Từ khi chọn lối sống tối giản, Nguyễn Hồng Vân, 31 tuổi, nhà sáng lập Homestay Hygge tại Hà Nội đã tìm được cho mình một hướng đi mới trong cuộc sống đầy ngột ngạt, căng thẳng.
Chuyến đi đáng nhớ
Ở độ tuổi 20, khi còn đang làm cho một công ty chứng nhận và giám định ISO, Hồng Vân rất thích mua sắm. Sở thích này mang lại cho cô sự thoải mái nhất thời, tuy nhiên nó không bền và nhanh chóng qua đi.
Đến khi 22 tuổi, có thời điểm, Hồng Vân cảm thấy lạc lõng, chán nản với mọi thứ xung quanh. Đó cũng là lúc cô tình cờ đọc được bài báo về một thanh niên du học Singapore về, từ chối công việc thu nhập cao ở Hà Nội để lên vùng núi Sapa, dạy tiếng Anh cho trẻ, theo Vnexpress.
Cô cảm thấy tò mò: Vì sao lại có những người can đảm đến thế!
Vậy là cô cũng… viết đơn xin nghỉ, xách balo lên Sapa tìm anh. Khi gặp, anh ấy nói vì thấy các em nhỏ khổ quá, muốn làm điều gì đó cho các em, chứ không phải điều gì lớn lao như cô suy luận. Hồng Vân ở lại đó một tháng dạy tiếng Anh cho lũ trẻ, ngoài ra đi hội chợ bán cà phê lấy quỹ giúp các em.
Đó cũng là khi cô thay đổi nhận thức của mình. Cô cảm nhận niềm hạnh phúc từ việc sống hòa mình vào thiên nhiên, trái tim cô ấm áp khi được giúp đỡ những em nhỏ học tập, chia sẻ tình cảm yêu thương với những người còn khó khăn. Niềm vui này, những thứ vật chất, những bộ quần áo mới không thể mang lại cho cô. Hồng Vân nhận ra cuộc sống này thật nhỏ bé và thế giới quan của mình còn hạn hẹp biết bao.
Từng bước từng bước thay đổi
Trước đây, Hồng Vân cho rằng có tiền mới có hạnh phúc, đánh giá sự thành công của một người dựa trên tài sản, cho rằng bản thân đã hiểu biết đủ… Chuyến đi đã giúp cô xoay chuyển lại, có được những nhận thức mới,
Vân bắt tay thực hiện những việc mình từng cho là không thể, như trải nghiệm du lịch một mình đến các nước. Vốn rất sợ nước nên Vân chưa bao giờ biết bơi. Nhưng vì ước mơ được thử lướt ván một lần mà cô tự “dìm” mình xuống bể bơi, và đã bơi được sau 5 ngày uống no nước.
Cô “tối giản” rất nhiều thứ như bỏ bớt đồ đạc tích trữ không dùng đến, dành ít thời gian để dọn dẹp nhà cửa. “Sàng lọc” các mối quan hệ, đầu tư nhiều hơn thời gian cho những người thân yêu, những người bạn tốt và giỏi, học được cách hoạch định tài chính.
Vân chia sẻ với PV VTV: “Những người sống tối giản sẽ có rất ít đồ đạc. Tất cả những đồ đạc họ có được sẽ dùng hàng ngày. Người sống tối giản chú trọng chất lượng nhiều hơn. Những đồ nội thất thường thiết kế đơn giản, có màu sắc trung tính, không bị lỗi mốt, có hiệu năng, hiệu quả sử dụng”.
Theo Vân sống tối giản không chỉ là vứt bỏ bớt đồ đạc. “Khi mình buông bỏ nhu cầu sở hữu vật chất, tự nhiên mình sẽ được giải phóng bởi lòng tham, ghen tị, hoặc làm việc vất vả để sở hữu vật chất”, Vân cho hay.
Tự mở Homestay
Tốt nghiệp thạc sỹ ngân hàng, thử sức tại khá nhiều công ty với nhiều ngành nghề và cuối cùng là làm việc tại ngân hàng nhưng khi nhận thấy mình đã hết nhiệt huyết với công việc, cô xin nghỉ để tìm hướng đi mới.
Ba năm trước, cô vay vốn làm homestay tối giản ở Hà Nội, với mong muốn truyền cảm hứng về lối sống này tới cho mọi người.
Hygge homestay của Vân nằm trên ngay mặt tiền của đường Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội. Chia sẻ với PV Kinh tế & Tiêu Dùng, Vân cho biết: “Tên gọi Hygge của homestay bắt nguồn từ một phong cách sống của người Đan Mạch – đất nước hạnh phúc nhất thế giới. Hygge miêu tả cảm giác ấm áp, hạnh phúc và hài lòng bằng việc tận hưởng với những điều đơn giản trong cuộc sống”.
Hiện tại Vân có thể tự do làm điều mình yêu thích mà vẫn có thu nhập (ảnh: Kinh tế và Tiêu dùng).
Những ngày đầu khởi nghiệp, vốn liếng duy nhất mà cô có là 400 triệu, hầu hết là tiền vay ngân hàng. Không có người giúp đỡ, một mình Vân phải tự mình lên mạng đọc tất cả tài liệu, xem tất cả các video về lĩnh vực này.
“Nhớ lại những ngày đó vẫn thấy mình thật liều lĩnh. Có những lúc mình stress đến mức phát khóc”. Nhưng lúc đó, Vân chỉ biết tự nhủ phải cố mạnh mẽ và không được khóc, để vượt qua tất cả.
Vượt qua nhiều khó khăn, hiện dù mới mở cửa hơn một năm nhưng Hygge homestay luôn kín khách, doanh thu ổn định và tăng nhanh. Cũng bởi vì vậy, bây giờ Hồng Vân có nhiều thời gian dành cho bản thân hơn. Ngoài khoảng hơn 1 tiếng tập trung làm việc, cô thiền, tập thể dục, uống trà sáng, đọc sách, nấu ăn và gặp gỡ những người giỏi…
Hiện tại Vân đang có thu nhập từ 50-70 triệu đồng/tháng (đa phần là thu nhập thụ động, tức là không phải đi làm hàng ngày mà vẫn kiếm được). Cô đặt mục tiêu mình sẽ có thu nhập thụ động 200 triệu/tháng – đủ để bản thân đi du lịch mỗi tháng một lần, giúp đỡ người thân, giúp đỡ cộng đồng và làm từ thiện…
ĐKN