Bậc quân tử có bốn cảnh giới: khiêm nhường, độ lượng, trầm tĩnh mà sắc sảo và có hàm dưỡng nội tâm. Người cảnh giới càng cao thì tầm nhìn càng rộng, trí huệ càng lớn, nhân phẩm càng đủ đầy…
Khiêm nhường thì nhìn được xa
Thời nhà Thanh có một danh tướng tên là Niên Canh Nghiêu, từng đem quân bình định ở Thanh Hải mà lập nên chiến công hiển hách. Ông làm quan đến chức Tổng đốc Tứ Xuyên, Tuần phủ đốc quân Tứ Xuyên, Định Tây tướng quân ở Phủ Viễn (Hắc Long Giang). Nhưng Niên Canh Nghiêu cậy có tài năng và quyền thế mà sinh lòng kiêu ngạo, xử thế ngang ngược, thậm chí đứng trước mặt Hoàng đế Ung Chính ông ta cũng không hề nể nang.
Khi trấn thủ ở Tây An, Niên Canh Nghiêu từng chiêu mộ nhân tài trong thiên hạ. Có một trí thức tên là Tưởng Hoành đến nương nhờ ở phủ ông. Niên Canh Nghiêu đánh giá cao tài năng của Tưởng Hoành nên có lần nói với anh ta: “Ta có thể cho ngươi làm Trạng nguyên”. Người khác nếu nghe được lời này hẳn sẽ vui mừng vô cùng, nhưng Tưởng Hoành lại là bậc hảo hán có cái đầu lạnh của người quân tử. Ông cho rằng Niên Canh Nghiêu khẩu khí quá lớn, hơn nữa lại bất tuân phép tắc, rốt cuộc cũng sẽ cả gan dám làm loạn mà thôi.
Tưởng Hoành nói với một người bạn thân cận rằng: “Niên Canh Nghiêu đức độ không bằng uy quyền, biết tiến mà không biết thoái, sớm muộn gì cũng sẽ vấp phải sự chán ghét và nghi ngờ của hoàng thượng. Xem ra tương lai ắt sẽ có đại hoạ, chúng ta nên sớm rời khỏi nơi đây”. Một vài người trí thức không cho đó là đúng, bởi bấy giờ quyền lực của Niên Canh Nghiêu to lớn như thế, biết bao nhiêu kẻ sĩ tìm đến ông ta để làm môn hạ.
Tưởng Hoành không tìm được ai có cùng chí hướng với mình, bèn xin cáo bệnh về quê. Niên Canh Nghiêu làm mọi cách cũng không giữ lại được, đành đem 1000 lượng vàng ban cho Tưởng Hoành. Tưởng Hoành nhất mực khước từ, nhưng vì Niên Canh Nghiêu cứ kiên trì nài nỉ, anh mới đồng ý nhận 100 lượng.
Tưởng Hoành về nhà không lâu thì quả nhiên Niên Canh Nghiêu bị khép vào trọng tội, rất nhiều người cũng vì đó mà gặp hoạ theo.
Cũng may thời đó Niên phủ vàng bạc đầy kho nên có tục lệ thưởng cho ai dưới 500 lượng thì không cần ghi sổ, Tưởng Hoành chỉ nhận có 100 lượng nên mới thoát được nạn.
Niên Canh Nghiêu ngang ngược phách lối, biết tiến mà không biết lùi, cuối cùng chuốc họa diệt thân. Tưởng Hoành khiêm nhường lặng lẽ, biết tiến biết lùi, nhờ đó mà bảo toàn tính mạng. Cảnh giới khác nhau tầm nhìn sẽ khác nhau, và đương nhiên số phận cũng khác nhau.
Có độ lượng thì nhìn được rộng
Có câu rằng: “Độ lượng như kho chứa vàng, lượng càng lớn phúc càng lớn và không thể đo lường. Trời ôm vạn vật Trời mới lớn, đất chứa vạn vật đất mới rộng bao la”.
Một giọt mực rơi vào cốc nước sạch, trong cốc lập tức đổi màu, trở thành nước bẩn không thể uống. Nhưng cũng giọt mực ấy nếu hoà vào biển cả, thì sắc xanh của biển cả vẫn không mảy may thay đổi.
Vì sao lại như vậy? Vì khả năng chứa đựng của hai bên không giống nhau. Cũng vậy, người có tấm lòng độ lượng càng lớn thì sẽ nhìn thấy càng rộng, không vì một “giọt mực” mà bị ô nhiễm, cũng như không vì bị người khác mạo phạm mà giận đến đỏ mặt tía tai.
Thẩm Lân Sĩ thời Nam Bắc triều là một người độ lượng như thế. Ông luôn lấy tấm lòng rộng rãi quảng đại để đối đãi với mọi thị phi trong cuộc sống.
