Nhiều khi thành công chính là khi người khác từ bỏ, bạn vẫn tiếp tục kiên trì. Cắn răng vượt qua thời khắc gian nan nhất, bạn bỗng nhiên phát hiện ra rằng mình đã trở nên phi thường!
Biết trì hoãn sự hài lòng, thành công nằm ở sự nhẫn nại
Năm 1968, nhà tâm lý học người Mỹ Walter Mischel đã thực hiện một nghiên cứu nổi tiếng “Delaying Gratification” (Trì hoãn sự hài lòng).
Đối tượng nghiên cứu là các trẻ 4 tuổi. Nhân viên nghiên cứu sẽ phát cho mỗi trẻ một viên kẹo đường mềm, và dành cho trẻ hai lựa chọn: một là có thể ăn ngay lập tức, nhưng không có thêm phần thưởng bổ sung nữa; hai là nhẫn nại thêm 20 phút, trẻ sẽ được thưởng thêm một viên kẹo.
Kết quả của nghiên cứu tất nhiên sẽ chia trẻ thành ba nhóm, một nhóm là lập tức ăn hết kẹo, một nhóm khác là kiên trì thêm một đoạn thời gian nhưng chưa được 20 phút, nhóm cuối cùng là kiên trì tới cùng và được nhận thêm phần thưởng.
Một số khảo sát vào những năm sau đó cho thấy rằng những đứa trẻ lúc ấy có thể kiên trì đến cuối cùng có điểm số tốt hơn tại kỳ thi tuyển sinh đại học Mỹ (SAT) và có sự nghiệp tốt hơn ở tuổi trưởng thành.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, kiên trì là là một phẩm chất đáng quý, và việc sở hữu hoặc nuôi dưỡng phẩm chất này có thể khiến chúng ta tiến gần hơn đến thành công.
Câu chuyện của Kobe
Đạo diễn Gotham Chopra từng có lần cùng Kobe Bryant xem Deron Williams thi đấu.
Deron là một tay lão làng của đội bóng rổ Brooklyn Nets.
Nhưng khi này Deron đang trong trạng thái xuống dốc, toàn bộ 9 phát bóng không thành phát nào cả, không ghi được điểm nào, Nets cuối cùng đã thua trận này với tỷ số 82:94.
Chopra hỏi Kobe ở bên cạnh: “Anh có thể tin được không? Dero Williams thực sự đã không ném trúng rổ lần nào trong 9 cú ném?”
Kobe trả lời: “Tôi thà ném 30 lần đều không trúng còn hơn là ném 9 lần không trúng. Ném 9 lần không trúng có nghĩa là bạn đã bị chính mình đánh bại, bạn mất hết tự tin và không thể tiếp tục cuộc chơi. Cách giải thích duy nhất chính là bạn đã mất lòng tin đối với chính mình”
Có lẽ nhiều người không biết rằng, Kobe là cầu thủ bỏ lỡ nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử NBA.
Bởi vì Kobe tin tưởng chắc chắn rằng lần kế tiếp có thể ném trúng. Thành công chắc chắn đang chờ đợi đằng sau thất bại!
Kobe cho rằng, thất bại thực sự bắt đầu tại thời điểm bạn sợ thất bại: Nếu bạn sợ thua cuộc, bạn đã thua cuộc rồi!
Chính tinh thần không bao giờ chịu lùi bước của Kobe đã giúp anh trở thành một trong những cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử NBA.
Vung tay 300 lần mỗi ngày, bạn có thể kiên trì được bao lâu?
Một ngày nọ, triết gia Hy Lạp nổi tiếng Socrate nói với đám học trò :
“Hôm nay, chúng ta chỉ làm một việc cực kỳ đơn giản và dễ dàng, đó là mỗi người cố gắng hết sức vung tay về phía trước và sau đó vung tay ra phía sau”.
Nói xong, Socrates làm mẫu qua một lần: “Kể từ hôm nay, hãy làm 300 lần mỗi ngày, mọi người có thể làm được chứ?”
Đám học trò đều cười và nghĩ, một việc đơn giản như vậy, có thể không làm nổi sao?
Ngày thứ hai, Socrates hỏi có bao nhiêu người đã xoay tay 300 lần? 100% số học trò đều phấn khích giơ tay lên. Một tháng trôi qua, Socrates lại hỏi lần thứ hai, còn 80% số học trò giơ tay lên, biểu thị rằng bản thân vẫn đang kiên trì. Hai tháng, ba tháng… một năm trôi qua, Socrates lại lần nữa đề cập đến chuyện xoay tay, cả lớp đều im lặng, đều cảm thấy rất xấu hổ.
