Dự kiến, đầu tuần tới 3 Bộ gồm: Công Thương, Giao thông Vận tải và Ngoại giao sẽ cùng họp bàn giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp trước căng thẳng Biển Đỏ.
Vào ngày 6/2/2024, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), Vụ Trung Đông – châu Phi (Bộ Ngoại giao) đồng tổ chức cuộc họp bàn giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp trước căng thẳng Biển Đỏ.
Nội dung chính là nhằm cập nhật thông tin, thảo luận giảo pháp gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trước tình hình căng thẳng Biển Đỏ phát sinh tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với khu vực châu Âu và Bắc Mỹ.
Tham dự họp còn có đại diện VCCI, hiệp hội logistics, các hiệp hội ngành hàng, một số doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Căng thẳng Biển Đỏ đang ảnh hưởng nghiêm trọng các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 khi phải đối mặt với nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Hiện, theo phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu, hiện cước vận tải biển tăng gấp đôi, có nơi đến 5 – 6 lần. Cụ thể, cước lô hàng đi Đức trước khoảng 1.000 USD, nay tăng trên 5.000 USD. Đáng nói, các hãng tàu đã thông báo giá cước vận tải biển tiếp tục tăng từ tháng 2 do chi phí bảo hiểm, tàu đi đường vòng kéo dài thời gian hơn, chi phí tăng hơn.
Phần lớn, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bán giá FOB nên các đơn hàng cũ không bị tăng chi phí. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp nhập khẩu do phải trả thêm cước quá cao khiến việc đặt hàng của họ chững lại. Một số khách hàng tiềm năng giảm mua hàng và đề nghị đàm phán lại giá cả. Điều này tác động ngược lại các doanh nghiệp xuất khẩu bởi trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp nỗ lực giảm giá bán, đưa ra mức giá cạnh tranh nhất có thể. Nếu giảm nữa, chắc chắn không có lãi, thậm chí lỗ.
Căng thẳng Biển Đỏ đã kéo dài hơn một tháng và ảnh hưởng trực tiếp lên hoạt động xuất khẩu cà phê của các quốc gia châu Á. Để hạn chế tác động tiêu cực, các nước sản xuất và đơn vị vận tải biển buộc phải lựa chọn thay đổi hải trình vận chuyển cà phê qua mũi Hảo Vọng tại châu Phi, thay vì tiếp tục đối mặt với rủi ro rình rập trên tuyến đường huyết mạch ban đầu.
Tuy nhiên, lộ trình mới cũng tồn tại mặt hạn chế. Thời gian chờ tàu chở hàng cập bến tại điểm đến tăng 7-10 ngày so với việc đi qua Biển Đỏ, kéo theo giá cước vận chuyển tăng cao. Thời gian và chi phí tăng lên khiến nguồn cung cà phê tại các nước nhập khẩu rơi vào tình trạng thiếu hụt cục bộ. Cùng với đó là nguy cơ các nước cung ứng chính như Việt Nam, Indonesia hạn chế xuất khẩu cà phê.
Với cà phê nói riêng và các mặt hàng nông sản nói chung, nhiều doanh nghiệp buộc phải xuất khẩu và chia sẻ chi phí vận chuyển với đối tác để có thể duy trì hoạt động.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cho hay, so với cuối năm 2023, hàng đi Hoa Kỳ từ gần 2.000 USD thì nay lên 4.500 – 5.000 USD/container. Đáng kể nhất là hàng hóa đi thị trường EU tăng mạnh từ mức 600 USD lên 4.000 USD/container.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), bất ổn ở biển Đỏ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu khiến các hãng tàu phải định tuyến lại tuyến đường của họ. Hành trình vận chuyển giữa châu Á, châu Âu và bờ đông Bắc Mỹ trở nên dài hơn, đẩy giá cước vận tải tăng mạnh, kèm theo là bảo hiểm hàng hóa tăng.
Khó khăn không chỉ với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa mà với cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Bởi ngoài việc cước tàu biển đi châu Mỹ, châu Âu tăng mạnh, từ giữa tháng 1 đến nay, tuyến vận tải biển trong khu vực châu Á cũng tăng giá theo.
Đáng chú ý là thị trường đang xảy ra tình trạng thiếu vỏ container, nhất là container hàng lạnh. Tình trạng này có khả năng kéo dài đến hết quý II/2024, tạo áp lực lớn với hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của Việt Nam cũng như thế giới.
Lo ngại trước tình trạng giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container đi châu Âu, châu Mỹ tăng cao, Bộ Giao thông Vận tải trước đó đã yêu cầu hỗ trợ vận chuyển hàng hóa container đi châu Âu, châu Mỹ.
Để đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, Bộ Công Thương hiện cũng đang phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ ngành liên quan để theo dõi chặt chẽ tình hình từ đó đưa ra những khuyến cáo các doanh nghiệp của Việt Nam có thể lựa chọn phương thức thay thế.
Theo Nguyễn Hạnh–Báo công thương