“Bạn sẽ làm được những gì mà bạn muốn. Bạn sẽ trở thành người mà bạn khao khát. Vật cản duy nhất chỉ là bản thân của bạn.”- Dave Thomas
Trên thực tế, những người có gia đình yên ấm và tốt nghiệp cấp 3 luôn có lợi thế nhất định khi bắt đầu sự nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có một tấm gương thành công bất chấp bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng, sống chật vật với gia đình cha mẹ nuôi nghèo khó, bỏ học cấp 3 để kiếm tiền, thậm chí bị sa thải liên tục… Đó chính là Dave Thomas, nhà sáng lập Wendy’s – chuỗi hamburger lớn thứ 3 thế giới.
Không được phép làm biếng
Dave Thomas sinh vào năm 1932 và được nhận nuôi khi chỉ 6 tuần tuổi. Cặp đôi Rex và Auleva tuy không giàu có nhưng vẫn cố gắng làm hết sức vì người con mới nhận nuôi của mình.
Tiếc thay, tai họa ập đến khi người mẹ Auleva qua đời khi Dave vừa lên 5, cậu bé được cha nuôi gửi sang nhà bà để ông có thể tập trung kiếm tiền cho gia đình.
Khi sống cùng người bà Minnie, Dave đã được dạy về ý nghĩa của việc chăm sóc khách hàng, luôn tôn trọng người xung quanh và đặc biệt là “không bao giờ được làm biếng”.
Đến khi bước vào cấp 2, Dave quay về sống với cha nuôi và bắt đầu đi làm thêm ở nhiều nơi để phụ giúp kinh tế gia đình. Công việc quen thuộc của cậu học sinh này là phục vụ nhà hàng, tuy đơn giản nhưng với suy nghĩ khác thường của mình, Dave liên tục chống đối với quản lý và bị sa thải từ nơi này đến nơi khác.
Nhưng kỳ lạ thay, những lần bị sa thải đó càng khiến Dave quyết tâm hơn, cậu khao khát thành công ở mảng nhà hàng nhằm chứng minh các quản lý kia đã sai lầm.
Dave quyết tâm đến nỗi bỏ học cấp 3 giữa chừng để tập trung hoàn toàn vào công việc.
Cái bắt tay của biểu tượng
Sau khi trở về từ cuộc chiến tranh Triều Tiên, Dave tiếp tục làm việc trong nhà hàng Hobby House tại Fort Wayne. Đây cũng chính là nơi anh gặp Đại tá Sanders, một người đàn ông lớn tuổi đang đi khắp nước Mỹ để bán ý tưởng chuỗi gà rán nhượng quyền KFC.
May mắn thay, chủ nhà hàng Hobby House đã đồng ý hợp tác và nhận nhượng quyền một số cửa hàng KFC, tạo cơ hội cho Dave bắt đầu tìm hiểu về mô hình sẽ trở thành nền tảng của nền kinh tế Mỹ sau này.
Tuy nhiên, thời kỳ ban đầu cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất của KFC. Gần như không còn gì để mất, Đại tá Sanders quyết định cho cậu nhân viên trẻ Dave được toàn quyền vận hành các địa điểm anh đang công tác, nếu có thể “cứu” được KFC, anh sẽ được thưởng lớn.
Không phụ lòng tin của Đại tá Sanders, Dave đã làm không quản ngày đêm, trong hơn 10 năm, các cửa hàng mà Dave quản lý liên tục phá kỷ lục về doanh thu, và chàng trai trẻ trên cũng trở thành một trợ lý đắc lực cho các chiến dịch marketing và định vị thương hiệu của KFC.
Qua thời gian phục vụ cho KFC, Dave đã có cho mình một ý tưởng khởi nghiệp, từ bỏ công việc ổn định, Dave Thomas bán toàn bộ cổ phần đã được Đại tá Sanders trao thưởng (gần 1,5 triệu USD) để bắt đầu theo đuổi giấc mơ.
