Đó là nhận xét của TS Nguyễn Việt Hùng – nguyên vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và đầu tư xung quanh việc đấu thầu cao tốc Bắc – Nam
Ông Trần Văn Thế, phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn đầu tư Đèo Cả, một trong số các nhà đầu tư tham dự sơ tuyển ở 3 dự án BOT cao tốc Bắc – Nam, cho biết cả 8 dự án BOT cao tốc Bắc – Nam đều yêu cầu vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư bằng 20% tổng vốn đầu tư dự án, yêu cầu này cao hơn quy định tại Nghị định số 63 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (yêu cầu khoảng trên 10%).
Ngoài ra, nhà đầu tư muốn tham gia đấu thầu cao tốc Bắc – Nam còn phải chứng minh đã có toàn bộ số vốn này tại thời điểm chấm thầu mà không được xét đến lộ trình tăng vốn. Hồ sơ mời thầu sơ tuyển các dự án BOT cao tốc Bắc – Nam cũng yêu cầu phải có văn bản cam kết cung cấp tài chính từ ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng.
Ông Thế cho biết hồ sơ mời dự tuyển các dự án BOT áp dụng mức lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng 5 – 6%/năm – là mức chênh lệch mà khó có nhà đầu tư trong nước nào chịu được.
Đặc biệt, các ngân hàng thương mại đang thắt chặt điều kiện và giới hạn cho vay BOT vì đã chạm trần. Trong khi đó, vốn vay giá rẻ là lợi thế của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc.
Ông Thế khẳng định các yêu cầu sơ tuyển nhà đầu tư của Bộ GTVT nếu không được điều chỉnh cho phù hợp thì hầu hết các nhà đầu tư trong nước sẽ bị loại ngay từ vòng sơ tuyển.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết việc đấu thầu sẽ diễn ra theo quy định của nhà nước, dù là nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài thì đều cạnh tranh minh bạch và sòng phẳng. Cao tốc Bắc – Nam là dự án lớn, quan trọng của quốc gia nên cần lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tham gia.
TS Nguyễn Việt Hùng – nguyên vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và đầu tư – nói một dự án lớn luôn đòi hỏi nguồn lực kinh nghiệm, tài chính tương xứng, do đó nhà đầu tư trong nước nếu năng lực chưa đủ mạnh cần liên danh với nhau để cùng đấu thầu, cùng làm.
Tuy nhiên, TS Hùng khẳng định Bộ GTVT đang “ngồi trên mây” khi xây dựng các yêu cầu sơ tuyển 8 dự án BOT trên tuyến cao tốc Bắc – Nam không xuất phát từ thực tế làm BOT của các nhà đầu tư trong nước.
Về lý thuyết, Bộ GTVT chào thầu cao tốc Bắc – Nam không sai luật, nghị định, thông tư nhưng lại đang bỏ qua thực tế làm BOT của Việt Nam. Các yêu cầu được đưa ra trong sơ tuyển nhà đầu tư dự án BOT trên tuyến cao tốc Bắc – Nam đang thách đố nhà đầu tư trong nước, ông Hùng cho biết.
Theo TS Hùng, Việt Nam là nước đang phát triển, năng lực tài chính của doanh nghiệp thua kém nhiều so với thế giới. Vì vậy, hồ sơ mời sơ tuyển, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án BOT cao tốc Bắc – Nam phải hài hòa giữa các yêu cầu về năng lực theo chuẩn chung quốc tế và phù hợp với tình hình thực tế nhà đầu tư trong nước.
Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 1/8, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định đấu thầu cao tốc Bắc – Nam sẽ trên tinh thần chung là đấu thầu quốc tế rộng rãi, công khai, minh bạch, không thất thoát, không tiêu cực để chọn các nhà thầu có năng lực.
Thanh Thuỷ (t/h)