Một nghiên cứu cho thấy khoảng 50% các giám đốc điều hành mới sẽ rời khỏi tổ chức mà họ mới gia nhập trong vòng 18 tháng làm việc đầu tiên. Dưới đây là 4 trong số những lý do chính giải thích về tình trạng này.
Việc tìm và thuê những nhà quản lý tài năng, có kinh nghiệm, người có thể dẫn dắt công ty của bạn trong tương lai là một nhiệm vụ khó khăn. Bởi sự thành công hay thất bại của bản thân những cá nhân này không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần của công ty. Bởi vậy, hãy cân nhắc:
Một nghiên cứu PwC (thuộc Big 4 – một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay) đã theo dõi kế hoạch nhân sự kế nhiệm của 2.500 công ty lớn nhất thế giới từ năm 2000 đến năm 2014, và thấy rằng chi phí để tạo ra doanh thu mà một CEO (giám đốc điều hành) phải trả cho các cổ đông trung bình là 1,8 tỷ USD.
Khi Ronald rời vị trí CEO của Boire Barnes & Noble vào tháng 8 năm ngoái, sau gần một năm lèo lái doanh nghiệp, giá cổ phiếu của công ty đã tuột dốc, giảm đến 13%.
Mặc dù hội đồng quản trị, các nhà đầu tư và các chủ sở hữu công ty tư nhân… có thể phải lãnh hậu quả khi đưa ra những quyết định tuyển dụng kém, nhưng thực tế các nhà quản lý mới vẫn đang đến và đi khỏi các tổ chức với tốc độ đáng ngạc nhiên.
Tạp chí Kinh doanh Harvard (Harvard Business Review – HBR) đã thống kê được rằng 50% các nhà quản lý mới sẽ rời khỏi tổ chức trong vòng 18 tháng đầu tiên. Mặc dù có nhiều lý do khác nhau để một CEO thôi gắn bó với doanh nghiệp, trong đó có cả khả năng xây dựng văn hóa doanh nghiệp không phù hợp, những kỳ vọng hiệu quả công việc phi thực tế, định hướng công việc quá kém từ phía lãnh đạo doanh nghiệp, nhưng các giám đốc điều hành mới lại là người phải chia sẻ trách nhiệm và chịu một phần những lời chỉ trích.
Trong thập kỷ qua, công ty tuyển dụng Entrepreneur đã thấy rằng tỷ lệ chi phí trả cho các CEO mới chiếm phần lớn chi phí điều hành, căn nguyên là xuất phát từ 4 sai lầm phổ biến. Dưới đây sẽ đề cập đến 4 sai lầm đó, và một số ý tưởng đề xuất nhằm giúp hạn chế và khắc phục chúng:
- Thiếu am hiểu về tổ chức
Khi một lãnh đạo cao cấp được tuyển dụng, họ thường cảm thấy áp lực phải đưa ra những thay đổi và tạo một dấu ấn cá nhân ngay lập tức. Tạp chí Kinh doanh Harvard đã dẫn chứng một vị phó chủ tịch của một công ty thuộc Top Fortune 100 được thuê để làm công tác đào tạo nhân sự. Trong cuộc họp đầu tiên tại công ty, ông đã đề xuất một sự thay đổi triệt để. Sai lầm của ông là đã không nắm rõ những gì đang diễn ra và nội tình tổ chức. Và điều đáng nói là chính ý tưởng giống như thế đã được người tiền nhiệm của ông đề xuất, và đã từng bị các nhà lãnh đạo cao cấp hơn gạt phăng đi.
Hành động quá nhanh là điều bình thường đối với các giám đốc điều hành vừa mới từ bên ngoài vào. Công ty tư vấn hàng đầu thế giới McKinsey & Company đã nhận thấy điều này khi phân tích những mảng dữ liệu lớn, bao gồm một cuộc khảo sát 600 giám đốc điều hành đã rời các công ty của tập đoàn S&P 500. Hãng tư vấn khổng lồ này đã phát hiện ra rằng 18% các giám đốc điều hành mới thuê từ bên ngoài có nhiều khả năng sẽ tiến hành thiết kế lại tổ chức hơn so với những người được cắt cử trong nội bộ công ty.
Để tránh mắc sai lầm dạng này, các giám đốc điều hành mới nên bắt đầu bằng cách hỏi “Bây giờ cần phải làm gì?” thay vì “Đây là điều tôi muốn làm”. Tranh thủ lĩnh hội phản hồi từ các nhà điều hành cấp cao có nhiều năm gắn bó với công ty để thấu hiểu về tổ chức, điều đó sẽ giúp làm tăng cơ hội thành công cho các giám đốc điều hành mới.
- Không truyền tải thấu đáo tới nhân viên về tầm nhìn và sứ mệnh của công ty
Tầm nhìn và sứ mệnh mang đến sự phát triển trong tương lai và quyết định thành công của một doanh nghiệp. Và tuyên bố đó cần ngắn gọn, súc tích, đơn giản, dễ nhớ.
Một tuyên bố về sứ mệnh cũng có thể là một nhiệm vụ mang tính cá nhân của chính người điều hành. HBR đã nghiên cứu 200 giám đốc điều hành toàn cầu và nhận thấy rằng các CEO có hiệu quả điều hành tốt nhất thường có nhận thức về rõ ràng mục đích, có khả năng truyền tải nó và giúp người khác thấm nhuần nó.
Khi một CEO mới bắt tay vào việc, điều quan trọng là họ phải đưa ra nhiều thông báo về tầm nhìn và sứ mệnh của công ty. Bởi việc đó liên quan trực tiếp đến cam kết và sự thành công của tổ chức.
