Là cánh tay phải của Warren Buffett, người đàn ông 98 tuổi này khẳng định nếu “tiết kiệm” 3 thứ này, bạn khó có thể đổi đời.
Charlie Munger là một trong những ông trùm đầu tư nổi tiếng nhất mọi thời đại. Kể từ khi gặp gỡ và làm việc chung với Warren Buffett, ông luôn là cánh tay phải đắc lực, là người cộng sự thông thái của hiền triết xứ Omaha, góp phần xây dựng đế chế Berkshire Hathaway hùng mạnh như hiện nay. Ở tuổi 98, ông đang nắm khối tài sản ước tính 2,3 tỷ USD (theo Forbes 2022).
Với kinh nghiệm của mình trong cuốn sách “Poor Charlie’s Almanack” Munger hé mở những góc nhìn về cuộc sống trong con mắt của chuyên gia tài chính. Theo đó, ông cho biết nếu muốn trở nên giàu có nhưng không có tiền và quan hệ, bạn càng phải hào phóng 3 thứ này:
1. Hào phóng trong tâm lý
Sự hào phóng đầu tiên được nhắc đến trong cuốn Poor Charlie’s Almanac là sự hào phóng trong tâm lý. Ý của tác giả chính là giữ cho tâm lý ổn định, cho bản thân nhiều cơ hội hơn và không quá khắt khe về mọi chuyện.
Lý do rất đơn giản, khi một người không có tiền và mối quan hệ, bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái buồn rầu. Nếu quá nghiêm khắc với chính mình, chỉ cần một sự việc không đúng như kế hoạch vạch ra, tâm lý của bạn sẽ dễ bị sụp đổ. Một người không có bệ phóng về tài chính, quan hệ lại dễ suy sụp khó có thể làm nên việc lớn.
Munger cũng có xuất phát điểm không được như ý muốn. Khi còn là một luật sư, ông cũng từng rơi vào cảnh túng quẫn, không quan hệ, không có tiền lại còn mang thêm khoản nợ. Dẫu vậy ông lại rất hào phóng trong tâm lý, cho bản thân nhiều cơ hội hơn để thoái mái và ổn định trong tư tưởng. Việc làm này giúp Munger bình tĩnh xử lý những khó khăn đang xảy ra dẫu không có tiền hay quan hệ.
Đến đây, nhiều người sẽ nói rằng khi cuối chân tường khó ai có thể bình tĩnh được như vậy. Song trong cuốn sách Poor Charlie’s Almanac đã đề cập đến một phương pháp khá hiệu quả. Đó là hãy nghĩ về 10 năm nữa, nếu có tâm hồn rộng lượng bạn sẽ nhận được những thành quả nào. Đồng thời bạn cũng suy nghĩ về khoảng thời gian đó nếu bản thân cứ bỏ hẹp tâm lý trong một khoảng trống thì được gì.
Từ đây, bạn hãy làm phép so sánh để thấy được nếu rộng lượng trong tâm lý bạn sẽ có kết quả tốt hơn mà dần vượt qua những suy nghĩ hạn hẹp.
2. Hào phóng với mọi người
Sự hào phóng thứ hai được đề cập trong Poor Charlie’s Almanac là hào phóng một cách thích hợp với mọi người. Càng không có tiền và mối quan hệ, bạn càng phải hào phóng với mọi người để có nhiều khả năng mở rộng mối quan hệ. Điều cơ bản để xây một mối quan hệ là thể hiện lòng tốt với người khác.
Thông thường chúng ta thường có tâm lý nhận trước cho sau. Tức là mong muốn người khác rộng lượng với mình, sau khi nhận được lòng tốt, bạn mới giúp đỡ ngược lại. Thực tế, suy nghĩ này ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng mối quan hệ. Nếu đối phương cũng có suy nghĩ như vậy, hại người sẽ rất khó có thể hoà hợp.
Vậy làm thế nào để khắc phục tâm lý này để chúng ta chủ động rộng lượng với mọi người. Một phương pháp được đề cập trong Poor Charlie’s Almanac, đó là suy nghĩ về lợi ích.
Điều này có nghĩa là bạn có thể suy nghĩ trước về những lợi ích bản thân sẽ nhận được nếu chủ động hào phóng trước với ai đó. Khả năng cao là bạn sẽ được nhiều hơn sự hào phóng từ đối phương. Vậy nên miễn suy nghĩ theo cách này, chúng ta sẽ rộng lượng và chủ động để kết nối với mọi người.
3. Hào phóng với kiến thức
Sự hào phóng thứ ba được nhắc đến trong Poor Charlie’s Almanac là hào phóng đối với trí thức. Tính đến nay Munger đã nắm vững hơn 100 mô hình tư duy. Nếu không sẵn sàng hào phóng tiếp thu kiến thức, ông khó có thể làm được điều này.
Munger và Buffett dành 70% thời gian không ngủ để đọc, đây là biểu hiện của sự hào phóng về tri thức.
Hào phóng về tri thức có thể giúp bạn giàu lên nhanh hơn. Vì logic cơ bản của việc trở nên giàu có thực ra là kết quả của một lượng lớn tri thức do bạn tích luỹ.
Nếu không phải là người có thói quen đọc sách, bạn vẫn có thể bắt đầu thói quen từ ngay hôm nay. Nội dung cuốn sách Poor Charlie’s Almanac đã nhắc đến phương pháp đọc theo thức cấp. Đọc một cuốn sách cũng như leo một ngọn núi, đầu tiên, mỗi ngày bạn đọc 10 trang. Sau một tầng, bạn nâng lên đọc 20 trang mỗi ngày. Từ từ tăng dần số trang, khi đã hình thành thói quen, vốn kiến thức của bạn sẽ tự nhiên rộng mở.
Đinh Anh–Thể thao & Văn hoá