Chúng tôi mong muốn có một chương trình “Cà phê với Thủ tướng”. Chúng ta có thể chọn lọc “trúng kỳ lân” qua các vòng sàng lọc để được ngồi với thủ tướng trình bày các khúc mắc.
Phiên hiến kế về khởi nghiệp và các mô hình kinh doanh mới của Diễn đàn Kinh tế Tư nhân (ViEF) nóng lên với hàng loạt đề xuất từ các chuyên gia và startup như gợi ý sàng lọc “trứng kỳ lân” để giành vé ngồi “Cà phê với Thủ tướng”, bổ sung khái niệm “Cò khởi nghiệp” – những bộ phận trung gian hỗ trợ người khởi nghiệp cũng như khơi thông dòng vốn…
Sàng lọc “trứng kỳ lân” để giành suất ngồi “Cà phê với Thủ tướng”
Mỗi đại biểu được giới hạn 2 phút phát biểu, nhưng anh Nguyễn Đức Thành – CCO iWork – chỉ giới hạn phần đề xuất của mình ngắn gọn trong 1 phút.
“Chúng tôi mong muốn có một chương trình “Cà phê với Thủ tướng”. Chúng ta có thể chọn lọc “trứng kỳ lân” qua các vòng sàng lọc để được ngồi với Thủ tướng, hoặc bộ phận chuyên trách khởi nghiệp 1 lần/tháng để có cơ hội trình bày các khúc mắc“.
“Ý tưởng “Cà phê với Thủ tướng” cũng có thể gọi là “Cà phê Unicorn”. Chúng tôi đã thấy ý tưởng tương tự (Cà phê với doanh nghiệp – PV) được ứng dụng ở một số địa phương, nhưng các vị toàn ngồi với doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp khởi nghiệp chưa có chương trình này“, anh Thành chia sẻ.
“Nếu phải chọn 1 sai lầm, tôi sẽ chọn Khuyến khích nhầm cái không tốt hơn là Cấm cái tốt”
Theo TS. Huỳnh Thế Du – ĐH Fullbright, các loại hình kinh tế mới chính là cơ hội để chúng ta bắt kịp với sự biến chuyển của quốc tế. Với một quốc gia như Việt Nam, khó kỳ vọng sẽ ở các mặt trận hàng đầu, nhưng đây là cơ hội lớn để tiếp cận.
Tuy nhiên, theo TS. Du, từ góc độ tiếp cận của Nhà nước, phải tránh 2 sai lầm cơ bản:
“Một là Cấm những lĩnh vực tạo ra nhiều lợi ích kinh tế. Hai là Khuyến khích những lĩnh vực gây tổn hại kinh tế, ví như một mô hình tài chính nào đó Ngân hàng Nhà nước không theo kịp nhưng mở rộng ra có thể gây sập cả hệ thống. Giữa 2 sai lầm đó – một là Cấm cái tốt, hai là Khuyến khích cái không tốt, nếu phải chọn một sai lầm, tôi thiên về hướng chấp nhận sai lầm loại 2.”
“Nhiều khi chúng ta không thể ngăn chặn được, mà chúng ta chủ động với nó thì tốt hơn“, TS. Du nói.
Nên có “Cò khởi nghiệp”. Bất động sản và Chứng khoán hút được nhiều tiền bởi họ có “Cò đất”, “Cò chứng”…
Ông Phạm Anh Tuấn giới thiệu là CEO một công ty bất động sản có hơn 4.000 nhân sự. Ông đề xuất từ phía Nhà nước, nên có khái niệm “Cò khởi nghiệp”, tức môi giới khởi nghiệp.
“Vì sao Bất động sản và Chứng khoán có nhiều tiền đổ vào? Vì họ có “Cò bất động sản” và “Cò chứng khoán”. Những người sáng tạo, có ý tưởng, ít có người có khả năng bán hàng được. Một số ít có khả năng bán hàng được đã thành công, còn lại thì phần đa thất bại”, ông Tuấn nói.
“Chúng ta nói đến mô hình kinh doanh mới không chỉ từ start up mà các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp cũng phát sinh nhiều hình thức hỗ trợ mới. Cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ cho các tổ chức trung gian này. Ngoài ra, khi đưa ra các chương trình thí điểm nên tham khảo ý kiến của các tổ chức trung gian này vì mỗi ngày họ nhận được rất nhiều ý tưởng. Khuyến khích môi trường hỗ trợ khởi nghiệp đặc biệt“, bà Trương Lý Hoàng Phi – Sáng lập trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TPHCM (BSSC), Giám đốc Vintech City – tổng kết giải pháp gợi ý từ ông Tuấn.
Doanh nghiệp công nghệ, dù lớn, vẫn vấp phải thách thức đến từ phản ứng của doanh nghiệp truyền thống
Chia sẻ tại phiên hiến kế về khởi nghiệp và các mô hình kinh doanh mới của Diễn đàn Kinh tế Tư nhân (ViEF), ông Jerry Lim – CEO Grab Việt Nam – cho biết: Grab không là startup, mà đã là gia nhập các doanh nghiệp unicorn hay còn gọi là những doanh nghiệp tỷ USD, tuy nhiên bản chất Grab vẫn là một công ty công nghệ. Thách thức đầu tiên Grab phải đối mặt là từ doanh nghiệp truyền thống.
“Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 1, tất cả công nhân muốn đập phá máy móc vì họ e ngại mất việc làm. Các công ty truyền thống cũng phản đối việc tự động hóa máy móc. Tuy nhiên, khi chúng ta tiến tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trước mắt, các công ty truyền hống vẫn phản ứng trướcc việc ứng dụng công nghệ mới“.
“Họ cứ nghĩ công nghệ mới đã chiếm mất thị phần, làm họ mất lợi nhuận“.
Khởi nghiệp cũng như khởi nghĩa, cần chuẩn bị lương thảo, đạn dược… Nhưng nguồn vốn vẫn là vấn đề với startup Việt cả thập kỷ qua
Ông Trần Ngọc Thái Sơn – Founder kiêm CEO Tiki cho rằng khởi nghiệp cũng giống như khởi nghĩa, cần chuẩn bị lương thảo, đạn dược… Các công ty khởi nghiệp ngày càng giỏi lên, tuy nhiên có vấn đề lớn là nguồn vốn vẫn là khó khăn trong cả thập kỷ qua.
Một trong những khó khăn khi gọi vốn là câu chuyện làm sao để nhà đầu tư exit (thoái vốn) thành công.
Có 3 cách để một nhà đầu tư startup lấy lại được tiền: 1- Startup có lời (hy vọng trong tương lai xa), 2- Startup được mua lại/sáp nhập với công ty lớn, 3-IPO hay lên sàn.
Tuy nhiên, để một startup lên sàn ở Việt Nam rất khó khăn. Trong khi đó, các sàn chứng khoán của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hay Trung Quốc đều cho phép các công ty niêm yết mà không cần có lãi, chỉ cần có tăng trưởng.
Bên cạnh đó, CEO Tiki cũng khuyến khích các startup go global hay go regional. Khi nhà đầu tư vào Việt Nam sẽ nhìn vào quy mô thị trường và Việt Nam là thị trường hấp dẫn nhưng chưa đủ lớn, chưa đạt mức nghìn tỷ USD. Nhưng khi scale up ra khỏi biên giới Việt Nam, hướng tới thị trường khu vực hay toàn cầu thì quy mô thị trường có thể đạt tới hơn 2.000 tỷ USD, thậm chí lớn hơn nữa.
PV (t/h)