Alan G. Lafley, Giám đốc điều hành của P&G từng nhận định: “Việc nhắc đi nhắc lại hết sức tỉ mỉ và sự rõ ràng là rất quan trọng: Nhân viên có rất nhiều việc phải làm trong phần việc được phân công hàng ngày của họ và họ không phải lúc nào cũng có thời gian để dừng lại, suy nghĩ và tiếp thu”.
Sự cam kết, dĩ nhiên, là một yếu tố then chốt. Bởi lẽ khi nhân viên của họ nhìn nhận đóng góp của họ cho tổ chức một cách rõ ràng hơn và được ghi nhận, thì công việc sẽ đạt được những kết quả khả quan, đáng kể: Khả năng gắn bó với công ty cao, có động lực tìm tòi đi tiên phong để tạo ra một môi trường làm việc ổn định, đáng tin cậy, có năng suất cao hơn, và kết nối hợp tác khách hàng vì lợi ích của tổ chức, v.v.
Được phỏng vấn cùng một chủ đề, chuyên gia Carolyn Aiken của McKinsey (tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực tư vấn chiến lược kinh doanh) lưu ý rằng: “Mọi người sẽ có những giây phút xuất thần vì những điều mà họ tin tưởng”.
Nhiều giám đốc điều hành công cũng đồng tình rằng việc có những tuyên bố về sứ mệnh cá nhân của họ như là một nguyên tắc chỉ đạo cho sự thành công của họ. Ví dụ, Denise Morrison, CEO của Công ty Campbell Soup (một công ty hàng đầu về chế biến hàng hóa và đóng gói) khẳng định: “Lời tuyên bố về sứ mệnh của cá nhân CEO rất quan trọng đối với tôi bởi vì tôi tin rằng bạn không thể dẫn dắt người khác nếu bạn không có một cảm giác mạnh mẽ về vai trò của bản thân mình và những gì bạn đang đại diện”.
- Tạo ra bầu không khí sợ hãi trong doanh nghiệp bởi quyết định sa thải hấp tấp
Khi một giám đốc điều hành mới tiếp nhận quyền lực, thì việc trong nội bộ nhân viên nảy sinh những lo lắng như liệu rằng miếng cơm manh áo của họ ở công ty có an toàn không là điều khó tránh. Nhưng thực tế, việc có sự sa thải nhân sự ở bộ phận nào đó là khó tránh, nhưng điều quan trọng đối với các giám đốc điều hành mới là phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra một quyết định sa thải nhân viên, và cần xử lý tình huống này một cách tinh tế.
Vì vậy, nếu bạn là vị giám đốc điều hành mới và nghe thông tin về một nhân viên nào đó đang gây trở ngại cho bạn trong công việc hay cho tổ chức nói chung, điều cần làm là hãy quan sát người đó, xem họ thực thi công việc ra sao, thực sự năng lực và con người họ ra sao trước khi ra quyết định đuổi việc họ.
Nói tóm lại, một bầu không khí sợ hãi đã được chứng minh sẽ làm ảnh hưởng xấu tới lợi nhuận của công ty. Một nghiên cứu của tạp chí Sức khỏe cộng đồng BMC cho thấy chi phí chăm sóc sức khoẻ ở các công ty có áp lực cao thường cao hơn gần 50% so với các tổ chức khác. Trên thực tế, Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ ước tính rằng hơn 500 tỷ đô la bị lãng phí do căng thẳng nơi làm việc.
Mặc dù luôn có những lúc bạn cần phải thắp sáng ngọn lửa nhiệt huyết cho một ai đó, nhưng với người điều hành mới đòi hỏi phải làm việc này một cách xuất sắc mà không gây ra sự xáo trộn không cần thiết, sẽ có khả năng thành công cao hơn.
- Đưa ra quyết định tuyển dụng không hiệu quả
Những CEO giỏi sẽ biết cách ủy thác và xây dựng một đội ngũ cố vấn đáng tin cậy. Đối với các CEO mới, khả năng phải thuê một đội ngũ “tinh nhuệ” sẽ tạo nên hoặc phá vỡ thành công của họ. Don Fisher, nguyên là người sáng lập và Giám đốc điều hành của The Gap (một nhà bán lẻ quần áo và phụ kiện đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ) cho biết, thậm chí sau vài thập niên, ông chỉ có một quyết định tuyển dụng ông đưa ra là đúng đắn.
Ông cho rằng chỉ cần trong vòng hai tuần nhân sự mới thực thi công việc, một nhà lãnh đạo sẽ nhận định được quyết đúng tuyển dụng của họ là đúng đắn hay sai lầm. Fisher nói thêm rằng nếu quyết định tuyển dụng là sai, hãy nhanh chóng có hành động.
Trang web Glassdoor (một website của Mỹ chuyên đánh giá môi trường làm việc và cả người quản lý của các công ty từ chính những nhân viên làm việc tại đó) đã ghi nhận một thực tế đáng kinh ngạc rằng 95% giám đốc điều hành thừa nhận họ đã có quyết định tuyển dụng tồi trong năm. Thực tế mà nói, việc đưa ra được quyết định tuyển dụng đúng đắn không hề đơn giản. Vì vậy, việc đầu tư vào một quá trình tuyển dụng hiện đại có trật tự và khắt khe là rất quan trọng.
Trong thời đại mà nền kinh tế đang thay đổi nhanh chóng mỗi ngày, sẽ càng khó khăn hơn cho các giám đốc điều hành cấp cao mới được bổ nhiệm thành công. Bằng cách hiểu rõ những lý do căn bản dẫn đến thất bại, các giám đốc điều hành mới và tổ chức có thể giảm thiểu rủi ro này và tăng cơ hội thành công.
Theo Entrepreneur – Minh Huyền