Các buổi livestream bán hàng trên TikTok Shop luôn được khách hàng dễ dàng nhớ đến bởi sự sôi nổi, thú vị, và tính tương tác tốt. Hiểu rõ bí quyết để thúc đẩy các yếu tố này, chủ shop không chỉ phát triển kênh mà còn đạt được mục tiêu chốt đơn cực kì hiệu quả.
Trong vài năm trở lại đây, hoạt động livestream bán hàng trên các nền tảng trực tuyến ngày càng trở nên sôi động nhờ vào bầu không khí mua sắm vui vẻ mà hình thức này tạo ra. Với thời lượng không hề ngắn, trung bình 1-2 tiếng, đôi khi kéo dài 3-4 tiếng, thế nhưng, những buổi livestream vẫn luôn thu hút được lượng lớn người xem, thậm chí, tỷ lệ tương tác và chốt đơn còn cao gấp nhiều lần so với đăng tải một video thông thường.
Đặc biệt, cuối tháng 4 vừa qua, TikTok đã chính thức ra mắt giải pháp thương mại điện tử TikTok Shop tại Việt Nam. Tại đây, các “chủ shop” có thể tận dụng tối đa xu hướng Livestream để truyền tải và tùy chỉnh các nội dung phù hợp với đa dạng nhu cầu của người dùng, cũng như tương tác trực tiếp với những người đang theo dõi. Sự quan tâm dành cho TikTok Shop lớn đến nỗi, rất nhiều nhà bán hàng săn lùng và truyền tay nhau các bí quyết để “chốt đơn” bằng livestream hiệu quả trên TikTok Shop.
Hấp dẫn là vậy nhưng không phải ai cũng livestream thành công, bởi trên thực tế, không có công thức chung nào cho một buổi livestream bùng nổ trên TikTok Shop mà hoàn toàn dựa vào sự kiên trì cùng sức sáng tạo của người trực tiếp livestream. Bên cạnh đó, việc hiểu rõ cách nền tảng vận hành cũng sẽ giúp bạn có được nhiều lợi thế.
Dưới đây là một số gợi ý mà chủ shop, cũng như các nhà sáng tạo nội dung nên tham khảo để bắt đầu và phát triển nội dung livestream bán hàng đúng cách, hiệu quả trên TikTok Shop.
Thúc đẩy tính chân thực và yếu tố giải trí khi xây dựng nội dung
Một thương hiệu thành công là một thương hiệu biết nắm bắt tâm lý và tìm đúng điểm chạm để mang đến trải nghiệm phù hợp cho khách hàng. Vì vậy, khi đã quyết định “lên sàn TikTok”, câu chuyện của thương hiệu cũng cần đáp ứng được yếu tố chân thực, sáng tạo và giải trí của nền tảng. Theo nghiên cứu US TikTok Marketing Science, Understanding TikTok’s Impact on Culture Custom Research (Tạm dịch: Nghiên cứu Khoa học tiếp thị TikTok Hoa Kỳ, tìm hiểu tác động của TikTok đối với văn hóa) thực hiện bởi Flamingo, tháng 3 năm 2021, có đến 61% người dùng yêu thích một thương hiệu hơn khi thương hiệu đó tạo ra hoặc tham gia vào một xu hướng trên TikTok, và 43% người dùng sẽ thử nghiệm ngay sản phẩm của thương hiệu sau khi xem.
Sự yêu thích của người dùng TikTok dành cho thương hiệu chỉ có được khi thương hiệu đó thực sự hòa mình vào văn hoá và xuất hiện như một phần của cộng đồng. Hoạt động này cần được thực hiện thường xuyên để duy trì sự nhận diện, chứ không chỉ xuất hiện mỗi khi có chiến dịch. Câu chuyện về hai chàng trai Vũ Văn Khải và Nguyễn Hồ Hải Dương vừa nhảy vừa livestream bán áo trên tài khoản TikTok @Maonau99 là một ví dụ điển hình.