Sự ra đời của Wendy’s
Lấy từ tên gọi của người con gái, Dave mở cửa hàng đầu tiên vào năm 1969 tại Ohio với slogan kinh điển: “Chất lượng là công thức của chúng tôi.”
Khác hẳn với những đối thủ cạnh tranh, Wendy’s áp dụng mô hình “Cung ứng thông minh”, liên tục cung cấp thịt sống và rau củ tươi để chế biến thực phẩm (thay vì đông lạnh như thông thường).
Wendy’s cũng tiên phong phá vỡ hình ảnh “cửa hàng thức ăn nhanh” với quầy salad được đầu tư bài bản, thực đơn 0,99 USD phù hợp với nhu cầu của nhiều người. Và khi nhượng quyền, Wendy’s sẽ chuyển toàn bộ quyền quản lý một khu vực để đảm bảo tính nhất quán và chất lượng điều hành.
Với sự đột phá trong quan hệ với khách hàng và với đối tác nhượng quyền, từ năm 1970 đến 1982, Wendy’s nhanh chóng trở thành một thế lực mới trong ngành với hơn 1.000 địa điểm, hầu hết mọi cửa hàng đều được người dùng ưa thích và cạnh tranh không thua kém những “đàn anh” như KFC.
Hài lòng với thành công của mình, Dave quyết định nghỉ hưu ở tuổi 50 vào 1982 để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Nhưng sự biến mất đột ngột của “nhạc trưởng” đã khiến Wendy’s lao đao.
Lãnh đạo mới với tham vọng đưa Wendy’s trở thành thương hiệu số 1 liên tục phạm sai lầm: Các sản phẩm mới không khác gì một “bản sao lỗi” của đối thủ, chương trình marketing thì được đánh giá quá “tầm thường”, làm mất bản sắc của Wendy’s.
Kết quả là doanh thu của hơn 1.000 cửa tiệm Wendy’s ngay lập tức đi xuống, tình hình tài chính bết bát cũng khiến thương hiệu này trở nên kém hấp dẫn đối với giới đầu tư nhượng quyền.
Chỉ trong vài năm, ban quản trị của Wendy’s không còn cách nào khác ngoài việc “nài nỉ” nhà sáng lập Dave trở lại, vì chỉ ông mới có thể cứu được Wendy’s vào lúc này.
Hành trình trở thành huyền thoại
Khi trở lại nắm quyền, Dave ngay lập tức đi thị sát tất cả khu vực nhượng quyền và yêu cầu họ phải có “M.B.A” nếu muốn lật ngược thế cờ. Nhưng M.B.A ở đây không phải là bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh (Master of Business Administration), mà là Thái độ Xô lau nhà (Mop Bucket Attitude).
Dave yêu cầu tất cả nhân viên phải sẵn sàng làm những việc thấp kém nhất, phải phục vụ khách hàng như là cửa tiệm sẽ bị đóng cửa trong vài ngày tới. Khách hàng phải là trọng tâm của mọi quyết định, từ cách bố trí đến thực đơn của quán.
Nhà sáng lập Dave Thomas cũng trở thành một biểu tượng mới của Wendy’s nhằm tạo sự khác biệt so với đối thủ. Ông cống hiến cho đứa con tinh thần của mình cho đến ngày mất vào năm 2002.
Đến cuối năm 2018, Wendy’s đã trở thành chuỗi hamburger lớn thứ 3 tại Mỹ với 6.500 cửa tiệm, chỉ đứng sau hai gã khổng lồ McDonald’s và Burger King.
Để tri ân những người nhận nuôi mình, Dave đã thành lập Quỹ Dave Thomas nhằm khuyến khích các gia đình nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi.
Ông còn gây ảnh hưởng lớn tới chính quyền Mỹ, khiến Quốc hội thông qua luật giảm trừ thuế cho những gia đình có con nuôi.
Dave Thomas từng nói: “Bạn sẽ làm được những gì mà bạn muốn. Bạn sẽ trở thành người mà bạn khao khát. Vật cản duy nhất chỉ là bản thân của bạn.”
Theo Thanh Sang – Trí thức trẻ