Người xưa đề cao và coi trọng chữ tín, cho rằng tín là cái gốc để lập thân, lập nước. Người thất tín thì không làm nổi việc gì, dân chúng mất lòng tin vào người cai trị thì không cần ngoại xâm đất nước cũng tự tiêu vong.
Nói về tầm quan trọng của chữ tín, các bậc thánh hiền xưa bàn luận rất nhiều. Trong sách “Luận Ngữ” viết rằng: Học trò của Khổng Tử là Tử Cống từng hỏi: “Thưa thầy, thầy chỉ giáo cho con về biện pháp trị quốc”.
Khổng Tử nói: “Một là làm cho dân chúng được cơm no áo ấm. Hai là đất nước có quân đội cường mạnh. Ba là lấy được tín nhiệm của thần dân”.
Tử Cống hỏi: “Thưa thầy! Nếu bất đắc dĩ phải bỏ đi một điều kiện trong ấy, thì nên bỏ điều kiện nào trước ạ?”
Khổng Tử nói: “Xóa bỏ quân đội!”
Tử Cống lại hỏi: “Nếu như phải bỏ thêm một điều kiện nữa?”
Khổng Tử trả lời: “Bỏ đi ăn no mặc ấm. Thà rằng không được ăn no mặc ấm, chứ nhất định phải bảo trì chữ tín. Bởi vì, nếu không được dân chúng tín nhiệm thì đất nước sớm hay muộn cũng sẽ tiêu vong.”
Bất kể là quân đội lớn mạnh hay kinh tế giàu có đều không thể sánh được với lòng tin của người dân. Người dân tín nhiệm với quốc quân mới là cái gốc lập quốc. Thành tín cá nhân là nền tảng của xã hội, bất kể như thế nào cũng không được vứt bỏ.
Cai trị đất nước cần phải dùng sự chính trực để quản lý người dân, dùng đức để cảm phục lòng người. Kẻ không coi trọng chữ tín thì về nhân cách đã bị phá sản rồi, không thể nào có chỗ đứng trong xã hội. Cũng như vậy, nếu người cầm quyền quốc gia mà đánh mất đi thành tín thì sẽ mất đi thiên hạ, chính quyền của họ cách ngày sụp đổ không còn xa nữa.
Những người cầm quyền thời xưa ngoài việc làm cho lương thực đầy đủ, quân đội cường mạnh thì rất chú trọng thực hiện nền “nhân chính”, giữ chữ tín với người dân để mong có được lòng dân, như thế mới bảo vệ được giang sơn bền vững mãi mãi. Còn một khi đạo nghĩa sụp đổ, dân không còn lòng tin, thì dẫu quân đội cường thịnh đến mấy, quốc gia giàu mạnh đến đâu thì diệt vong vẫn sẽ đến. Cổ ngữ nói: “Gió lớn không hết buổi sáng, mưa lớn không hết cả ngày”, sức mạnh cuồng bạo của trời đất đều không kéo dài, huống nữa là con người.
Tể tướng nổi tiếng nước Tề là Quản Trọng cho rằng: “Lễ nghĩa liêm sỉ là bốn điều duy trì quốc gia, bốn điều này không còn thì quốc gia sẽ diệt vong”. Do đó ông khuyên bảo Tề Hoàn Công trước tiên phải tuân theo lễ nghĩa, giữ chữ tín với các nước chư hầu thì mới có thể xưng bá thiên hạ.
Năm 681 TCN, nước Tề thừa cơ nước Tống có nội loạn nên đã mời nước Tống cùng các nước xung quanh là Lỗ, Trần, Thái, Chu, Đàm và Toại đến Bắc Hạnh ở nước Tề để hội họp đồng minh, bàn kế sách yên định nước Tống.
Trong lần hội họp đồng minh này, tráng sỹ nước Lỗ là Tào Mạt đột nhiên dùng kiếm uy hiếp Tề Hoàn Công, ép nhà vua phải hứa trả lại cho nước Lỗ phần lãnh thổ bị nước Tề chiếm mất. Tề Hoàn Công bất lực, không còn lựa chọn nào khác buộc phải đồng ý.
Sau đó, Tề Hoàn Công cùng với đa số các đại thần muốn hủy bỏ lời hứa, đồng thời đem quân đi phục thù. Duy có tể tướng Quản Trọng không đồng ý, ông nói: “Hủy bỏ cam kết là tham cái lợi nhỏ trước mắt, xuất binh là cầu được niềm vui sướng nhất thời, sau này hậu quả sẽ là mất chữ tín với chư hầu, mất chữ tín với thiên hạ. Trái lại, là một nước lớn, nếu trong tình huống bị uy hiếp phải ký hiệp ước mà vẫn tuân thủ thì tất nhiên sẽ khiến cả thiên hạ tín phục.”
Tề Hoàn Công đã nghe theo ý kiến của Quản Trọng, thực hiện cam kết. Các nước chư hầu sau đó đều cho rằng nước Tề giữ chữ tín, đều quy thuận Tề. Người đời sau bình luận: “Hoàn Công giữ chữ tín, nổi danh khắp thiên hạ, là bắt đầu từ hội họp đồng minh ở đất Kha”.
Tề Hoàn Công sở dĩ có thể thành tựu được nghiệp lớn, đạt được sự nghiệp “chín lần hợp chư hầu”, “một mình nâng đỡ thiên hạ” thời Xuân Thu là bắt đầu từ việc ông nghe Quản Trọng, hết lòng tuân thủ lời hứa, giữ chữ tín thực hiện cam kết.
Lịch sử cho thấy, nếu người cai trị dùng sự giả dối và bạo ngược để sai khiến quan và dân, vứt bỏ nhân đức lễ nghĩa, tôn sùng vũ lực và chính sách tàn bạo, thì rất nhanh chóng đánh mất sự tín nhiệm của người dân đối với họ, từ đó khiến nội loạn nổi lên và nhanh chóng đi đến diệt vong. Trái lại, nếu người cầm quyền nhân đức, thi hành ân nghĩa rộng rãi, lấy được lòng tin của người dân, thì ắt sẽ được người dân kính yêu và thiên hạ thái bình, hưng thịnh.
An Hòa