Với nghề trồng nấm, số người thành công ở Bình Dương không nhiều. Với bà Nguyễn Thị Minh Tấn, bà đã đi qua những ngày vất vả học nghề, liên miên thất bại, lần lượt bán đất trả nợ; rồi làm lại cho đến khi tự chủ công nghệ cấy phôi…
Và “vua nấm bào ngư” là tên gọi trìu mến người ta đặt cho bà sau hành trình kiên cường hơn 20 năm làm nấm.
Đường tới… thất bại
Chúng tôi về xã Long Hòa (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) giữa mùa cao su đang thay lá. Đây là địa phương thuần nông, với cây cao su chiếm hơn 90% diện tích đất nông nghiệp toàn xã.
Mấy năm qua, giá mủ cao su biến động, nghề chăn nuôi cũng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, nên việc làm và thu nhập của người dân chịu nhiều ảnh hưởng. Thế nhưng, trại nấm dưới tán rừng của bà Tấn hàng chục năm qua vẫn duy trì hoạt động thường xuyên, cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định.
Theo bà Tấn, người trồng nấm tuy nhiều nhưng còn thiếu thống nhất nên chưa lập được HTX. Mong muốn giúp nhiều người cùng làm kinh tế, phải đến năm 2020, HTX Nông nghiệp Thương mại dịch vụ Long Thọ ở xã Long Hòa mới ra đời, do chính bà Tấn giám đốc.
Với chất giọng Phú Yên đặc sệt, bà Tấn kể, những năm tháng chiến tranh, cha bà là cán bộ tập kết, mẹ hy sinh tại quê nhà nên tuổi thơ bà đã lưu lạc khắp nơi. Cơ duyên đưa đẩy vợ chồng bà đến với mảnh đất Bình Dương sinh sống rồi dựng nghiệp nơi này.
Bà Tấn kể, những năm 1970, Dầu Tiếng còn nghèo khó. Hai vợ chồng đi làm mướn; cày cuốc cả ngày rồi vác bao khoai mì về ăn chứ người chủ không cho lúa. Nhiều hộ cũng gặp cảnh như thế, chịu không nổi phải bỏ đi. Vợ chồng bà bảo nhau “người ta sống được thì cũng phải tìm cách”. Rồi tỉa đậu, trồng lúa, phát rẫy, cả nhà bà dựng chòi sống trong mấy công cao su tích cóp mà mua được.
Ngày đó, những đứa trẻ lớn lên, đủ sức đi làm mướn là có tiền phụ giúp gia đình. Nhưng bà Tấn vẫn quyết cho các con học chữ. “Tôi bán 25 con trâu, mua nhà cho con có chỗ ở ổn định để ăn học. Người ngoài nhìn vào nói: Đã nghèo còn bày đặt học chữ cho sang” – bà Tấn kể
Năm 1997, có một người chỉ cho bà cách trồng rồi bán nấm bào ngư. Thứ thực phẩm này vẫn còn mới mẻ, thế mà bà cũng dám liều đi hái lá dừa về xây trại, bỏ tiền mua 500 bịch phôi giống về tự trồng.
Kết quả, 500 bịch phôi chỉ cho ra… 2kg nấm. Đem đi chào hàng, bà bị người bán nấm rơm ngoài chợ xua đuổi như đụng phải tà: “Bỏ đi, ăn vô chết đó!”.
Thế là bà phải kiên nhẫn giải thích, kể lể hàng chục món ăn ngon từ nấm bào ngư, họ mới chịu nhận hàng. Kết lại, đi bán nguyên rổ nấm được 3.000 đồng mà tiền đổ xăng chạy đi, chạy về hết 4.000 đồng.
Không nản chí, bà lần mò khắp huyện tìm mua thêm giống bào ngư để mở rộng diện tích. Cũng có người đồng ý bán phôi nấm, kèm thêm lời khuyến mãi: Nghề này khó làm, có khi bán cả gia tài để trả nợ. Vài tháng sau, người bán nấm này bị siết nợ thật.
“120 triệu hồi đó có giá lắm. Tôi nghe số tiền nợ mà choáng váng luôn” – bà Tấn kể.
Không mua phôi nấm nữa, bà Tấn đặt quyết tâm tự học làm giống. Năm 2000, bà gửi con trai xuống trại nấm ở Hóc Môn (TP.HCM) vừa học nghề vừa “chuyển giao công nghệ” về Dầu Tiếng.
Nhưng trại này cũng chỉ san sẻ cho một phần bí quyết. Kỹ thuật cấy meo, tạo phôi của bà vẫn thất bại; tỷ lệ phôi sống không đồng đều, sản lượng thu hoạch không cao. Trầy trật cả năm như thế, con trai bà khóc lóc bỏ về.
Đến nay, nguồn giống nấm của Tấn Hưng có mặt khắp thị trường trong và ngoài tỉnh. Bà Tấn cũng tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 người lao động tại trại và 20 hộ gia đình làm nấm ở địa phương có thu nhập ổn định.
Lần khác, xem trên tivi thấy TS Lê Duy Thắng – một chuyên gia ở khu nông nghiệp công nghệ cao AHTP giảng về cách trồng nấm, bà lại khăn gói xuống TP.HCM tìm gặp.
Ông Thắng hỏi: “Nhà có nhiều đất không?”. Bà bảo, làm giống thì đâu cần tốn nhiều đất, khó nhất phải là kỹ thuật chứ? Ông Thắng nói: “Ý tôi hỏi có nhiều đất, đặng chuẩn bị bán trả nợ đó!”. Cả 2 thầy trò cùng bật cười vì quá hiểu cái nghề khó khăn này.
Và cũng từ sau khi gặp tiến sĩ Thắng, bà đã tìm được nguyên nhân thất bại.
Làm chủ kỹ thuật
Được tiến sĩ Thắng khảo sát và tư vấn kỹ thuật, bà Tấn hiểu mình thiếu một lò hơi để đưa hơi nước vào nấm, nên việc cấy meo chỉ đạt 20%. Thêm 1 năm trầy trật thử nghiệm tới lui, bà Tấn tìm ra vật liệu thép thay cho lò đất nung để làm sàn hấp. Nhiệt độ trong lò cũng phải đúng 100 độ C thì sản phẩm phôi nấm mới đảm bảo yêu cầu, nhất là về tiệt trùng.
Lô đầu tiên ra lò, meo ăn 100%. Từ đó, nấm ra đều đặn 150kg, 300kg rồi tăng lên 400kg/ngày. Đến năm 2007, bà dứt hẳn làm nấm thương phẩm để chuyên tâm làm giống. Từ đây, trại nấm mang tên Tấn Hưng ra đời.
Nhờ làm chủ kỹ thuật lò hấp phôi nấm, trang trại Tấn Hưng sản xuất, cung ứng sản phẩm phôi nấm bào ngư và phôi nấm linh chi. Với sản lượng và giá cả ổn định, doanh thu bình quân hàng năm chỉ tính riêng từ 2 sản phẩm này khoảng 1,4 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng/năm.
Bà Tấn chia sẻ, trong quá trình làm giống có 3 khâu quan trọng nhất, đó là nguyên liệu, phối trộn và cấy meo. Trồng nấm yêu cầu kỹ thuật khắt khe nên người trồng phải kiên trì. Bù lại, nghề trồng nấm tốn ít chi phí, hiệu quả cao, chỉ cần chăm sóc đúng kỹ thuật có thể nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Theo Báo Bình Dương