Tuần qua Hạ viện Mỹ mở 2 phiên điều trần công khai trong khuôn khổ cuộc điều tra phế truất Tổng thống Donald Trump, không giấu giếm mục tiêu quy kết ông Trump tội “hối lộ” và “tống tiền”, thay cho từ “trao đổi lợi ích” (quid pro quo) mà trước đó đảng này ưa dùng.
Sau 2 ngày điều trần, Đảng Dân chủ có củng cố được lập luận nhằm phế truất ông Trump hay Đảng Cộng hòa đã chứng minh được sự lố bịch và vô lý trong cuộc điều tra này?
Dưới đây là vài lưu ý sau điều trần:
- Thị trường chứng khoán không quan tâm
Kết thúc phiên giao dịch tuần qua, giá trị thị trường chứng khoán Mỹ tăng lên mức kỷ lục. Chỉ số Dow Jones vượt mốc 28.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử. Có thể điều này là minh chứng cho việc thị trường “gấu” đã giả định rằng các phiên điều trần này sẽ không cho ra kết quả gì? Hoặc các nhà đầu tư Mỹ biết chắc rằng Đảng Dân chủ sẽ không thể phế truất ông Trump khỏi vị trí Tổng thống bởi Đảng Cộng hòa đang nắm Thượng viện?
- Không nhiều thông tin mới
3 nhà ngoại giao của Mỹ có liên quan đến Ukraine được gọi lên để lấy lời khai. Hầu hết thời gian của phiên điều trần là việc những người này nói lên cảm nhận của họ về chính sách ngoại giao của chính quyền Trump và bản thân Tổng thống Trump. Ba người này đều không có thông tin trực tiếp trong các liên hệ của ông Trump với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zenensky, cũng như chỉ được nghe kể lại và mường tượng ra rằng có một sự liên kết giữa việc ông Trump thúc ép Ukraine điều tra Joe Biden và việc Mỹ giữ lại viện trợ. Nhưng việc các quan chức này có hài lòng hay không về chính sách ngoại giao của Trump không thể làm cơ sở cho việc phế truất tổng thống.
Không có nhiều thông tin mới xuất hiện ngoài những lời khai mà công chúng đã biết trước đó. Một điều đáng lưu tâm nhất đó là lời khai của Đại sứ Mỹ Bill Taylor về một cuộc gọi giữa ông Trump và Đại Mỹ tại EU, Gordon Sondland hôm 26/7, một ngày sau cuộc điện đàm nổi tiếng Trump-Zelensky.
Ông Taylor khai rằng phụ tá của ông đã nghe thấy ông Trump hỏi về “các cuộc điều tra” – và Sondland trả lời rằng Ukraine đã sẵn sàng xúc tiến. Tất nhiên, đây lại là một thông tin “nghe được” thứ cấp nữa, và cũng không có liên hệ trực tiếp nào đến việc ông Trump dùng viện trợ để ép Ukraine tiến hành cuộc điều tra.
Thiếu bằng chứng, sau phiên điều trần hôm thứ Sáu, Đảng Dân chủ tìm cách mô tả ông Trump như một kẻ xấu xa, bất công với bà đại sứ Ukraine bị ông sa thải và đang tìm cách “đe dọa” nhân chứng bằng những dòng tweet.
Một trong những nhân chứng của Đảng Dân chủ, bà cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch đã tóm gọn lại hai phiên điều trần dài hơi bẳng việc nói rằng bà không thể khẳng định ông Trump đã mua chuộc bất kỳ ai hoặc phạm bất kỳ tội nào.
- Một show truyền hình chính trị
Phiên điều trần là một show truyền hình chính trị mà Đảng Dân chủ công chiếu cho người Mỹ nhằm hạ uy tín của ông Trump chứ không phải nhằm tìm ra các bằng chứng mới. Tất cả các nhân chứng mà ông Adam Schiff gọi ra đều đã được lấy lời khai. Tức là Đảng Dân chủ biết chính xác những gì họ sẽ nói trước khi điều trần công khai. Từ những thông tin này, Adam Schiff, Nancy Pelosi và các nhân vật khác trong đảng soạn ra một bản cáo trạng để lên án tổng thống Trump về những tội mà chính họ còn đang điều tra ông. Chẳng hạn, trong phiên điều trần, Đảng Dân chủ đã gần như đồng thuận gọi tội của ông Trump là “hối lộ” hoặc “tống tiền” Tổng thống Ukraine, thay vì một từ latin mà trước đây họ hay dùng là “quid pro quo” (trao đổi).
Tất nhiên, Đảng Cộng hòa từ những gì đã biết cũng đã có thể vạch ra chiến lược đối phó của mình và tập trung vào việc các nhân chứng này không có bằng chứng và không thể khẳng định rằng ông Trump đã dùng viện trợ gây sức ép buộc Ukraine điều tra đối thủ chính trị Joe Biden.
Việc trao cho ông Adam Schiff, Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện quyền chủ tọa phiên điều trần cũng như cả cuộc điều tra khiến người ta không thể không hoài nghi tính công bằng của nó. Trong suốt 2 năm qua, Schiff không giấu sự chống đối chính trị đối với vị Tổng thống Đảng Cộng hòa. Trước khi cuộc điều tra này bắt đầu, Schiff đã đọc trước Quốc hội Mỹ bản cáo trạng cáo buộc ông Trump chính những tội mà ông ta đang ra sức điều tra. Trong 2 phiên điều trần qua, ông này cũng nhiều lần ngắt lời và can thiệp vào câu trả lời của các nhân chứng khi các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đang đặt câu hỏi.
Kết thúc mỗi phiên điều trần đều diễn ra cảnh “ông nói gà, bà nói vịt”, mỗi Đảng đều khẳng định kết luận từ đầu của mình. Đảng Dân chủ khẳng định rằng các nhân chứng đã làm rõ việc ông Trump đã phạm tội “tống tiền”, còn Đảng Cộng hòa lên án cuộc điều tra luận tội là trò công kích chính trị, tốn tiền và tốn thời gian.
- Khán giả Mỹ không để tâm
Các hãng truyền hình cáp của Mỹ đều công chiếu toàn bộ các phiên điều trần luận tội này và toàn bộ người Mỹ đều có thể xem. Tuy nhiên, tỷ lệ xem các phiên điều trần về việc luận tội Tổng thống còn thấp hơn khi truyền hình trực tiếp phiên điều trần của cựu Giám đốc FBI James Comey năm 2017 và phiên điều trần của Thẩm phán tối cao Brett Kavanaugh vào năm ngoái.
Bất chấp những từ ngữ đao to búa lớn mà Đảng Dân chủ sử dụng như “cú nổ tin tức mới”, an ninh quốc gia, tội tống tiền, lạm dụng quyền lực, và phi vụ mờ ám, dường như người Mỹ tỏ ra khá lãnh đạm trong khi vấn đề phế bỏ một tổng thống dân bầu phải là sự vụ nghiêm trọng nhất của quốc gia. Fox News đặt câu hỏi rằng có phải lý do là vì công chúng không còn niềm tin vào tiến trình luận tội này? Hoặc là phần lớn trong số họ đã phán chán với những cuộc đấu đá chính trị vô dụng của Washington?
Trọng Đức