Hiện cộng đồng khởi nghiệp Việt tại Nhật có hơn 30.000 thành viên. Do dân số Nhật đang già hóa nên dự báo cộng đồng người Việt đến Nhật khởi nghiệp sẽ tăng mạnh hơn.
Từ Tokyo, Nhật Bản, nữ doanh nhân Hà Cảnh, người từng ghi dấu khi chỉ mới đặt chân tới đất nước mặt trời mọc bốn năm đã gọi vốn thành công 12 tỉ đồng cho startup (khởi nghiệp) nước ngoài do chị sáng lập, đã có cuộc trò chuyện với PLO
Doanh nhân Hà Cảnh cho biết hiện cộng đồng doanh nghiệp Việt tại Nhật xếp thứ ba, sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Cộng đồng người Việt khởi nghiệp tại Nhật có tuổi đời bình quân khá trẻ, 25-30 tuổi. Xu hướng khởi nghiệp chủ yếu tập trung các lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng, xuất nhập khẩu, buôn bán, kinh doanh, du lịch, nông nghiệp và công nghệ thông tin.
Phải chứng minh nguồn tiền từ đâu
PV:- Người Việt đã buôn bán, kinh doanh tại Nhật Bản từ rất lâu nhưng đến nay tại đất nước mặt trời mọc mới hình thành cộng đồng khởi nghiệp người Việt. Theo chị, điều gì đã chắp cánh cho những ý định khởi nghiệp của cộng đồng người Việt trẻ tại Nhật Bản hiện nay?
+ Doanh nhân Hà Cảnh: Nhật Bản từng được biết đến là một trong những nước dẫn đầu về vốn ODA cho Việt Nam. Trong thời gian dài Nhật Bản cũng là một thị trường lớn cho du học sinh Việt Nam… Tuy nhiên, nếu nói đến việc chắp cánh cho việc khởi nghiệp của giới trẻ Việt tại Nhật Bản, chúng ta phải nói đến những thuận lợi trong chính sách của hai nước. Trong năm năm gần đây, nhất là từ năm 2019, Chính phủ hai nước Nhật Bản và Việt Nam đã có các hoạt động ngoại giao, thương mại rất sâu rộng với nhau.
Cùng với đó là nhiều chính sách thúc đẩy giao thương hai bên. Đó là cơ hội tốt cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam tại Nhật và ngược lại.
– Như vậy, các thủ tục pháp lý để thành lập công ty của các dự án khởi nghiệp Việt tại Nhật Bản sẽ rất dễ dàng?
+ Không hẳn vậy, so với các nước, luật pháp của Nhật tương đối khắt khe. Ví dụ, điều kiện doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Nhật, trong quỹ tối thiểu phải có 1 tỉ đồng nhưng với doanh nghiệp Nhật thì không cần số tiền tối thiểu này. Ngược lại, sau khi mở công ty, họ lại quản lý rất chặt về thuế. Còn tại Singapore họ miễn thuế khi lập doanh nghiệp, thậm chí thủ tục lập doanh nghiệp chỉ mất hai ngày.
Tuy nhiên, để hoạt động còn rất nhiều vấn đề, trong đó rào cản lớn nhất cần vượt qua, đó là xin visa đầu tư cực kỳ khó khăn. Chẳng hạn như khi tôi bắt đầu mở công ty, các cơ quan chức năng tại Nhật điều tra rất nhiều thứ, trong đó có hồ sơ cá nhân của chủ doanh nghiệp có đủ điều kiện và năng lực tài chính để hoạt động hay không, quá trình học tập ra sao. Đặc biệt, trong số tiền quỹ tối thiểu 1 tỉ đồng đó, họ cũng yêu cầu lý giải nguồn tiền từ đâu.
Tiền đề tốt cho doanh nghiệp trẻ phấn đấu
– Xin visa đầu tư tại Nhật khá khó khăn và thuế cũng quản lý khá chặt nhưng điều gì khiến giới trẻ Việt Nam vẫn đổ đến Nhật khởi nghiệp đông như vậy?
+ Với những người nung nấu thực hiện ước mơ và mong đạt đến ước mơ thì tôi nghĩ kỷ luật ngay từ đầu cũng có thể xem là một sự thuận lợi. Với bản thân mình, tôi không xem đó là những khó khăn để bỏ ý định khởi nghiệp tại Nhật Bản. Bởi điều kiện kinh doanh chỉn chu, khắt khe như vậy chính là tiền đề tốt cho doanh nghiệp trẻ như tôi phấn đấu. Các chế định khó sẽ thiết lập cho doanh nghiệp sự chuẩn bị bài bản để khởi nghiệp, chứ không thể làm qua loa.
Mặt khác, tất cả công ty muốn khởi nghiệp đều cùng chung một chính sách mà. Đồng thời các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Nhật phải học hỏi, đó là kỷ cương, nghiêm khắc, chặt chẽ trong các hoạt động kinh tế.
. Trào lưu người Việt đến khởi nghiệp tại Nhật ra sao và cộng đồng khởi nghiệp Việt có kết nối, chia sẻ với nhau trong bối cảnh 4.0 này không, thưa chị?
+ Thực ra hai, ba năm trước đã có hai trào lưu khởi nghiệp tại Nhật của nhiều người Việt. Trào lưu thứ nhất, lập công ty để duy trì thời gian bám trụ tại Nhật. Nghĩa là thành lập công ty, xin visa đầu tư để nối dài cơ hội được ở lại Nhật Bản của những người không thể tiếp tục học hoặc học xong nhưng chưa có việc làm.
