Từ xưa đến nay, cà muối là món ăn rất quen thuộc, đưa cơm trong nhiều gia đình Việt. Tuy nhiên, những sai lầm khi ăn cà muối dưới đây bạn nên lưu ý để đảm bảo sức khoẻ tốt hơn nhé.
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách Khoa cho biết, cà muối là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng nhưng không nhiều. “Dù giá trị dinh dưỡng của cà muối ở mức thấp, tuy nhiên, cà muối lại có tác dụng kích thích quá trình tiêu hóa, làm hài hòa các thực phẩm trong mâm cơm. Đây là món ăn có tác dụng điểm xuyết, nâng cao mặt thẩm mỹ giữa các món ăn”.
GS Nguyễn Duy Thịnh cũng chỉ ra những sai lầm khi ăn cà muối có thể rước bệnh, bạn nên lưu ý hơn để đảm bảo sức khoẻ nhé:
Cà không đảm bảo vệ sinh: Trước khi muối cà, phải rửa nguyên liệu và các dụng cụ để muối thật kỹ. Cần tạo môi trường lên men tốt và giữ gìn vệ sinh trong quá trình muối dưa, tránh sự xâm nhập của vi khuẩn có hại.
Ăn cà muối hỏng: Không ăn cà muối có hiện tượng nhớt, thâm đen, váng mốc hay có mùi lạ vì đó là cà đã bị hỏng, vô cùng độc hại cho sức khỏe.
Không nên ăn cà muối quá chua: Những người bị bệnh tim, tăng huyết áp, bệnh thận, bệnh gan, viêm loét dạ dày không nên ăn cà dưa muối chua vì chúng chứa nhiều muối, men tiêu hóa cao, có thể gây ra những biến chứng bất lợi cho sức khỏe.
Hạn chế ăn cà muối xổi: Trong dưa cà muối xổi, ăn vẫn còn vị cay nồng, hăng hăng, hàm lượng nitrat bị chuyển hóa thành nitrit do vi sinh vật có trong nước dưa cà muối. Lúc này nitrit sẽ kết hợp với các acid amin trong thực phẩm như cua, tôm, cá, thịt, nhất là mắm tôm và trở thành nitrosamine – một chất có khả năng gây bệnh.
Nên muối bằng vại gốm, sành: Ngoài việc dưa, cà muối có thể gây độc cho cơ thể khi bị nhiễm các loại thuốc bảo vệ thực vật, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, tuyệt đối không ăn dưa, cà được muối trong các thùng đựng sơn.
Muối dưa cà nên sử dụng đồ chứa bằng gốm, sành sứ không có hoa văn lòe loẹt. Tiện dụng nhất là sử dụng đồ chứa bằng nhựa màu trắng, được sản xuất từ nhựa PVC.
Những trường hợp không nên ăn cà muối
Theo chia sẻ của bác sĩ Hoàng Thị Linh Lan, những trường hợp không nên ăn cà muối:
Phụ nữ mang thai: Dưa, cà muối có nitrit kết hợp với các gốc amin trong thịt, cá… tạo thành nitrosamin – một trong những chất gây ung thư. Phụ nữ mang thai ăn nhiều sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động của tử cung, không tốt cho thai nhi. Chị em không cần kiêng hoàn toàn song cũng không nên ăn quá nhiều, nhất là với loại muối xổi, dưa và cà vẫn còn xanh.
Cao huyết áp: Muối làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với natri, gây co mạch dẫn đến tăng huyết áp và nguy cơ cao xuất hiện nhiều biến chứng cho người bệnh.
Suy thận: Khi bị suy thận, các chức năng đào thải độc tố của thận giảm. Người bệnh ăn mặn sẽ bị tăng huyết áp, giữ nước gây phù, tăng cân ảo, ảnh hưởng tới các thuốc điều trị. Do đó, người bệnh thận nên ăn hạn chế muối và các loại dưa, cà muối.
Bị bệnh về tiêu hóa: Những người có đường tiêu hóa kém ăn các món muối chua dễ mắc bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, lỵ trực khuẩn, tả, thương hàn. Người bị đau dạ dày cũng nên hạn chế ăn khi cảm thấy có kích thích tại vùng thượng vị. Lý do là nồng độ axit cao trong món ăn làm tổn thương niêm mạc dạ dày gây bệnh viêm mạn tính hoặc loét dạ dày.
PV