Là giám đốc trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên của FPT Software – công ty lớn hàng đầu Đông Nam Á về CNTT, Tiến Sỹ Nguyễn Xuân Phong cũng đang làm việc tại đầu não AI thế giới – Viện nghiên cứu Mila – Quebec, Canada.
Bắt đầu lập trình từ khi chín tuổi, vị tân giám đốc trí tuệ nhân tạo lại dành bốn năm đại học theo đuổi ngành quản trị kinh doanh. Thời gian đầu, anh đặt mục tiêu trở thành doanh nhân nhưng nhanh chóng nhận ra công nghệ và kỹ thuật có thể mở cho mình cánh cửa vào bất kỳ ngành nào. Anh quay trở lại nghiên cứu cao học ngành khoa học máy tính tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) và lấy bằng tiến sĩ AI tại Đại học Tokyo (Nhật Bản), đều là các trường hàng đầu thế giới về công nghệ và khoa học máy tính.
Hái quả từ những quyết định đi ngược đám đông
– Vì sao anh hoàn thành xong cao học ở Mỹ lại chuyển tới Nhật Bản thay vì ở lại, nơi được coi là trung tâm công nghệ thế giới?
Tôi vốn là người yêu thích những thử thách mới, buộc mình phải bước ra khỏi vùng an toàn. Khi đó giáo viên hướng dẫn nghiên cứu của tôi tại Mỹ đã giới thiệu cơ hội thực tập cho Hitachi ở Nhật Bản. Phần lớn mọi người đã đến Mỹ học đều muốn ở lại, nhưng tôi đã rời Mỹ đến Nhật. Và đó là quyết định đúng. Tám năm làm việc, học tập tại tập đoàn Hitachi là trải nghiệm tuyệt vời trong sự nghiệp của tôi.
– Được làm việc tại các viện nghiên cứu lớn như vậy chắc là rất thú vị? Anh có thể chia sẻ thêm về công việc nghiên cứu của mình tại những nơi như vậy được không?
Các viện nghiên cứu lớn trên thế giới là “đầu não” cho các tập đoàn tỷ đô, nơi tạo ra những sáng chế, giải pháp mới nhất về công nghệ. Họ có một quy trình đi từ nghiên cứu lý thuyết đến sản phẩm rất bài bản. Ví dụ, họ chia ra các bộ phận giải quyết những bài toán với tầm nhìn dài hạn, ngắn hạn khác nhau. Từ những vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống loài người từ 20 đến 100 năm nữa, cho đến các bài toán gần gũi và ra sản thành sản phẩm vào năm tiếp theo.
Bộ phận tôi làm việc có tầm nhìn từ 3 đến 5 năm, nghiên cứu trong bối cảnh khi AI, dữ liệu bùng nổ, chúng ta sẽ làm được gì. Những dự án nghiên cứu tôi từng thực hiện có thể kể đến giải pháp tự động hóa nhà máy hoàn toàn bằng AI; hay AI hỗ trợ tính toán và giám sát giao thông thông minh; sáng tạo các thuật toán tự hành trong nhà bằng AI cho robot; và cả dự đoán cử động của con người cho điện thoại thông minh. Tôi từng tham gia các dự án nghiên cứu ứng dụng cho ngân hàng, chuỗi cung ứng, và nhà máy thông minh.
Tôi thấy mình may mắn khi được tiếp cận từ thời kỳ đầu của AI, cọ sát với hàng loạt ý tưởng, bài toán, và ngành nghề khác nhau. Tôi thực hiện hơn 20 bài báo khoa học, 8 bằng sáng chế đăng ký cùng Hitachi tại nhiều quốc gia, đồng thời có cơ hội tới Canada với vị trí đại diện liên kết với Viện nghiên cứu AI hàng đầu thế giới Mila và làm việc với giáo sư Yoshua Bengio – “bố già” của AI hiện đại.
Tiếp cận AI một cách có ý thức
– Công việc của anh tại Viện nghiên cứu Mila là gì?
Tại Mila, những trí tuệ hàng đầu thế giới giải quyết các bài toán AI tương lai, những vấn đề dài hạn và có thể tạo ra nhiều biến đổi lớn. AI hiện tại chỉ đang giải quyết được các vấn đề cụ thể và hạn hẹp, thì AI tương lai có thể suy luận và tìm ra các mắt xích xâu chuỗi kiến thức, có thể giúp ích nhiều hơn cho xã hội.
Ở Mila, tôi trở thành cầu nối giữa nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng, mang nhiệm vụ đưa những phát minh mới về AI vào cải tiến công nghệ thực tế. Tôi tập trung vào hai bài toán: AI học nguyên nhân – hậu quả, và AI học tăng cường với khả năng hiểu và xây dựng mô hình của thế giới. Đó là trải nghiệm rất thú vị, khi được đi qua đi lại giữa học thuật và ứng dụng.
