Câu trả lời của ông khi đó đã làm khán giả kinh ngạc, thậm chí gây tiếng vang đến tận bây giờ.
Tại một sự kiện của tờ Financial Times cách đây vài năm, đồng sáng lập Microsoft Bill Gates được hỏi về những bài học đúc kết khi xây dựng công ty phần mềm tỷ USD. Câu trả lời của ông khi đó đã làm khán giả kinh ngạc, thậm chí gây tiếng vang đến tận bây giờ.
Gates trả lời rằng khi mới ngoài 20 tuổi, ông tin rằng “IQ có thể thay thế được” nhưng hóa ra không phải vậy. Mục tiêu của ông là tuyển dụng những người thông minh nhất để xây dựng một “hệ thống phân cấp IQ”. Giả định của ông là không ai muốn làm việc cho một ông chủ không thông minh hơn họ.
“Ồ, điều đó không hiệu quả trong thời gian dài”, ông thú nhận. “Đến năm 25 tuổi, tôi biết rằng IQ dường như thể hiện dưới nhiều hình thức, khía cạnh khác nhau lắm”.
Chẳng hạn, những nhân viên hiểu về bán hàng và quản lý giỏi dường như thông minh theo những cách trái ngược với những nhân viết viết mã tốt hoặc thành thạo các phương trình vật lý.
Kể từ đó, Microsoft nỗ lực kết hợp các loại trí thông minh khác nhau để tạo ra các nhóm hiệu quả. Có vẻ như điều này đã được đền đáp: công ty hiện trị giá hơn 3 nghìn tỷ USD và sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50 vào năm 2025.
Các ông trùm công nghệ tin rằng chính một dạng trí thông minh đặc biệt đã giúp họ trở nên cực kỳ thành công và giàu có. Họ cũng tin rằng trí thông minh vượt trội này có thể áp dụng ở mọi nơi, mọi ngành nghề.
Ví dụ, Elon Musk, doanh nhân sinh ra ở Nam Phi được ban tặng một dạng trí thông minh và tầm nhìn sáng suốt đặc biệt, khiến ngay cả những đối thủ cạnh tranh khốc liệt nhất của ông cũng phải kính trọng.
“Tôi nghĩ ông ấy là một huyền thoại”, giám đốc điều hành của một công ty xe điện đối thủ nói dù không thích cách Musk sử dụng công ty truyền thông xã hội X như một công cụ tuyên truyền.
Elon Musk thích trêu chọc Gates hơn là lắng nghe ông ấy. Tuy nhiên, vị tỷ phú này vẫn nên suy ngẫm về bài học nọ: những người thông minh trong một lĩnh vực cụ thể không phải lúc nào cũng tài giỏi ở những lĩnh vực khác.
Cũng có một sự mỉa mai nhất định khi các tỷ phú công nghệ rêu rao về trí thông minh vượt trội của con người, song lại đang phát triển AI để một ngày nào đó công nghệ này sẽ vượt qua cả trí tuệ. Đồng sáng lập Google Larry Page đã gọi Musk là “người theo chủ nghĩa loài” vì đã kiên trì bảo vệ trí thông minh của con người trước sự tiến bộ của công nghệ.
Đương nhiên, Musk đang nghiên cứu giải pháp: ông có kế hoạch nâng cấp phần mềm sinh học bằng cách sử dụng các mô cấy não điện tử do công ty Neuralink của mình phát triển. Mục tiêu nhằm kết hợp trí thông minh của con người với máy móc.
Viễn cảnh đó có thể khiến nhiều người kinh hãi nhưng nói cách khác, có thể chứng minh được rằng liệu chỉ số IQ của con người có thể thay thế được hay không.
Đối với Gates, việc tập trung vào chỉ số IQ là đáng chú ý bởi trước đây, ông từng nói về việc giảm bớt sự phụ thuộc vào các chỉ số để đánh giá nhân viên. Trong một cuộc thảo luận năm 2018 tại Đại học Hunter, vị tỷ phú chia sẻ một điều mà bản thân ước mình biết khi còn trẻ, đó là các loại chỉ số khác nhau – từ trí tuệ cảm xúc (EQ) đến trí thông minh quan hệ (RQ) – sẽ mang lại những lợi ích rất vượt trội.
“Tôi nghĩ nếu ai đó có chỉ số IQ cao, họ có thể giỏi mọi thứ. Và ý tưởng rằng bạn cần phải kết hợp 2 loại chỉ số này với nhau”, Gates nói.
Còn theo tỷ phú Jack Ma, các ứng viên phải có trí thông minh nhất định để bắt kịp với môi trường kinh doanh luôn thay đổi. Ông cho biết mình có xu hướng thích những người có chỉ số cảm xúc (EQ) tốt vì họ là những người lãnh đạo giỏi, làm việc nhóm hiệu quả. Tuy nhiên nếu không thông minh, họ cũng sẽ không tiến xa được.
“Bạn phải có EQ để làm việc với người khác và có IQ để biết được mình đang làm gì”, ông nói.
Theo: Financial Times-Vũ Anh–Theo Nhịp sống thị trường