Bí quyết để thành công là bắt tay vào hành động. Bí quyết để bắt tay vào hành động là chia những nhiệm vụ lớn lao, phức tạp của bạn ra thành những việc nhỏ, dễ quản lý và sau đó bắt tay thực hiện công việc đầu tiên.
Đôi khi, những mục tiêu lớn nhất trong cuộc đời chúng ta lại quá lớn lao. Chúng ta hiếm khi nhìn nhận những mục tiêu đó thành một chuỗi những nhiệm vụ nhỏ, dễ quản lý. Song trên thực tế, chia một mục tiêu lớn ra thành những nhiệm vụ nhỏ hơn và thực hiện từng nhiệm vụ chính là cách để đạt được bất kì mục tiêu lớn nào. Do vậy, sau khi bạn đã quyết định mình thực sự mong muốn điều gì và thiết lập những mục tiêu đo lường được trong khoảng thời gian xác định, bước tiếp theo chính là xác định tất cả các bước riêng rẽ cần thực hiện để đạt được mục tiêu.
Phương pháp chia nhỏ vấn đề
Bạn có thể sử dụng một vài phương pháp để xác định các bước hành động cần thực hiện để đạt tới một mục tiêu. Phương pháp thứ nhất là tìm tới những người đã đạt được những điều bạn mong muốn và hỏi xem họ đã thực hiện những bước đi nào. Dựa trên kinh nghiệm của mình, họ có thể chỉ bảo cho bạn tất cả những bước đi cần thiết cũng như những lời khuyên về sai lầm cần tránh.
Cách thứ hai là mua một cuốn sách hướng dẫn. Một phương pháp nữa là bắt đầu từ điểm kết thúc và nhìn nhận lại quá trình. Đơn giản, bạn chỉ cần nhắm mắt lại và tưởng tượng bây giờ chính là thời điểm trong tương lai, khi bạn đã thực hiện được mục tiêu. Sau đó, bạn chỉ cần nhìn lại và xét xem bạn đã phải làm những gì để đạt tới vị trí hiện tại. Việc cuối cùng bạn làm là gì? Và việc gần đó nhất thì sao… Cứ như thế cho tới khi bạn hiểu ra nhiệm vụ đầu tiên bạn thực hiện.
Hãy nhớ rằng, bạn không cần phải biết cách thực hiện. Bạn có thể hỏi xin chỉ dẫn và lời khuyên từ những người đi trước. Đôi khi, người ta cho không bạn nhưng cũng có khi bạn phải trả tiền cho những lời khuyên đó. Hãy học lấy thói quen đặt câu hỏi: “Bạn có thể chỉ cho tôi phương pháp thực hiện…?”; “Tôi sẽ phải làm gì để…?” và “Bạn đã làm cách nào để…?”
Hãy tiếp tục nghiên cứu và hỏi han cho tới khi bạn xây dựng được một kế hoạch hành động thiết thực có thể đưa bạn từ xuất phát điểm hiện tại tới vạch đích mục tiêu. Bạn cần phải làm gì? Bạn cần bao nhiêu tiền? Bạn cần học hỏi những kỹ năng gì mới? Bạn cần huy động những nguồn lực nào? Bạn cần hỏi xin trợ giúp từ những ai? Bạn cần hình thành những thói quen hay kỉ luật nào?
Sử dụng phương pháp sơ đồ tư duy
Sơ đồ tư duy là một phương pháp đơn giản nhưng hữu hiệu trong việc xây dựng một danh sách chi tiết những công việc cần thực hiện để đạt tới mục tiêu của bạn. Phương pháp này giúp bạn xác định những thông tin cần thu thập, những người cần trò chuyện, những bước đi nhỏ cần thực hiện, số lượng tiền cần có, thời gian cần hoàn thành… đối với từng mục tiêu đề ra.
Để vẽ sơ đồ tư duy cho những mục tiêu của mình, bạn cần thực hiện theo những bước sau:
Vòng tròn trung tâm: Trong vòng tròn trung tâm, ghi lại mục tiêu bạn đề ra – trong trường hợp của tôi, đó là Xây dựng Chương trình Đào tạo bằng âm thanh.
Những vòng tròn bên ngoài: Tiếp theo, chia mục tiêu thành những phân mục nhiệm vụ chính cần thực hiện – trong trường hợp này, đó là Tựa đề, Trường quay, Chủ đề, Khán giả…
Đường kẻ: Bước tiếp theo, hãy vẽ những đường kẻ xuất phát từ từng vòng tròn nhỏ và đặt tên cho từng đường (ví dụ: Soạn thảo nội dung, Tạo màu cho Trang bìa và Sắp xếp ăn trưa). Trên một đường kẻ riêng biệt nối với từng đường tròn nhỏ, hãy viết từng bước bạn cần thực hiện. Chia nhỏ mỗi bước ra thành những hành động nhỏ. Nhờ đó, bạn có thể xây dựng được danh sách những công việc cần thực hiện.
