Khởi nghiệp không đơn thuần là tạo ra một sản phẩm hay dịch vụ mới mà còn là sự kết nối của những người có cùng mục tiêu và giá trị. Vì vậy, kỹ năng xây dựng cộng đồng là rất quan trọng và cần thiết trong quá trình khởi nghiệp.
Theo chuyên gia tư vấn Trinh Hồ, nhà sáng lập Lady Networking Group, cộng đồng ở đây có thể hiểu là cộng đồng khách hàng, đối tác và bao gồm cả nhân viên của bạn đều cùng sử dụng sản phẩm hay một mục tiêu chung nhất định. Cộng đồng bao gồm hình thức offline và online.
Với những người khởi nghiệp không tránh khỏi cảm giác cô đơn hay xung đột khi làm việc nhóm, đặc biệt khi phải ra quyết định liên quan đến kinh doanh, đến tuyển dụng nhân sự hay ra mắt sản phẩm mới. Một trong những “chìa khoá” để giải quyết vấn đề này là sự thấu cảm với bản thân.
– Bạn cần rèn luyện tính cách không phán xét, tôn trọng sự khác biệt, sự cầu tiến phát triển cộng đồng. Dần tích lũy sự thấu cảm, bạn sẽ có đồng cảm. Đồng cảm thúc đẩy mọi người mong muốn hiểu nhau hơn, từ đó khúc mắc sẽ được tháo gỡ.
– Để xây dựng một cộng đồng khởi nghiệp, bạn cần có một tầm nhìn rõ ràng và sự tập trung vào chân dung khách hàng. Bạn cần hiểu rõ về khách hàng của mình, nắm bắt được nhu cầu của họ và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được những nhu cầu đó.
Khi khách hàng của bạn cảm thấy hài lòng với sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, họ sẽ trở thành những người ủng hộ và là “mảnh ghép” giúp bạn xây dựng một cộng đồng vững mạnh.
– Đối với đội ngũ nhân sự đồng hành, bạn cần phải tạo ra một môi trường làm việc tích cực và thân thiện. Bạn có thể tạo ra một không gian làm việc thoải mái để nhân viên làm việc hiệu quả. Thay đổi không gian họp hành, không chỉ trong phòng họp mà có thể chọn không gian cafe sáng tạo để quá trình trao đổi không bị nhàm chán.
– Ngoài ra, bạn cũng cần phải tạo ra các hoạt động tăng cường tinh thần đoàn kết và gắn kết trong cộng đồng của mình. Bạn có thể tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận và hội thảo có các chuyên gia trong ngành để các thành viên trong cộng đồng cùng chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm của nhau.
Điều này sẽ giúp tăng cường mối quan hệ giữa các thành viên và giúp cộng đồng phát triển mạnh mẽ hơn.
– Cuối cùng, bạn cần phải dành thời gian để chăm sóc và quan tâm đến các thành viên trong cộng đồng của mình.
Hãy lắng nghe và giải quyết các vấn đề mà các thành viên của bạn đang gặp phải. Điều này sẽ giúp tạo ra một môi trường làm việc và kinh doanh tích cực, đồng thời giúp cộng đồng của bạn phát triển bền vững hơn.
Trong kinh doanh và khởi nghiệp, xây dựng một cộng đồng vững mạnh là rất quan trọng. Bằng cách áp dụng các kỹ năng xây dựng cộng đồng hiệu quả, bạn có thể giúp cộng đồng của mình phát triển và đóng góp vào sự thành công của doanh nghiệp.
Theo PNVN