Có một lần, người hàng xóm một mực cho rằng Thẩm Lân Sĩ đang đi đôi giày mà ông ta mất mấy ngày trước đó. Thẩm Lân Sĩ nói: “Là giày của ông phải không?”, thế là ông lập tức cởi giày mình rồi đưa cho người ta, còn ông đi chân trần. Một thời gian sau người hàng xóm phát hiện rằng mình đã nhầm lẫn, lại đem giày trả lại Thẩm Lân Sĩ. Ông bèn nói: “Không phải giày của ông sao?”, rồi nhận đôi giày mang vào chân mình.
Tấm lòng độ lượng của Thẩm Lân Sĩ khiến Tô Đông Pha vô cùng khâm phục, ông khuyên mọi người rằng: “cư xử nên như Thẩm Lân Sĩ”. Mỗi người một tính, một hoàn cảnh khác nhau, nếu cứ yêu cầu ai ai cũng hoàn hảo thì là điều không tưởng. Cho nên đầu tiên nên học cách chấp nhận khiếm khuyết, sau đó mới có thể khoan dung với người.
Đối nhân xử thế cần có lòng độ lượng, có khí phách. Đối với lời chê trách phê bình, đối với sai lầm hay thậm chí là thái độ mạo phạm của người khác thì hãy lấy cái nhìn rộng rãi và tấm lòng quảng đại để khoan dung.
Lòng độ lượng càng lớn thì tầm nhìn càng rộng, có thể tránh hố sâu vực hiểm trên bước đường nhân sinh. Người như vậy không cầu mà vẫn được phúc báo, không cố né tránh tai họa mà vẫn tránh được họa tai.
Có sắc sảo thì nhìn được thấu
Tư tưởng sắc sảo mới có thể nhìn thấu sai lầm và xảo biện, biểu lộ rõ ràng năng lực thức tỉnh khi phạm sai lầm. Cư xử cần tinh tế mới có thể nhìn thấu hư tình giả ý và những mưu đồ xấu xa.
Đối xử với người thì bình hòa nhưng không yếu đuối, thiện lương nhưng không mất đi sự cứng cỏi, có chừng mực nhưng không mất đi vị trí và nguyên tắc của mình.
Thiện lương không phải là giúp đỡ hết thảy mọi việc, cũng không phải là cả nể, mà là rộng rãi lý trí, là vừa phải thích hợp. Thiện lương nếu không thực thi dựa trên nguyên tắc thì sẽ thành điểm yếu của bản thân. Khổng Tử nói: “Lấy đức hạnh để báo đức hạnh, lấy chính trực để báo oán hận”. Nhưng đối với cái ác không nên phung phí sự thiện lương của mình.
Có hàm dưỡng thì nhìn thấy nhẹ
Người xưa có câu: “Công phu hàm dưỡng sâu dày, người quân tử quý ở tự mình giữ gìn khí tiết”. Một người có hàm dưỡng chủ yếu biểu hiện ra năng lực tự chế ước bản thân. Họ sẽ khống chế cảm xúc và hành vi một cách thích hợp, sẽ không lo lắng về nghịch cảnh, sẽ không vì khuyết điểm mà tức giận, càng không chuyển sự tức giận sang người khác mà làm hỏng mối quan hệ đôi bên.
Hàm dưỡng là sự trầm lắng trong tâm trước sóng gió cuộc đời, cũng là thành quả của việc tu dưỡng tinh thần. Chỉ khi chúng ta xem nhẹ mọi việc mới có thể tự ước thúc bản thân, mới có phong thái, mới trở thành người có hàm dưỡng.
Xem nhẹ là đối với vinh nhục được mất thì không cho đó là quá quan trọng, hiểu được cần làm thế nào cho mình và cho cả người khác một con đường để lui. Từ đó khiến con đường rộng rãi thênh thang, không đến mức gặp nhau trên ngõ hẹp mà khiến cả hai đều tiến thoái lưỡng nan.
Xem nhẹ không phải cưỡng cầu người khác hiểu mình, bởi vì “quen biết khắp thiên hạ, tri kỷ hỏi mấy ai”. Do đó cũng không vì năm đấu gạo mà cúi mình để làm vừa lòng người khác.
Xem nhẹ là những việc làm được thì làm, không làm được thì không làm. Có trách nhiệm với người khác cũng đồng thời có trách nhiệm với bản thân, tha thứ cho người cũng nên tha thứ cho mình.
Xem nhẹ là giữ gìn tâm thái và khí phách giống như Tào Tháo trong “Đoản ca hành – kỳ 2”: “Trước rượu nên ca hát, đời người có là bao”. Gặp chuyện vui thì cứ vui, không cần lo toan vướng bận.
Chỉ khi nếm trải cuộc sống mới biết thế nào là thấu hiểu, chỉ có thấu hiểu mới biết thế nào là trân quý. Lấy sự việc đã qua làm thành dư vị, lấy yêu ghét làm thành nước chảy hoa rơi, xem nhẹ hết thảy thì mọi thứ chỉ như khói mây qua tầm mắt…
Mọi việc đều xem nhẹ thì sẽ ít đi một phần hối tiếc, ít đi một phần rắc rối, nhiều hơn một phần hài lòng, nhiều hơn một phần vui vẻ, như thế là có hàm dưỡng rồi.
Mạn Vũ – Theo Cmoney