Bước tiếp theo, hãy xây dựng danh sách những việc cần làm hàng ngày
Sau khi đã hoàn thành sơ đồ tư duy, hãy chuyển tất cả những danh mục cần thực hiện vào kế hoạch hành động hàng ngày của bạn và đặt ra thời gian hoàn thành cho từng nhiệm vụ. Sau đó, lên lịch cho từng nhiệm vụ đó, ghi lại trong lịch và hãy làm hết sức để thực hiện đúng kế hoạch đề ra.
Hãy thực hiện những công việc quan trọng trước tiên
Bạn cần đặt mục tiêu thực hiện đúng lịch trình và hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng trước. Trong cuốn sách xuất sắc Eat That Frog? 21 Great Ways to Stop Procrastinating and Get More Done in Less Time, Brian Tracy đã tiết lộ phương pháp chế ngự sự chần chừ cũng như cách thức xếp hạng ưu tiên và hoàn thành tất cả những danh mục hành động của bạn.
Trong hệ thống độc đáo của mình, Brian khuyên những người xác lập mục tiêu nên xác định từ một tới năm điều bạn phải hoàn thành trong ngày, sau đó chọn ra điều bạn phải làm trước tiên. Đây sẽ là chú ếch to lớn và xấu xí nhất của bạn. Sau đó, ông đề xuất bạn nên hoàn thành nhiệm vụ đó đầu tiên – hay ăn con ếch đó trước tiên – nhờ đó, thời gian còn lại trong ngày của bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn. Đó là một chiến lược tuyệt vời.
Song, thật không may, hầu hết chúng ta lại để chú ếch to lớn và xấu xí nhất đó tới tận cuối cùng với hi vọng nó sẽ bỏ đi hay sẽ trở nên dễ nuốt hơn bằng cách nào đó. Điều đó không bao giờ xảy ra. Tuy nhiên, khi bạn hoàn thành nhiệm vụ khó khăn nhất trong ngày, thời gian còn lại sẽ trôi chảy hơn. Bạn sẽ có động lực và tự tin, hai điều sẽ đưa bạn đi xa hơn và tiến tới mục tiêu bạn đề ra nhanh hơn.
Hãy lên kế hoạch cho ngày hôm sau từ tối hôm trước
Một trong những công cụ hữu hiệu mà những người thành đạt sử dụng để chia nhỏ mục tiêu, giành quyền kiểm soát cuộc sống và nâng cao năng suất làm việc chính là lên kế hoạch cho ngày hôm sau ngay từ tối hôm trước. Có hai nguyên nhân giải thích tại sao đây lại là một chiến lược thành công hữu hiệu:
Nếu bạn lên kế hoạch cho ngày hôm sau từ tối hôm trước – lập danh sách những việc cần làm và dành vài phút hình dung xem bạn muốn ngày hôm đó diễn ra thế nào – phần trí não vô thức của bạn sẽ xem xét những nhiệm vụ này suốt cả đêm. Nó sẽ nghĩ ra những phương pháp sáng tạo để giải quyết mọi vấn đề, vượt qua mọi trở ngại và đạt được những kết quả bạn mong muốn. Và nếu theo vài lý thuyết vật lý lượng tử mới, phần trí não vô thức sẽ truyền đi năng lượng hấp dẫn những con người và nguồn lực bạn cần để thực hiện mục tiêu.
Thông qua việc lên kế hoạch cho ngày hôm sau từ tối hôm trước, bạn có thể khởi động ngày mới suôn sẻ. Bạn biết được chính xác mình sẽ làm gì, thực hiện việc gì trước, việc gì sau, và bạn đã tập hợp được mọi nguồn lực cần thiết. Nếu bạn cần gọi năm cuộc điện thoại, bạn nên viết lại theo trật tự thực hiện từng cuộc gọi, ghi số điện thoại bên cạnh tên người cần gọi và chuẩn bị tất cả tài liệu cần thiết. Đến giữa buổi sáng, bạn sẽ tiến xa hơn hầu hết những người phí hoài nửa giờ mỗi ngày dọn dẹp bàn làm việc, lên danh sách, tìm kiếm những giấy tờ cần thiết – hãy nói ngắn gọn, chuẩn bị sẵn sàng để làm việc.
TN (TQ)