Nếu các quốc gia quyết tâm cùng “nói không” với Thế vận hội Mùa đông 2022, việc này có thể gây ra ảnh hưởng xấu tới Trung Quốc và làm Bắc Kinh mất mặt.
Trung Quốc chi mạnh tay cho Olmypic Mùa đông
Các chính trị gia từ hai cường quốc phương Tây đã bắt đầu kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa đông 2022 tại Bắc Kinh nếu Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) không chuyển địa điểm tổ chức Thế vận hội sang một quốc gia khác. Mọi việc đều bắt đầu từ các chính trị gia ở Vương quốc Anh và sau đó là tới Quốc hội Mỹ.
Cho đến nay, hai ủy ban lớn của Olympic không đồng ý, nói rằng họ phản đối việc tẩy chay Olympic bất kể lý do là gì. Các ủy ban Olympic của Mỹ và Canada đã khẳng định họ không ủng hộ những hành vi tẩy chay như vậy.
Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và nước này hy vọng sẽ tận dụng thời điểm Thế vận hội Mùa đông trùng với Tết Nguyên đán vào năm 2022. Hai sự kiện lớn này sẽ cho phép Trung Quốc thể hiện truyền thống nhiều thế kỷ của mình với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại.
Bắc Kinh cũng sẽ trở thành thành phố đầu tiên tổ chức cả Thế vận hội Mùa hè (2008) và Thế vận hội Mùa đông. Các quốc gia trên thế giới đã tổ chức nhiều Thế vận hội, nhưng một thành phố chưa bao giờ tổ chức cả hai Thế vận hội.
Tuy nhiên, các quốc gia khác đã viện dẫn những vấn đề liên quan tới Trung Quốc để ngăn các vận động viên, huấn luyện viên, người hâm mộ và gia đình của họ đến thăm Trung Quốc hoặc bất kỳ thành phố nào gần Bắc Kinh.
Mike Waltz, một đại diện của Đảng Cộng hòa từ Florida, đã đệ trình một yêu cầu thúc giục Ủy ban Olympic và Paralympic Mỹ (USOPC) “đề xuất chuyển Thế vận hội Olympic Mùa đông 2022 đến một địa điểm không thuộc lãnh thổ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
Nếu việc này không được đáp ứng, ông Waltz cho rằng Mỹ và các quốc gia khác nên rút lui khỏi Thế vận hội Mùa đông 2022.
USOPC đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 4/2 cho biết họ phản đối việc tẩy chay Thế vận hội Mùa đông tại Bắc Kinh năm 2022. “Chúng tôi phản đối việc tẩy chay Thế vận hội vì chúng có tác động tiêu cực đến các vận động viên trong khi không giải quyết được các vấn đề toàn cầu. Chúng tôi tin rằng cách hành động hiệu quả hơn là để các chính phủ trên thế giới và Trung Quốc tự giải quyết trực tiếp các vấn đề nhân quyền và địa chính trị.”
“Đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022 tại Trung Quốc – nơi các quyền tự do của công dân Hồng Kông đang bị chà đạp; nơi mà quyền cơ bản được bị đàn áp và trước sự tàn phá toàn cầu do hậu quả của COVID-19 – sẽ là điều phi đạo đức và sai trái,” ông Waltz nêu.
Tẩy chay quy mô lớn
Mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã rạn nứt trong vài năm qua. Nếu Mỹ dẫn đầu tẩy chay Thế vận hội Mùa đông, điều này có thể sẽ khiến mối quan hệ giữa hai nước xấu hơn bao giờ hết.
Trước đây, Thế vận hội Mùa hè đã từng bị tẩy chay – ví dụ Mỹ vào năm 1980 và Liên Xô vào năm 1984 – nhưng Thế vận hội Mùa đông chưa bao giờ bị tẩy chay. Nếu các quốc gia quyết tâm cùng “nói không” với Thế vận hội Mùa đông 2022, việc này có thể gây ra ảnh hưởng xấu và làm Bắc Kinh mất mặt bởi thành phố này đang có cơ hội trở thành địa điểm duy nhất từng tổ chức Thế vận hội Mùa hè và Thế vận hội Mùa đông.
Tại Thế vận hội Mùa hè 2008, thế giới đã chứng kiến một trong những Lễ khai mạc đáng nhớ nhất được tổ chức tại Sân vận động “Tổ chim” ở Bắc Kinh.
Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh năm 2022 dự kiến diễn ra trong ngày 4-20/2/2022 tại ba thành phố khác nhau ở miền bắc Trung Quốc. Nga không được phép thi đấu vì những cáo buộc vận động viên sử dụng doping, do đó các quốc gia tham gia Thế vận hội năm 2022 chủ yếu là các nước phương Tây. Nếu Mỹ lên kế hoạch tẩy chay Trung Quốc, nhiều quốc gia châu Âu có thể sẽ theo bước.
Một cuộc tẩy chay trên quy mô thế giới có thể ảnh hưởng đến dự báo chỉ số kinh tế của Trung Quốc và dẫn đến thiệt hại tài chính khổng lồ cho nước này. Trung Quốc đã xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc nối Bắc Kinh với Diên Khánh và Trương Gia Khẩu – là hai thành phố khác dự kiến tổ chức các sự kiện cho Thế vận hội 2022.