Tôi cũng lãnh hội rất nhiều các kiến thức về đạo đức nghề nghiệp khi làm AI tại Mila. Các nhà khoa học nhận thức rất rõ về tiềm năng cũng như sức mạnh của AI đem lại, và có trách nhiệm vô cùng lớn phải xây dựng nên AI một cách đúng đắn. Chúng tôi đều được giáo dục kỹ lưỡng về rủi ro cũng như mục đích tạo ra AI là để phục vụ những điều tốt đẹp cho con người.
Bước ra khỏi vùng an toàn, đương đầu với thử thách mới
– Với một tâm huyết như vậy, vì sao anh rời bỏ công việc cũ? Cơ hội đến với anh hẳn là không thiếu, vì sao anh quyết định trở về Việt Nam?
Sau tám năm làm việc, tôi đến thời điểm phải lựa chọn hướng đi cho sự nghiệp. Quyết định của tôi xuất phát từ mong muốn đóng góp cho Việt Nam, âm ỉ từ ngày đầu ra nước ngoài. Tôi muốn tìm một nơi cần mình, muốn nghiên cứu của mình có ảnh hưởng sâu rộng hơn đến kinh doanh, tạo ra sản phẩm thật sự.
Khi đó, tôi cũng có nhiều lựa chọn tại Việt Nam, nhưng theo tôi, FPT Software là môi trường lý tưởng – một công ty toàn cầu, với nhiều văn phòng trên thế giới và đội ngũ nhân sự đa quốc tịch. Đồng thời, điều mà tôi thích nhất là văn hóa của công ty luôn ủng hộ ý tưởng, sản phẩm mới, là nơi lý tưởng để “ươm mầm” tài năng và dự án mới.
– Từ vị trí nghiên cứu chuyển sang quản lý và ứng dụng công nghệ lõi của mình vào kinh doanh, khác biệt rất lớn so với sự nghiệp trước đây, nó có phải là thử thách lớn với anh?
Có, nếu tiếp tục ở lại vị trí nghiên cứu cũ, tôi sẽ có những ngày tháng êm đềm làm thuần về nghiên cứu và kỹ thuật. Chính FPT Software một lần nữa đưa tôi ra khỏi vùng an toàn, mở cánh cửa mới tiếp theo trong cuộc đời.
Theo đồ hình phát triển sự nghiệp hình chữ “T”, một người cần có chiều sâu kỹ thuật và chiều rộng về kỹ năng quản lý và kỹ năng mềm. Ở vị trí đứng đầu tổ chức công nghệ làm về AI, tôi không những được tiếp tục đào sâu kỹ thuật và công nghệ của mình, mà còn được mở rộng hơn về điều hành, quản trị, và kinh doanh. Đây cũng là cách tôi thử thách bản thân mình để tốt lên.
Tôi cũng nghĩ rằng các bạn trẻ Việt Nam là những người rất thông minh, có năng lực, và chăm chỉ. Tôi có cơ hội để hướng dẫn các bạn phát triển, tìm ý tưởng mới, và hiện thực hóa nó. Chính vì thế tôi rất hào hứng với vị trí này.
Ươm mầm tài năng AI của tương lai
– Dự định của anh sắp tới tại FPT Software là gì?
Với kinh nghiệm đã tiếp thu được ở những viện nghiên cứu hàng đầu thế giới, tôi đã thiết kế FPT Software AI Lab và chương trình nghiên cứu AI Residency cho các bạn trẻ. Đây là môi trường nghiên cứu ở đẳng cấp cao, ở Việt Nam có rất ít tổ chức làm được như vậy. Các nhà nghiên cứu tham gia AI Residency sẽ có hai năm thỏa sức sáng tạo, đề xuất ý tưởng mới, được hướng dẫn bởi các nhà nghiên cứu AI xuất sắc hàng đầu của thế giới.
Thành phẩm cho việc nghiên cứu là các bạn sẽ viết được bằng sáng chế, bài báo khoa học, tạo ra sản phẩm mẫu, và chứng minh tính thực thi, độ hiệu quả của giải pháp. Nhờ những người thầy đẳng cấp thế giới ở Mila và ở AI Lab, các bạn như được “bắc cầu” tiếp cận và lĩnh hội những tinh hoa kiến thức của thế giới ngay tại Việt Nam.
Hai năm là đủ thời gian cho các bạn đào sâu về các bài toán khó. Các bạn sẽ trưởng thành và sẵn sàng tiếp tục đi xa hơn. Và rồi có một ngày, các bạn có thể trở về FPT Software, xây dựng sản phẩm AI chính từ đề xuất của các bạn.
Ánh Dương–Theo Nhịp Sống Kinh Tế