Cùng với các hoạt động giúp phụ nữ về vốn, các cấp Hội ở Bình Định đã vận động, hướng dẫn hội viên, phụ nữ có những tư duy mới, cách làm mới trong lao động, sản xuất, mạnh dạn tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn… và đặc biệt tập trung hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.
Trong năm 2022, Hội LHPN tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các cấp Hội thành lập được 2 Hợp tác xã (HTX) do phụ nữ lãnh đạo và tham gia lãnh đạo quản lý. Đó là HTX lá lành An Nhơn, HTX trồng Mai – Nhơn An (nhiệm kỳ 2016-2021 đã thành lập 12 HTX, vượt 7 HTX).
Điển hình trong những năm vừa qua, Hội LHPN tỉnh Bình Định đã hỗ trợ chị Đặng Thị Cẩm Lai – Giám đốc Công ty TNHH Dulai (công ty sản xuất chế biến trà nụ hoa hòe) thuộc xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân để thành lập công ty, tham gia các lớp tập huấn, diễn đàn từ địa phương đến trung ương, tham gia các hội chợ, trưng bày sản phẩm tại các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Dược sĩ, kỹ sư Đặng Thị Cẩm Lai từ khi còn là sinh viên đã mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương. Hoài Ân là huyện trung du của tỉnh Bình Định, đang được thụ hưởng chương trình dự án 8. Hiện nay, Công ty Dulai chị Cẩm Lai đã mở rộng vùng trồng nguyên liệu trong địa bàn tỉnh Bình Định và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên nhằm chủ động nguồn nguyên liệu theo quy trình và thu hút lực lượng lao động tại các địa phương.
Chị Mai Thị Hương – Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh hải sản Hương Thanh, cũng được Hội LHPN tỉnh Bình Định trực tiếp giúp đỡ từ khi bắt đầu có ý tưởng đến khi thành lập HTX và vận hành đến nay. Hiện chị Mai Thị Hương là hội viên Hội Nữ doanh nhân tỉnh Bình Định, vừa qua chị được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen trong năm 2022.
Hoặc có thể nhắc đến các mô hình trồng bí đỏ của các tổ liên kết do chị em vùng đồng bào dân tộc thiểu số thành lập… Ngoài ra, để hỗ trợ, kết nối các sản phẩm của các công ty, doanh nghiệp, HTX do phụ nữ tham gia lãnh đạo quản lý, Hội LHPN tỉnh Bình Định đã thành lập Bộ phận hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại nhà 52 Mai Xuân Thưởng, Quy Nhơn.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Định Đặng Thị Hồng Hạnh cho biết, ngoài ra, hàng năm, các cấp Hội đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề truyền thống, dạy nghề mới về sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi; nghề mây tre đan, nấu ăn, may, trồng các loại cây có múi, kỹ thuật chăn nuôi heo, du lịch cộng đồng… cho 14.342 hội viên phụ nữ; đào tạo nghề cho 1.617 lao động nữ. Hội LHPN tỉnh còn phối hợp với một số ngành chức năng thành lập các mô hình tổ phụ nữ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển sản xuất góp phần quan trọng vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, toàn tỉnh duy trì 485 mô hình tổ liên kết hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hiệu quả. Các cấp Hội đã huy động tiết kiệm hưởng ứng “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững” được tổng số tiền trên 27 tỷ đồng, qua đó cho 19.129 chị vay không tính hoặc tính lãi suất thấp. Trong năm 2022, có 1.058 phụ nữ nghèo làm chủ hộ được giúp đỡ thoát nghèo, cận nghèo. Từ các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế của các cấp Hội phụ nữ đã tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Song song các hoạt động tập huấn, hỗ trợ, các cấp hội phụ nữ vận động hội viên, phụ nữ tích cực hưởng ứng phong trào phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho 55.828 lượt hội viên phụ nữ; hỗ trợ 402 chị khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với số tiền hơn hơn 7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh Bình Định, Sở Khoa học Công nghệ phối hợp tổ chức các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp, ý tưởng đổi mới sáng tạo. Từ các ý tưởng khả thi của hội viên phụ nữ, Hội LHPN tỉnh, các cấp hội hỗ trợ kinh phí để hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp.
Ông Lê Kim Toàn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định và bà Đặng Thị Hồng Hạnh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Bình Định – tham quan gian hàng tại Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp năm 2022
Bà Đặng Thị Hồng Hạnh cho biết, trong năm 2022, Hội LHPN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo”, đến nay đã tiếp nhận 82 ý tưởng và sẽ tổ chức chấm ý tưởng và trao giải trong tháng 12/2022; tổ chức 11 buổi truyền thông sân khấu hóa về “Phụ nữ gắn sản phẩm OCOP với kinh tế số và phát triển xanh”; 3 lớp tập huấn ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động kinh doanh cho 90 cá nhân có ý tưởng kinh doanh, chủ doanh nghiệp nhỏ; 2 lớp tập huấn giảng viên nguồn về xây dựng ý tưởng kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp cho 86 cán bộ Hội; tổ chức Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp tỉnh có 20 gian hàng là các sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác mô hình do phụ nữ làm chủ có các sản phẩm OCOP đã được công nhận từ 3 sao, các sản phẩm được hỗ trợ phát triển từ các ý tưởng/dự án khởi nghiệp; tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp nữ có 100 hội viên, phụ nữ, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã; giới thiệu 05 gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Ngày hội khởi nghiệp của tỉnh…
Theo PNVN