Trào lưu thứ hai, đó là những người đã học tập hoàn thành, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, tài chính và gây dựng được các mối quan hệ, thực sự muốn khởi nghiệp để hội nhập với xã hội Nhật. Đây là hệ sinh thái đã chuẩn bị tâm lý, kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ sẵn sàng khởi nghiệp tại Nhật.
Đối với trào lưu thứ nhất, những năm đầu khá cởi mở, chính phủ Nhật cấp visa đầu tư tương đối dễ nhưng 1-2 năm trở lại đây thì bị siết chặt. Lý do là vì một số công ty lập ra vi phạm pháp luật, không hoạt động, không đóng thuế, làm rối tình hình xã hội nên bị siết rất chặt.
Còn trào lưu thứ hai, không bùng nổ so với châu Âu, Mỹ do tài chính chưa đủ mạnh hoặc có tài chính nhưng ý tưởng khởi nghiệp chưa đặc sắc. Tôi đang tham gia vào cộng đồng khởi nghiệp này nên tìm hiểu được nhiều bạn trẻ học rất giỏi, có nhiều bằng cấp và có khao khát khởi nghiệp nhưng họ chưa dám bứt phá ra khỏi vùng an toàn.
Trước khi sang Nhật khởi nghiệp, nữ doanh nhân Hà Cảnh tốt nghiệp cử nhân ngành báo chí Học viện Báo chí và Tuyên truyền, làm việc trong ngành báo chí, truyền thông tại Việt Nam một thời gian. Hiện chị đang làm CEO Công ty Tokai có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản, hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản. Để đáp ứng đa dạng hơn nhu cầu thị trường, trong thời gian tới Tokai sẽ hoạt động thêm các lĩnh vực về du lịch, nhà hàng, nông nghiệp, y tế.
Vay tiền không lãi suất cho dự án cộng đồng
– Cộng đồng khởi nghiệp Việt tại Nhật có kết nối, chia sẻ với nhau trong bối cảnh 4.0 này không, thưa chị?
+ Trong một số phạm vi hẹp, tính kết nối, chia sẻ trong cộng đồng khởi nghiệp người Việt tại Nhật chưa mạnh mẽ. Nhận ra điều này, Hội Người Việt Nam tại Nhật, trong đó những người lớn tuổi đã đứng ra dẫn dắt, kêu gọi tính đoàn kết trong cộng đồng doanh nghiệp người Việt, tham gia hội nhóm, qua đó giải quyết những bức xúc, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Hiện cộng đồng khởi nghiệp Việt tại Nhật hơn 30.000 thành viên. Doanh nghiệp Việt tại Nhật chủ yếu là công ty vừa và nhỏ.
– Như chị vừa nói cộng đồng doanh nghiệp Việt tại Nhật chủ yếu là vừa và nhỏ, vậy số doanh nghiệp này có được hỗ trợ gì từ Nhật?
+ Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nhật Bản có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển, trong đó ngân hàng Nhật có nguồn vốn hàng trăm triệu USD cho loại hình doanh nghiệp như thế này.
Riêng với doanh nghiệp Việt, chính sách vốn (sẵn sàng đầu tư không thu lãi suất) cũng có khoảng 2 triệu USD dành cho những dự án hướng đến cộng đồng cho hai nước. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề như bảo vệ thị trường và việc làm người bản địa nên vẫn có một số rào cản doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Nhật.
Còn doanh nghiệp Việt tại Nhật thì có nhiều tiêu chí và góc nhìn khác nhau để tìm kiếm sự hỗ trợ từ các ngân hàng. Chẳng hạn, một dự án y tế mà tôi biết do người Việt khởi xướng có đóng góp cho cộng đồng tại Nhật nên nhận được nhiều lời khen ngợi lẫn tạo điều kiện hỗ trợ phát triển và được vinh danh. Dự án này đã được Nhật Hoàng tặng Huân chương Mặt Trời mọc.
Hãy kiên nhẫn và trách nhiệm
– Chuyện khởi nghiệp của chị tại Nhật thế nào?
+ Tôi mất nhiều thời gian mới cho ra đời được công ty của mình do vừa học tiếng Nhật vừa tự làm mọi việc. Ban đầu công ty tập trung lĩnh vực bất động sản, đây là bước đệm để vào Nhật vì nhu cầu lĩnh vực này tại Nhật khá sôi động và đắt đỏ. Hoạt động của công ty tôi hiện đang diễn ra đúng mục đích từ đầu.
Tuy vậy, nhân sự, vốn, chính sách… là những cái khó mà chúng tôi gặp phải như doanh nghiệp khởi nghiệp khác. Tuy nhiên, khi đã quyết định khởi nghiệp, tôi lao vào làm việc, vận động các mối quan hệ, kinh nghiệm vào công việc để giải quyết những khó khăn ban đầu đó, biết điểm mạnh của mình để phát huy thêm và loại bớt các điểm yếu.
– Chị có thể chia sẻ gì với cộng đồng khởi nghiệp người Việt tại đây?
+ Tôi đã từng chia sẻ với cộng đồng khởi nghiệp nhỏ với tư cách khách mời là các bạn đến Nhật học tập và khởi nghiệp hãy sống có mục tiêu, có ý nghĩa. Những người trẻ mới sang chưa có định hướng khởi nghiệp thì hãy bắt đầu từ những việc nhỏ và hãy kiên nhẫn. Vì Nhật Bản là đất nước xây dựng nên nền kinh tế lớn thứ ba thế giới từ những kỷ cương, kỷ luật…
Theo tôi, đó chính là chìa khóa để chúng ta học người Nhật, dệt nên ước mơ của mình, của quê hương, đất nước từ kỷ luật, kiên nhẫn và có trách nhiệm với công việc.
Theo PLO