Trước thực tế nhiều vụ án kinh tế do người đứng đầu thiếu trách nhiệm, Bộ Tài chính đề xuất quy định nhằm bảo vệ người làm kế toán. Theo đó, kế toán có ý kiến khác với cấp trên và bảo lưu ý kiến, không phải chịu trách nhiệm sai phạm khi chấp hành chỉ đạo.
Đây là một trong nội dung của Luật Kế toán sửa đổi đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến. Tại hồ sơ xây dựng dự thảo luật, Bộ Tài chính cho biết, thời gian gần đây tại nhiều vụ án kinh tế, người đứng đầu đơn vị thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhiều người làm công tác kế toán vi phạm pháp luật thụ động do phải chấp hành mệnh lệnh của lãnh đạo. Trong khi đó, Luật Kế toán chưa có quy định về việc người làm kế toán khi được quyền báo cáo và bảo lưu ý kiến của mình để phòng tránh rủi ro nghề nghiệp.
Từ thực tế này, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định về tiêu chuẩn, quyền và trách nhiệm của người làm kế toán . Quy định theo hướng, người làm kế toán có quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán; có quyền bảo lưu ý kiến của mình bằng văn bản hoặc các hình thức khác có thể kiểm chứng được. Trường hợp người làm kế toán có ý kiến khác với cấp trên và đã bảo lưu ý kiến, không phải chịu trách nhiệm về các sai phạm khi chấp hành ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
Quy định này nhằm giúp người làm kế toán giảm bớt rủi ro nghề nghiệp, yên tâm công tác, mạnh dạn có ý kiến khi phát hiện chỉ đạo của cấp trên sai nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp. Từ đó góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay tại đơn vị.
Cũng liên quan đến sửa Luật Kế toán, Bộ Tài chính đề xuất đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế toán. Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định làm rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán của Bộ Tài chính, bộ, ngành khác, Ngân hàng Nhà nước, UBND tỉnh.
Cụ thể, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về kế toán, xây dựng, trình Chính phủ quyết định chiến lược, chính sách phát triển kế toán; ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kế toán.
Bộ Tài chính cũng ban hành chuẩn mực về kế toán của Việt Nam, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp về kế toán, chế độ kế toán và các văn bản quy phạm pháp luật khác về kế toán.
Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về kế toán trong ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách.
Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng ban hành chế độ kế toán hoặc văn bản quy phạm pháp luật về kế toán áp dụng cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh nước ngoài của tổ chức tín dụng thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo tuân thủ chuẩn mực về kế toán quy định trong luật này.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm quản lý nhà nước về kế toán tại địa phương (như chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác kế toán cho các đơn vị kế toán tại địa phương theo quy định của pháp luật về kế toán).
Theo Quỳnh Nga-Tiền phong