Phụ nữ khi khởi nghiệp sẽ gặp nhiều áp lực, rào cản và vấn đề hơn nam giới. Vì thực tế họ vẫn gặp phải những định kiến, sự nghi ngờ về năng lực và khả năng cân bằng thời gian giữa gia đình và công việc.
10 giờ tối chưa về nhà, làm việc 12 tiếng/ngày và gồng lên như superman
Khởi nghiệp là một hành trình vô cùng gian nan và gặp nhiều thách thức. Phụ nữ khởi nghiệp sẽ càng gian nan và thách thức hơn nữa, vì những định kiến vẫn còn tồn tại. Chưa kể, nữ giới còn phải cân đối giữa việc phát triển công việc với chăm sóc gia đình, để cân bằng được điều này không hề dễ dàng.
Nguyễn Hoàng Anh, fouder của Abivin chia sẻ tại chương trình Quốc gia khởi nghiệp rằng, nữ giới khởi nghiệp sẽ vấp phải những định kiến từ gia đình hoặc xã hội. Chẳng hạn như phụ nữ đến những độ tuổi nhất định phải lập gia đình và sinh con.
Không chỉ gặp khó khăn về định kiến trong việc khởi nghiệp, nữ giới còn phải cân bằng giữa việc phát triển doanh nghiệp và chăm sóc gia đình.
Trần Thu Phương, nữ sáng lập Adverlink cho biết: “Khoảng thời gian của mình sẽ bị eo hẹp hơn vì sẽ phải phân bổ thời gian giữa gia đình và công việc. Đồng thời, để có một nguồn tài chính tốt cho khởi nghiệp với mình cũng là một trong những vấn đề khó khăn”.
Cũng tại chương trình Quốc gia khởi nghiệp, Nguyễn Thị Bích Ngọc, sáng lập kiêm điều hành Ecomeasy Asia kể rằng, nhiều lúc chị phải gồng lên như ‘superman’ và muốn có sức mạnh như nam giới. Vì khi khởi nghiệp mình sẽ phải làm nhiều hơn 12 tiếng/ngày, 9 đến 10 giờ đêm vẫn chưa về nhà và điều đó khiến chị luôn cảm thấy có lỗi với con gái.
Với phụ nữ khi khởi nghiệp, họ phải hi sinh việc chăm sóc gia đình để toàn tâm toàn ý cho công việc.Ngoài những định kiến, khó khăn trong việc sắp xếp thời gian, cân bằng giữa gia đình và công việc; đôi khi họ còn bị nghi ngờ về năng lực.
Mai Thúy, nữ sáng AnyExchange kể về những ngày đầu khởi nghiệp: Khi mình là nữ mà điều hành doanh nghiệp thì nhiều người luôn đặt ra câu hỏi, doanh nghiệp của mình hoạt động như thế nào, chủ là nữ thì không biết cô này đang thực sự là chủ không hay có một người khác đứng đằng sau”.
Trang Đào – Founder Vaymuon.con chia sẻ rằng: “Những đồng nghiệp nam thường thấy không thoải mái khi sếp nữ và lại là người ít tuổi đưa ra yêu cầu. Điều đó đã từng tạo ra áp lực nặng nề cho tôi. Ban đầu khi tôi bắt đầu công việc mọi người không tin là tôi có thể làm được cho đến khi tôi thfanh công“.
Xét về nhiều khía cạnh, khi phụ nữ khởi nghiệp sẽ gặp phải nhiều áp lực, rào cản vấn đề hơn nam giới. Và để thành công với startup của mình họ cũng sẽ phải nỗ lực rất nhiều.
Chọn cách san sẻ thay vì thu về
Phụ nữ có thể gặp nhiều khó khăn trong khởi nghiệp, tuy nhiên họ hoàn toàn có thể nhận được sự giúp đỡ từ những người xung quanh.
Sáng lập Ecomeasy Asia chia sẻ rằng: “Nhiều lúc thì cần gồng lên như nam giới nhưng có những lúc không cần phải làm như vậy. Đôi lúc sẽ có khó khăn và cả những hi sinh nhưng mình không chọn cách thu về. Mình sẽ san sẻ. Miễn là mình cứ đưa bàn tay của mình ra thì sẽ nhận được sự giúp đỡ”.
Nữ sáng lập Abivin cũng thổ lộ, nhiều khi rất muốn về thăm bố mẹ và gia đình nhưng bất tiện một chút là vì khoảng cách quá xa. Nhưng bố mẹ luôn gọi điện và nói hãy tập trung cho công việc.
Nữ sáng lập Abivin là một người khá may mắn khi nhận được sự đồng cảm từ gia đình. Và đó là một trong những động lực lớn giúp cô có thể tập trung phát triển doanh nghiệp của mình.
Thành công nhờ am hiểu thị trường và sự chuẩn bị kỹ càng
Nguyễn Hoàng Anh – đồng sáng lập của Abivin và Nguyễn Thị Bích Ngọc – sáng lập kiêm điều hành Ecomeasy Asia đều là những người phụ nữ tài giỏi khi đã khởi nghiệp khá thành công. Các startup của họ đều đã gây được tiếng vang đối với thị trường Việt Nam cũng như quốc tế.
Họ đều là nữ giới nhưng đã đứng trên những sân khấu lớn để tham dự nhiều cuộc thi và thuyết trình trước hàng nghìn người.
Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ: “Tôi đã từng rất run khi bước lên sân khấu và đứng trước hàng nghìn người với những vị giám khảo đầy kinh nghiệm. Mình đã từng động viên bản thân là phải vượt qua nỗi sợ để thể hiện tốt nhất có thể.
Tham dự các cuộc thi mình không đặt mục tiêu sẽ ở vị trí thứ nhất. Chỉ biết là mình đã chuẩn bị rất là kỹ càng vì mình là người đặt ra tiêu chí rất cao và rất khó tính với bản thân. Mình nghĩ rằng chính sự chuẩn bị kỹ càng là một trong những yếu tố giúp mình có thể thành công.
Tuy nhiên khi thuyết trình mình không phải người thuyết trình tốt nhất nhưng mình đã thắng cuộc. Ban giám khảo có chia sẻ rằng mình thắng là do cách mình trả lời câu hỏi đã cho thấy mình am hiểu thị trường. Thực tế mà nói mình rất am hiểu thị trường mà mình đang làm”.
Sáng lập Ecomeasy Asia cũng chia sẻ, khi thuyết trình cô luôn có cảm giác bị lọt thỏm giữa sân khấu lớn. Khi mọi người đi ăn tối thì cô vẫn ở lại luyện tập để có thể có được kỹ năng thuyết trình thuần thục nhất.
Bí quyết để các startup thành công là phải thực sự am hiểu thị trường và phải chuẩn bị kỹ câu trả lời trước khi lên sân khấu. Ban giám khảo sẽ nhìn vào khả năng bạn am hiểu thị trường đến đâu để đánh giá bạn. Startup có thể mở ra doanh nghiệp nhưng điều quan trọng là bạn sống sót như thế nào trong thị trường đó.
Đồng thời, Bích Ngọc cũng quan điểm, khi tham gia các cuộc thi, startup nên trả lời ngắn gọn, đúng vấn đề, đúng trọng tâm sẽ khiến ban giám khảo sẽ lắng nghe nhiều hơn và đánh giá cao.
Khởi Minh
Theo Trí Thức Trẻ