Tẩy chay Thế vận hội cũng có thể dẫn đến thiệt hại tài chính cho các quốc gia tẩy chay — từ tài trợ cho đến quyền phát sóng. Nó cũng sẽ khiến các vận động viên tập luyện chăm chỉ cả cuộc đời bị hụt hẫng và mất cơ hội tỏa sáng.
Cựu Tổng thống Donald Trump đã có thái độ cứng rắn trước Trung Quốc hồi năm 2020 vì sự lây lan của COVID-19 bắt nguồn từ Vũ Hán. Hành động đầu tiên mà ông Trump thực hiện để ngăn chặn virus là chặn tất cả các chuyến bay từ Trung Quốc vào Mỹ. Ông Trump thường gọi COVID là “virus Trung Quốc” và “virus Vũ Hán” trước khi gọi nó là “virus corona”.
Tuy nhiên, ông Trump chưa bao giờ chính thức kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh.
Đã có nhiều tiền lệ
Trung Quốc đã xây dựng và mở hệ thống đường sắt cao tốc dài 174km từ Bắc Kinh đến Trương Gia Khẩu. Đây là hệ thống tàu cao tốc không người lái đầu tiên trên thế giới, được vận hành từ ngày 30/12/2019, có thể đạt tốc độ lên đến 350 km/giờ. Những “đoàn tàu thông minh” này có công nghệ nhận dạng khuôn mặt hiện đại tại các nhà ga và nó có sức chứa cabin phù hợp cho các vận động viên mang theo thiết bị lớn, có khả năng giúp các vận động viên khuyết tật di chuyển dễ dàng cho Thế vận hội Paralympic mùa đông.
Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 dự kiến bắt đầu khoảng 7 tháng sau Thế vận hội Mùa hè Tokyo 2020 – hiện đã bị hoãn đúng một năm vì COVID-19.
Thế vận hội Mùa đông diễn ra bốn năm một lần, có ít môn thể thao và quốc gia tham gia hơn Thế vận hội mùa hè. Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh dự kiến sẽ tổ chức 109 sự kiện tại ba khu vực thi đấu thuộc trung tâm Bắc Kinh, Diên Khánh và Trương Gia Khẩu.
Hầu hết các quốc gia từ Châu Phi, Nam Mỹ và Châu Đại Dương không tham gia. Các ứng cử viên tranh huy chương chính mỗi Thế vận hội mùa đông bao gồm Mỹ, Canada, Nga, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đức, Ý, Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Trung Quốc và Nhật Bản. Nhiều quốc gia trong số đó đang bị ảnh hưởng xấu bởi COVID-19.
Đội Canada đã tuyên bố rằng “tẩy chay không phải là câu trả lời” cho Bắc Kinh. Nếu các quốc gia như Ý, Đức, Pháp và các nước châu Âu khác cùng tẩy chay, việc này sẽ khiến toàn bộ Thế vận hội thất bại, dẫn đến lượng du khách dự kiến đến Bắc Kinh vào năm 2022 giảm mạnh và có thể buộc Ủy ban Olympic quốc tế phải đưa ra quyết định về việc tổ chức một Thế vận hội Mùa đông quy mô nhỏ ở Bắc Kinh — hoặc chuyển sự kiện này sang một quốc gia khác.
Một trong những lựa chọn sáng giá rất có thể sẽ là PyeongChang, Hàn Quốc, nơi đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2018. Nga từng đăng cai Thế vận hội mùa đông năm 2014 tại Sochi, nhưng xét tới việc quốc gia này bị cấm thi đấu quốc tế trong thời gian 4 năm, IOC sẽ gặp khó khăn nếu muốn đưa Thế vận hội Mùa đông quay trở lại đây vào năm 2022.
Canada từng đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2010 tại Vancouver.
Ý đã đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2006 tại Turin, và nước này sẽ lại tổ chức Thế vận hội Mùa đông vào năm 2026 tại Milan.
Mỹ đã tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2002 tại Thành phố Salt Lake, và thủ phủ của bang Utah vẫn đóng vai trò là địa điểm tập luyện cho một số vận động viên có triển vọng giành huy chương Olympic cho Mỹ.
Tẩy chay Thế vận hội không phải là điều hiếm gặp, và nguyên nhân gần như là vì lí do chính trị. Nhưng cho đến nay, các cuộc tẩy chay hầu như chỉ hướng tới Thế vận hội mùa hè — chưa bao giờ dành cho các môn thể thao mùa đông.
Trung Quốc đã dẫn đầu một cuộc tẩy chay đa quốc gia đối với Thế vận hội Montreal 1976 sau khi Canada cho phép các vận động viên Đài Loan tham gia nhưng không phải dưới danh nghĩa Trung Quốc.
Mỹ đã dẫn đầu một cuộc tẩy chay gồm 66 quốc gia đối với Thế vận hội Moscow 1980 để phản đối việc Liên Xô đưa quân vào Afghanistan hồi cuối năm 1979.
Liên Xô và 14 quốc gia khác, chủ yếu thuộc Khối phía Đông, đã tẩy chay Thế vận hội Los Angeles năm 1984. Mặc dù Liên Xô và các quốc gia khác lấy lí do rằng họ nghĩ các vận động viên và huấn luyện viên không được bảo vệ an ninh đầy đủ, nhưng nhiều người cho rằng hoạt động tẩy chay là nhằm trả đũa cuộc tẩy chay do Mỹ dẫn đầu vào năm 1980.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị