Ngày 6/5/2017, một bức ảnh được đăng tải trên trang Facebook của nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Bangladesh – GMB Akash – đã thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng với hơn 600.000 like. Bức ảnh đó có gì mà khiến nhiều người quan tâm đến thế?
Đó là bức ảnh chân dung một người đàn ông với nước da đen sạm nhưng bóng loáng lạ kỳ, mái tóc vẫn đen nhánh mà bộ râu đã chuyển màu bạc lớt phớt. Tâm điểm của bức ảnh chính là đôi mắt đục ngầu đượm vẻ u buồn, khắc khổ của người đàn ông mà chỉ cần nhìn thoáng qua là người ta biết ông ấy đã phải trải qua nhiều đắng cay, vất vả, sương gió, bụi trần.
Nhưng đó không phải là tất cả, mà chính câu chuyện đằng sau mới khiến hàng triệu người dùng Facebook không khỏi cay mắt.
Câu chuyện ứa nước mắt của một người cha
Người đàn ông trong bức ảnh này là ông Idris, một người lao động nghèo ở Bangladesh. Ông làm nghề dọn cống để lo cho 4 đứa con ăn học.
Có thể nhiều người chưa biết, nghề dọn cống ở Bangladesh bị coi là công việc vất vả và bẩn thỉu nhất trên thế giới. Những người công nhân phải làm việc trong môi trường mất vệ sinh chính là những cái cống nước thải đen ngòm, bốc mùi khủng khiếp, dễ mắc bệnh truyền nhiễm mà lương thì ba cọc ba đồng.
Khó khăn, vất vả là vậy nhưng ông bố nghèo Idris ấy đã giấu nhẹm công việc của mình vì lo sợ nếu biết sự thật, các con sẽ cảm thấy xấu hổ trước bạn bè. Ông làm việc quần quật để các con có thể yên tâm học hành. Để các con không nghi ngờ, mỗi ngày trước khi đi làm về, ông đều chui vào nhà tắm công cộng tắm rửa sạch sẽ để xua đi mùi hôi thối sau khi lặn ngụp dưới các ống cống.
Thế nhưng, một biến cố xảy ra đã khiến ông quyết định công khai sự thật cho các con biết.
“Tôi chưa bao giờ nói với các con công việc của mình. Tôi không bao giờ muốn chúng cảm thấy xấu hổ vì tôi. Khi con bé út hỏi tôi làm nghề gì, tôi thường ngập ngừng rồi nói với con rằng tôi là một người lao động.
Trước khi về nhà mỗi ngày, tôi thường tắm sạch sẽ trong nhà vệ sinh công cộng nên chúng không biết tôi đang làm gì. Tôi muốn các con được đến trường học và hưởng sự giáo dục tốt nhất để chúng được ngẩng cao đầu trước bất kỳ ai. Tôi không bao giờ muốn người khác coi thường các con tôi như cách người đời vẫn nhìn tôi. Mọi người luôn khinh rẻ tôi. Tôi dồn hết từng xu kiếm được cho các con ăn học. Tôi không dám mua một cái áo mới mà dùng tiền để mua sách cho chúng.
Một ngày trước ngày con gái út vào đại học, tôi không thể xoay xở đủ tiền phí nhập học cho con. Cả ngày hôm đó, tôi chẳng làm được việc gì. Tôi ngồi bên đống rác, cố giấu đi những giọt nước mắt buồn tủi. Những người công nhân làm cùng đều nhìn tôi nhưng không ai nói lời nào. Tôi cảm thấy thất bại và đau lòng lắm. Tôi không biết phải đối mặt với con gái mình như thế nào khi trở về nhà. Tôi sinh ra đã nghèo và giây phút đó tôi nghĩ rằng đã là người nghèo thì chẳng bao giờ được đón nhận điều tốt đẹp.
