Loại công nghệ theo dạng “Con ngựa Thành Troy” này cho phép Trung Quốc vận chuyển vũ khí nhanh chóng, bí mật và dễ dàng triển khai.
Việc “giấu” hệ thống tên lửa trong container không phải là một khái niệm quân sự gì mới lạ, vì một số quốc gia đã phát triển công nghệ này trong nhiều năm qua, theo Sputnik.
Công nghệ theo dạng “Con ngựa Thành Troy” này cho phép viện vận chuyển vũ khí diễn ra nhanh chóng và bí mật, đồng thời hệ thống tên lửa cũng có thể dễ dàng lắp đặt trên tàu hoặc một vị trí ven biển; điều này cho phép một quốc gia có thể nhanh chóng triển khai khí tài ở bất cứ nơi nào cần thiết.
Mới đây, ông Rick Fisher, chuyên gia cấp cao về các vấn đề quân sự châu Á tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế cho rằng Trung Quốc tiếp tục phát triển các hệ thống tên lửa có thể được giấu trong container và dễ dàng ngụy trang thành hàng hóa thương mại để dễ dàng tiếp cận bất cứ cảng biển nào trên thế giới.
Những “Con ngựa Thành Troy” nói trên có thể được triển khai trên bất cứ con tàu nào, kể cả tàu tư nhân cũng có thể được biến thành một hạm đội quân sự, theo ông Fisher.
Chuyên gia này cho biết Trung Quốc ưu tiên chiến lược gây bất ngờ, do đó hệ thống tên lửa này có thể được lắp đặt “trên các tàu cỡ nhỏ, không nổi bật của Trung Quốc để ngụy trang và tiến hành tấn công bất ngờ nhằm vào các hệ thống phòng thủ bờ biển để hỗ trợ các lực lượng đổ bộ và lính dù.”
Hơn nữa, ông Fisher cho hay, các container tên lửa còn rất thuận tiện cho việc lưu trữ lâu năm trong các nhà kho gần các căn cứ quân sự của Mỹ và “đem đến cho giới lãnh đạo Trung Quốc nhiều lựa chọn (tấn công)”.
Chuyên gia này cho biết các đầu đạn xung điện từ (EMP) của tên lửa Trung Quốc có khả năng vô hiệu hóa bất cứ căn cứ tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân gần đó: “Một vụ nổ EMP có thể ngắt điện các tàu ngầm và căn cứ, mà không cần Trung Quốc phải phóng một quả tên lửa hạt nhân nào”.
“Trong bối cảnh đó, Washington sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, không biết phải trả đũa ai và có lẽ Trung Quốc sẽ sử dụng sự phân tâm của Mỹ để bắt đầu mục tiêu thực sự của mình – thống nhất đảo Đài Loan bằng vũ lực” – ông Fisher phân tích.
Sự phát triển của các loại hình công nghệ điện tử mới, chế tạo động cơ cỡ nhỏ, nhiên liệu tên lửa và chất nổ đã giúp nhiều quốc gia có được công nghệ sản xuất tên lửa hành trình cỡ nhỏ. Nga, Mỹ và Anh đã có công nghệ này từ cách đây một thập kỷ.
Năm 2016, Trung Quốc được cho là đã phát triển được tổ hợp tên lửa đầu tiên có thể ngụy trang thành một container chở hàng thông thường. Sau đó, năm 2019, có báo cáo nói rằng Bắc Kinh đã đưa được tên lửa hành trình tầm xa vào trong một container để ngụy trang hàng hóa thương mại.
Một báo cáo mới được công bố gần đây từ Trung tâm Stockton cho rằng tên lửa ngụy trang thành hàng hóa thương mại có thể vi phạm luật quốc tế về xung đột vũ trang, vì loại vũ khí này có khả năng “gây nguy hiểm cho các thuyền viên tàu, dân sự và khiến tất cả các tàu dân sự có nguy cơ hoạt động trong khu vực xảy ra xung đột”./.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị