Có câu nói rằng: “Một số điều trong cuộc sống là chắc chắn: Cái chết, thuế và Arjen Robben di chuyển từ cánh phải vào rồi tung chân trái đưa bóng vào góc xa.”.
Ngày 21/6, Fernando Torres giải nghệ khiến biết bao người hâm mộ tiếc nuối. Mới đây ngày 4/7, Arjen Robben cũng quyết định giã từ sự nghiệp quần đùi áo số. Giới mộ điệu lại có dịp tiếc ngẩn tiếc ngơ vì sẽ không còn được thấy một trong những kèo trái hay nhất trong khoảng chục năm vừa qua, sẽ không còn thấy những pha đi bóng và dứt điểm đã trở thành thương hiệu…
Nếu Zinedine Zidane có thể tự hào vì cú xoay người 360 độ tựa như Na Tra đi bánh xe Phong Hỏa Luân, Ronaldinho có tuyệt kỹ chuyền bóng “dương Đông kích Tây” hay Beckham có dáng đá phạt nghiêng người điệu đà không lẫn vào đâu được, thì Robben được người ta nhớ đến với những pha đi bóng đã trở thành thương hiệu: Đi bóng từ cánh phải, qua người rồi dứt điểm bằng chân trái hướng vào góc xa khung thành.
Có điều rất kỳ lạ là các cầu thủ đối phương đều biết anh sẽ làm gì nhưng không thể ngăn chặn. Chính Robben cũng thừa nhận điều quan trọng nhất trong cách ghi bàn này là “luôn giữ được yếu tố bất ngờ”. Khi mọi người nghĩ anh quặt bóng thì anh sẽ đi tiếp, khi mọi người nghĩ anh dứt điểm thì anh lại đi tiếp một nhịp nữa, khi mọi người nghĩ anh dứt điểm vào góc cao thì anh sút góc gần… Thậm chí, khi thủ môn đoán được Robben sẽ sút và chọn góc sẵn, thì tiền vệ này lại sẽ sút sang góc ngược lại! Chỉ trong tích tắc, anh đã đưa ra hàng loạt những phương án xử lý khác nhau. Đây cũng là thành quả từ quá trình Robben luyện tập ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác và năm này qua năm khác.
Năm 2017, Robben thừa nhận nhiều lúc anh dựa hoàn toàn vào bản năng trong việc đưa ra phương án nên làm gì trong các tình huống ghi bàn như thế. “Trực giác và kinh nghiệm cho bạn nhiều sự lựa chọn. Bạn thường phản ứng lại dựa trên vị trí của các hậu vệ và tiền vệ. Tình huống đưa ra mệnh lệnh và không phải lúc nào bạn cũng chăm chăm sút bóng“, Robben chia sẻ.
Và điều quan trọng là, anh đã luyện tập luyện kỹ năng này nhiều đến mức nó đã ăn sâu vào tiềm thức, biến nó trở thành phản xạ, trở thành kỹ xảo, tựa như ăn uống hít thở vậy.
Muốn thành công, không có cách nào khác là luyện tập chăm chỉ và bền bỉ
Edison từng nói: “Thiên tài chỉ có 1% năng khiếu bẩm sinh, còn 99% là do khổ luyện”. Để tìm ra đúng vật liệu để làm sợi dây tóc bóng đèn ông đã nếm trải hơn 10.000 lần thất bại. Một võ sư đã từng nói: “Tôi không sợ kẻ đã luyện tập 10.000 cú đá một lần, mà chỉ sợ kẻ đã luyện một cú đá tới 10.000 lần”. Trong bóng đá, kẻ đã luyện một cú đá tới 10.000 lần như võ sư trên e ngại chính là Robben!
Một cậu bé cụt tay trái từ năm lên 10 tuổi vì tai nạn giao thông, cuộc đời đã đóng sập cửa với cậu cho đến một ngày cậu quyết định đi… học võ Judo ở đạo quán gần nhà. Cậu rất quyết tâm, tự hứa với lòng là sẽ chăm chỉ để mẹ không phải thất vọng. Chỉ có một điều khiến cậu hơi khó chịu là suốt 3 tháng qua, sư phụ chỉ dạy cho cậu một chiêu duy nhất.
“Thưa sư phụ, sao người không dạy cho con nhiều thế võ khác hơn?” cậu thắc mắc.
“Đây là thế võ duy nhất mà con sẽ cần phải biết”, vị sư phụ nhẹ nhàng đáp lại, mắt không nhìn cậu.
3 tháng nữa lại trôi qua… Một hôm thầy gọi cậu lại và bảo rằng tháng này sẽ có một cuộc thi và muốn cậu tham gia.