Sau giờ làm việc, những anh em làm cùng đến ngồi bên cạnh tôi và hỏi tôi có coi họ như anh em không. Tôi chưa kịp thốt nên lời thì mỗi người đã dúi vào tay tôi số tiền công một ngày của họ. Khi tôi cố gắng từ chối thì nhận được câu động viên: ‘Hôm nay không ăn thì chúng tôi cũng chẳng chết đói được, nhưng con gái anh phải được đi học đại học’. Cổ họng tôi nghẹn ứ lại.
Hôm đó tôi không tắm. Tôi trở về nhà trong bộ dạng nhem nhuốc, bẩn thỉu, bốc mùi hôi thối của một công nhân dọn cống đúng nghĩa. Tôi quyết định không giấu các con về nghề nghiệp của mình nữa”.
Đó chính là ngày ông Idris nói cho các con biết nghề nghiệp của mình. Ông cũng kể chuyện mình không có đủ tiền cho con gái út đi học đại học nhưng các đồng nghiệp của ông đã hi sinh đồng lương ít ỏi của họ cho bố con ông.
Sau khi biết bố đã phải hy sinh nhiều vì mình, 3 con gái lớn của ông (đã tốt nghiệp đại học và đi làm) quyết không để bố phải vất vả thêm. Họ kiếm tiền lo học phí cho em để đỡ đần bố.
Ông Idris sau đó vẫn tiếp tục công việc của mình. Ông kể rằng cô con gái út thường xuyên đưa ông đi làm và mang đồ ăn cho tất cả đồng nghiệp của bố. Khi được hỏi tại sao lại làm vậy, cô đã trả lời: “Vì mọi người đã phải nhịn đói ngày hôm đó để con có được như ngày hôm nay”.
Nghề vất vả nhất thế giới
Câu chuyện của ông Idris chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh cuộc sống đầy màu xám xịt của tầng lớp lao động nghèo ở Bangladesh. Những cái cống nước thải đen ngòm cảm tưởng như chỉ cần rơi xuống là chết ngay tức khắc vì bẩn, vì hôi, vì sợ hãi nhưng nhiều người dân nghèo ở đây vẫn chấp nhận thả mình xuống, tất cả vì miếng cơm, manh áo!
Làm việc ở những nơi có khí thải độc hại hoặc môi trường ô nhiễm, công nhân thường được trang bị thiết bị bảo hộ lao động hoặc ít nhất là chiếc khẩu trang, đôi găng tay, vậy mà những người làm nghề khơi thông cống rãnh này lại chẳng có bất kỳ thứ gì bảo hộ.
Tờ Daily Mail từng đăng tải hình ảnh một người đàn ông là nhân viên của một công ty thoát nước tại thành phố Dhaka (Bangladesh), phải thông tắc các đường cống thoát nước của thành phố mà không có bất kỳ thiết bị an toàn nào khiến nhiều người không khỏi rùng mình, sợ hãi xen lẫn thương cảm, xót xa.
Chẳng biết tên tuổi, người đàn ông moi cống cũng như bao công nhân làm nghề vất vả này phải lặn ngụp dưới những ống cống suốt ngày mà chẳng có thiết bị gì bảo vệ. Chỉ với một que dài, họ lặn xuống những khu vực cống bị tắc để thông dòng.
Không bịt mắt, không quần áo bảo hộ, không kính che mắt hay bất cứ thứ gì; cơ thể họ phải tiếp xúc trực tiếp với rác thải, nước cống và vô vàn chất độc hại.
Tại thành phố với khoảng 14 triệu dân, do cơ sở thoát nước và hạ tầng còn yếu kém nên cứ đến mùa mưa, tình trạng ngập lụt, tắc cống lại xảy ra thường xuyên. Chính vì vậy, công việc của họ lại càng vất vả.
Dù đã có nhiều cảnh báo về các ca tử vong liên quan tới công việc vất vả này, nhưng những người công nhân vẫn không được trang bị các dụng cụ cần thiết để có thể bảo vệ bản thân. Họ vẫn chấp nhận để có thể kiếm sống không chỉ cho mình mà cả gia đình.
Nguồn: Fb Đỗ Duy Ngọc