Bắt đầu bán hàng trên TikTok Shop vào tháng 4 nhưng phải đến khi điệu nhảy “aerobic thần thánh” xuất hiện, shop quần áo của hai anh chàng này mới được chú ý rộng rãi. Không đi theo lối livestream thông thường, chủ shop @Maonau99 quyết định vừa nhảy theo nhạc vừa “chốt đơn” trong suốt 1 tiếng đồng hồ. Nhờ yếu tố vừa độc đáo vừa mang tính giải trí này, mà lượt theo dõi của kênh tăng từ 600 nghìn lên 1,8 triệu chỉ trong vòng 3 tháng. Tình hình kinh doanh trên TikTok của shop cũng đạt nhiều thành công đáng kể.
Bên cạnh đó, hiệu ứng giải trí từ các buổi livestream kết hợp với xu hướng “review” sản phẩm trên TikTok Shop còn giúp thương hiệu thậm chí tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong cộng đồng, bởi hành trình mua hàng trên TikTok là một vòng lặp vô hạn. Khi một người mua sản phẩm sau khi xem livestream và chia sẻ trải nghiệm của họ về sản phẩm, nội dung đó sẽ tiếp tục được lan tỏa, từ đó thúc đẩy nhiều người mua hơn nữa. Tận dụng tốt điều này, thương hiệu vừa có thể tăng độ nhận diện, vừa có thể tăng sự tin tưởng đối với người dùng.
Ngoài việc đầu tư phát triển nội dung, sau mỗi buổi phát trực tiếp, thương hiệu cũng cần chú trọng vào đo lường, phân tích hiệu hiệu quả từng buổi Livestream bán hàng bởi trong một số trường hợp, lượng xem của buổi livestream có thể rất cao nhưng tỷ lệ chốt đơn lại thấp. Điều này chứng tỏ thương hiệu cần bổ sung thêm một vài nội dung khuyến mại hoặc lời kêu gọi để tăng tỷ lệ chuyển đổi và thúc đẩy quá trình mua hàng.
Để giúp thương hiệu giải quyết bài toán này, TikTok sẽ hỗ trợ cung cấp bảng phân tích chuyên sâu buổi livestream gồm chỉ số như doanh thu (GMV), lượt sales, lượng người xem, sản phẩm nào có lượt xem và đặt hàng nhiều nhất, hình thức bán hàng nào đang hiệu quả nhất,…
Sau khi có thống kê cụ thể, thương hiệu có thể rút kinh nghiệm và kịp thời xây dựng chiến lược phù hợp cho các buổi phát sóng tiếp theo thành công hơn.
Tìm kiếm các nhà sáng tạo phù hợp với thương hiệu
Một trong những thế mạnh của nền tảng TikTok là sở hữu một cộng đồng đa dạng. Trong đó, mỗi nhà sáng tạo nổi bật sẽ theo đuổi một lĩnh vực cụ thể và có tầm ảnh hưởng riêng. Vì vậy, hợp tác với các nhà sáng tạo sẽ giúp thương hiệu cùng lúc tiếp cận nhiều nhóm khách hàng, có tiếng nói đa dạng và thuyết phục hơn trong buổi livestream.
Với chương trình Affiliate trên Seller Center của TikTok Shop, việc kết nối giữa thương hiệu và nhà sáng tạo giờ đây trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Theo đó, TikTok sẽ cho phép thương hiệu gửi lời “mời” hợp tác đến các nhà sáng tạo với ghi chú về thông tin sản phẩm, cách thức hợp tác, thông tin liên lạc, v.v.. Điều này cực kỳ hiệu quả trong trường hợp thương hiệu không tìm được cách liên lạc và kết nối ngoại tuyến với nhà sáng tạo.
Có thể nói, livestream đang là một kênh bán hàng đầy hứa hẹn cho bất kỳ ai đam mê kinh doanh và sáng tạo trên TikTok Shop. Tuy nhiên, các thương hiệu cũng cần chủ động cập nhật, nắm bắt xu hướng và cách vận hành của nền tảng để có thể tạo ra dấu ấn riêng và thành công trên “vùng đất” mới nhưng đầy tiềm năng này.
Ánh Dương–Theo Nhịp Sống Kinh Tế