiên tài này đạt giải Nobel Vật lý vì đồng phát minh ra bóng bán dẫn, được coi là phát minh quan trọng nhất của thế kỷ 20.
Không có bóng bán dẫn, sẽ chẳng thể có máy tính, điện thoại di động hay TV màn hình phẳng như ngày nay. Và bạn cũng khó có thể biết được câu chuyện này, vì không có internet. Phát minh của Shockley đã gieo mầm cho cả ngành công nghiệp bán dẫn ở Thung lũng Silicon.
Nhà lãnh đạo tệ nhất lịch sử Thung lũng Silicon
Ngay sau khi đạt giải thưởng Nobel danh giá, ông thành lập công ty riêng có tên Shockley Semiconductor (Công ty bán dẫn Shockley), còn được nhắc đến với cụm từ “Đặt silicon vào thung lũng Silicon”.
Cùng với sự xuất chúng trong nghiên cứu khoa học, ông có con mắt tuyệt vời để tuyển dụng những tài năng kỹ thuật giỏi nhất, thông minh nhất. Nhưng sau đó, nhà khoa học đã thể hiện khả năng lãnh đạo không thể tồi tệ hơn.
Thay vì truyền cảm hứng, thúc đẩy nhân viên, ông dần làm họ nản lòng và mất đi sự tự tin. Phong cách quản lý chuyên quyền này khiến các nhân viên bỏ việc chỉ sau một năm.
Sheldon Roberts, một nhà luyện kim do Shockley tuyển chọn đã trải lòng trên tờ Los Angeles Times năm 2001: “Khi anh ấy thuê bạn, bạn là người tuyệt vời nhất thế giới.”
“Ban đầu: “Bạn thật xuất sắc”. Sau đó là “Bạn làm tốt đó.”. Rồi dần dần câu nói chuyển thành: “Bạn có khả năng, nhưng tôi không chắc về bạn nữa… Bây giờ tôi thực sự không chắc chắn. Tôi nghĩ bạn không đủ năng lực. Tôi không nghĩ bạn có thể làm việc cho tôi.” Anh ấy giữ một cuốn sổ đen về mọi người.”, Roberts nhớ lại.
Trong khi đó, trên tạp chí Wired, Scott Rosenberg viết: “Nhà sáng lập đã nói xấu, quyết định tùy tiện, xa lánh đội ngũ của mình và ngăn việc đưa ý tưởng, sản phẩm vào thực tế.”
Chưa hết, Shockley đã áp dụng cách tiếp cận khoa học dựa trên bằng chứng vào mọi khía cạnh hoạt động của công ty. Ông công khai mức lương của toàn bộ nhân viên, điều chẳng thể khiến ai dễ chịu, vì tự tin rằng minh bạch sẽ là xu hướng quản lý công nghệ mới.
Những “kẻ phản bội” vĩ đại
Con giun xéo lắm cũng quằn, Shockley đã “truyền cảm hứng” cho một cuộc nổi dậy lớn. Tám nhân viên từng có bằng tốt nghệp tiến sĩ quyết định rời đi, thành lập công ty riêng và tiếp tục làm bùng nổ hạt giống công nghệ ở Thung lũng Silicon. Shockley gọi đó là một “sự phản bội”.
Họ cùng nhau ra mắt công ty bán dẫn Fairchild, một chi nhánh của Sherman Fairchild, trước khi tách ra để thành lập công ty khởi nghiệp của riêng mình.
Năm 1960, nó trở thành vườn ươm của Thung lũng Silicon và trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào việc tạo nên hàng chục tập đoàn, bao gồm Intel và AMD, Microchip Technology và Kleiner Perkins Caufield & Byers,… Những công ty spin-off này được gọi là “Fairchildren”.
Nổi bật nhất là Gordon Moore, một trong “tám kẻ phản bội”, rời vào Shockley Semiconductor năm 1957 và tiếp tục đồng sáng lập công ty chip máy tính khổng lồ Intel Corp. Dự đoán về tương lai cho bóng bán dẫn vào năm 1965 của ông đã trở thành Định luật Moore huyền thoại.
Gần 70% các công ty đã ra mắt công chúng ở Thung lũng Silicon có liên hệ, liên kết với Fairchild. Theo một ước tính không chính thức, có khoảng 400 công ty có “gốc gác” liên quan đến “Fairchild Eight”. Nếu tính theo giá trị, Shockley đã đánh mất con số khổng lồ 2,1 nghìn tỷ USD.
Trong khi những người dưới quyền rời đi và gặt hái được thành công, sự giàu có, vinh quang thì phòng thí nghiệm Shockley lại bị đình trệ. Ông đã thành công với việc sản xuất ra đèn lưỡng cực bốn lớp nhưng lại thất bại về mặt thương mại.
Cuối cùng, công ty bán dẫn Shockley đã phải bán mình vào năm 1960 và một lần nữa vào năm 1965.
Tại Stanford, mọi người ngừng nói chuyện với nhà khoa học. Ông bị các giảng viên xa lánh và bỏ rơi. Đáng nói, Shockley thậm chí còn cho rằng con cái kém cỏi hơn mình về mặt trí tuệ, khiến chúng cũng dần ghét bỏ, rời xa cha.
Cái kết đau buồn
Ngoài thất bại trong kinh doanh, Shockley còn nổi tiếng với lý thuyết phân biệt chủng tộc của mình. Sử dụng danh tiếng giải thưởng Nobel và thể hiện kỹ năng tuyệt vời trong việc thao túng báo chí, Shockley trở thành người đề xướng thuyết ưu sinh ở Mỹ.
Từ cuối những năm 1960 đến những năm 1970, ông ủng hộ những ý kiến cho rằng trí thông minh là di truyền và người da đen là một nhóm kém thông minh hơn người da trắng. Ông cũng tuyên bố rằng những người kém thông minh nên bị ngăn chặn, không được sinh con.
Quan điểm này đã khiến Shockley nhận nhiều chỉ trích từ công chúng cũng như giới khoa học. Danh tiếng bị phá hủy, ông ngày càng bị cô lập và sống ẩn dật cho đến khi qua đời vào năm 1989.
T.Dương
Theo Trí Thức Trẻ/Tổng hợp