Lúc này, chỉ có một học trò giơ tay, cậu chính là Plato.
Plato chính là nhà triết học cổ đại Hy Lạp được xem là thiên tài trên nhiều lĩnh vực, có nhiều người coi ông là triết gia vĩ đại nhất mọi thời đại cùng với thầy của ông là Socrates.
Vung tay cũng không có gì thần kỳ, nhưng người có thể tiếp tục kiên trì điều đơn giản đó mới có thể có được tiềm năng thành công khác người.
Kiên trì chính là chìa khóa của thành công trong học tập
Điểm số tốt hay xấu tất nhiên chịu ảnh hưởng của các chủng nhân tố chủ quan và khách quan, nhưng trong tất cả các học trò có thành tích, đều có chung đặc điểm là ‘kiên trì không ngừng’.
Ví như học tiếng Anh, ngay cả nếu không thông minh đi chăng nữa, mỗi ngày nhớ một từ cũng không phải là vấn đề gì.
Với tốc độ như vậy, nếu từ lớp ba trường tiểu học đã học tiếng Anh, đến lớp 12 là 10 năm thì đã có ba bốn ngàn từ, đủ dùng cho kỳ thi đại học.
Lý do tại sao rất nhiều sinh viên không có đủ từ vựng? Chính là vì có quá nhiều ngày liền không học được một từ nào.
Ví dụ như viết nhật ký là một cách rèn luyện tốt để cải thiện khả năng ngôn ngữ, hầu như mỗi giáo viên ngoại ngữ đều yêu cầu học trò hình thành thói quen viết nhật ký từ khi còn nhỏ. Nhưng có thể kiên trì với thói quen viết nhật ký này thì rất ít người làm được. Hầu hết mọi người, khi lớn lên đều bỏ cuộc sau khi giáo viên không còn yêu cầu làm việc đó nữa. Khi các bạn cùng lớp đã viết được những áng văn chương xinh đẹp, họ lại phát hiện ra bản thân vẫn y như cũ.
Thực ra, tất cả các môn học đều là tích lũy tháng ngày, chỉ cần mọi người mỗi ngày đều hoàn thành yêu cầu của giáo viên, kết quả sẽ không đến nỗi nào.
Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều là thôi nghỉ nốt hôm nay… để ngày mai lại làm, và cuối cùng bị tụt lại phía sau.
Thực sự, học tập không có quá nhiều bí quyết, nếu nói có, thì kiên trì chính là một trong những điều quan trọng nhất.
‘Không bao giờ bỏ cuộc’, đó là một năng lực rất quan trọng
Nó không nhất định sẽ giúp bạn thành công, nhưng có thể giúp bạn không rơi vào hoàn cảnh tồi tệ hơn.
Chỉ còn một tuần nữa là đã thi rồi, không kịp để ôn hết lại, có phải là khóc lóc từ bỏ không? Hay là nâng cuốn sách lên đọc một trang là một trang, làm một đề là một đề? Tất nhiên là nên làm như cách sau rồi.
Có người hỏi thầy giáo: “Em biết năm nay chắc chắn không thi nổi nghiên cứu sinh, em vẫn có thể đi thi chứ?”
Câu trả lời của thầy giáo là: “Nhất định phải đi”.
Thầy giải thích rằng kiên trì là một loại thói quen, từ bỏ cũng là một loại thói quen. Nếu cảm thấy chắc chắn thi không nổi thì không đi nữa, vậy thì năm sau cũng có thể vẫn nghĩ như vậy, vậy là cả đời sẽ chẳng bao giờ thi nổi.
Mỗi khi kiên trì làm, biến kiên trì thành thói quen, sẽ tiến gần hơn đến thành công.
Có bao nhiêu người rèn luyện thân thể, đều là từ bỏ hết lần này đến lần khác, cuối cùng trải qua vô số lần quyết tâm thì bụng phệ vẫn hoàn bụng phệ? Có bao nhiêu người học tập, nhưng cũng là một lần, lại thêm một lần từ bỏ, cuối cùng bị tụt lại ở khoảng cách rất xa?
Thất bại không phải là bi kịch, từ bỏ mới chính là bi kịch.
Nhiều khi thành công chính là khi người khác từ bỏ, bạn vẫn tiếp tục kiên trì. Cắn răng vượt qua thời khắc gian nan nhất, bạn bỗng nhiên phát hiện ra rằng mình đã trở nên phi thường!
Theo tw.aboluowang.com – Mộc Lan biên dịch