Theo báo SMH (Australia), nội dung bản dự thảo nghị quyết có nhắc tới Biển Đông tại APPF28 đã phải thay đổi chỉ vì những “quan ngại” của phái đoàn Trung Quốc.
Theo báo Sydney Morning Herald (SMH – Australia), trong một hội nghị thượng đỉnh quốc tế được tổ chức tại thủ đô Canberra của nước này, đoàn đại biểu Trung Quốc đã “xóa bỏ thành công” các nội dung liên quan tới Biển Đông nằm trong một nghị quyết về thúc đẩy tự do hàng hải trong khu vực.
Buổi thảo luận về nghị quyết thuộc khuôn khổ Diễn đàn Nghị viện Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 28 (APPF28) nói trên đã được tổ chức tại tòa nhà Quốc hội Australia, với sự tham gia của hơn 300 đại diện đến từ 27 quốc gia thành viên, cùng một số quốc gia khác tham dự với tư cách khách mời.
SMH cho biết bản dự thảo do Nhật Bản đề xuất đã tái khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải trên Biển Đông – bao gồm hoạt động trên biển và trên không.
Bản dự thảo cũng công nhận những lợi ích của “một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng”, đồng thời bày tỏ quan ngại về “những hoạt động, yêu sách về lãnh thổ, và những diễn biến nghiêm trọng trên Biển Đông khiến niềm tin bị hủy hoại, căng thẳng leo thang và thậm chí còn phá hoại hòa bình, ổn định an ninh trong khu vực”.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về các cuộc thảo luận liên quan tới bản dự thảo, và sau đó những nội dung liên quan tới Biển Đông đã bị loại bỏ trong phiên bản cuối cùng của nghị quyết, theo SMH.
Bình luận về động thái của Trung Quốc, ông Michael Shoebridge, Giám đốc chương trình quốc phòng của Viện nghiên cứu Chính sách Chiến lược Australia, cho biết việc loại bỏ nội dung về Biển Đông là hành động “đáng lo ngại”. Ông cho rằng các quốc gia cần lên tiếng về các động thái quân sự hóa trái phép và yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
“Đáng lẽ cuộc họp của hơn 350 thành viên nghị viện các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương tại diễn đàn này phải là một cơ hội để họ bảo vệ luật pháp quốc tế và phản đối những người có hành động gây nguy hiểm tới luật pháp quốc tế và an ninh trong khu vực”, ông Shoebridge nói.
Các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Australia, Indonesia và Việt Nam đã từng lên án động thái quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông.
Năm 2016, tòa án quốc tế được thành lập theo Công ước của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển đã tuyên bố Philippines thắng kiện Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhưng Bắc Kinh vẫn phớt lờ kết quả phán quyết này.
Tháng trước, Jakarta đã phản ứng mạnh đối với Bắc Kinh khi tàu tuần duyên của Trung Quốc xâm phạm vùng biển mà Indonesia tuyên bố chủ quyền.
Theo Trí Thức Trẻ