Các đối thủ của cậu toàn là những cậu bé chân dài ngoằng, dáng vẻ nhanh nhẹn. Nhưng lạ thay cậu đã dễ dàng dành chiến thắng trong 2 trận đầu tiên chỉ với một thế võ được thầy dạy.
Đến trận cuối cùng, đối thủ xem ra đã có nhiều kinh nghiệm, vạm vỡ, trông có vẻ to lớn hơn cậu rất nhiều. Cậu thượng đài, sau một hồi giằng co trên võ đài, cậu phát hiện ra đối thủ của mình đã mắc một sai lầm nghiêm trọng. Ngay lập tức, cậu lao vào đối phương và sử dụng thế võ mà mình đã luyện tập cả nghìn lần để ném đối phương xuống sàn. Cả hội trường đứng bật dậy, tiếng vỗ tay như sấm… Cậu đã chiến thắng một cách ngoạn mục và trở thành nhà vô địch của giải đấu năm đó!
Cậu lao xuống ôm chầm lấy thầy của mình: “Thầy, thầy! Tại sao con lại có thể chiến thắng với một chiêu duy nhất vậy ạ?”.
Và đây là câu trả lời của thầy:
“Con đã chiến thắng vì hai lý do:
Thứ nhất vì con đã luyện tập thế võ đó hàng nghìn lần và đó lại là một trong những thế võ khó nhất của Judo.
Thứ hai, cách duy nhất để khắc chế được thế võ đó là đối phương phải nắm được bên tay trái của con”.
Khuyết điểm của cậu lại là ưu điểm vô cùng lớn. Cậu bé cứ nghĩ số phận mình thật hẩm hiu sau tai nạn ngày đó nhưng cũng chính ngày định mệnh ấy là khởi nguồn cho thành công và vinh quang trong võ thuật của cậu sau này.
Câu chuyện trên chỉ để nói với mọi người một điều rằng: đôi khi khuyết điểm không phải là bất lợi hay bất hạnh, nếu khéo vận dụng thì khuyết điểm lại là ưu điểm vô cùng lớn, là thứ khiến bạn trở thành vô địch.
Quay trở lại với câu chuyện của Robben. Không phải cầu thủ nào cũng có thể sử dụng tốt hai chân. Robben cũng từng đặt ra câu hỏi ngược lại cho xu hướng trọng dụng cầu thủ thuận cả hai chân: “Nhiều cầu thủ chỉ thuận một chân, vậy nên biến chân thuận đó trở nên xuất sắc hay tập luyện chỉ để có cả hai chân ở mức tốt? Có lẽ nên chỉ tập trung vào khai thác tối đa khả năng của chân thuận?”. Robben đã chọn cách mà anh tin là đúng.
Tất nhiên, phạm vi bài viết này không nói về việc khắc phục điểm yếu như nguyên lý Thùng Gỗ (những điểm yếu cản trở chúng ta tựa như “Gót chân Achilles”), mà chỉ nói về việc phát huy điểm mạnh của bản thân.
Albert Einstein từng nói rằng: “Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó là kẻ đần độn“. Thực sự là như vậy.
Cuộc sống là một quá trình tìm kiếm: tìm người thầy để học, tìm đạo lý để sống, tìm bạn để kết giao, tìm người để kết hôn… nhưng cũng còn một loại tìm kiếm nữa không kém phần quan trọng là: tìm lại chính mình! Bạn có khả năng gì, có điểm mạnh gì thì hãy cứ phát huy, không nên nhìn vào người khác vì mỗi người khác nhau, không ai giống ai. Nếu cứ hay nhìn người khác, vô tình bạn sẽ đánh mất bản thân mình, không còn biết mình có khả năng gì nữa.
Sở trường không được đặt vào đúng vị trí có thể gây ra thảm họa
Sẽ ra sao nếu Michael Phelps với chiều cao 1m93, sải tay dài 2m08, bàn chân dài 32cm không là một vận động viên bơi lội? Hay Lionel Messi cũng với cái chân trái đầy ảo diệu, khả năng đi bóng và dứt điểm thượng thừa không được bố trí trên hàng công của đội bóng?
Có công bằng không nếu ép một đứa trẻ có năng khiếu hội họa học Toán, hay ép cậu bé có năng khiếu các môn tự nhiên đọc những quyển sách văn chương dày cộp? Hay mới đây là những câu chuyện đau lòng về một Thạc sỹ du học Mỹ phải chạy xe ôm công nghệ, một bác sỹ nha khoa phải đóng vai bác sỹ khoa sản…
Đông Phong