Napoléon đã từng nói: “Một vị tướng biết kiểm soát cảm xúc của mình xứng đáng nhận được huy chương danh giá hơn một vị tướng chỉ có thể chiếm được một thành trì”. Xét cho cùng, sức mạnh nội tại mới tạo nên những điều phi thường.
Trong mắt Napoléon, anh hùng thực sự không chỉ là những vị tướng có thể đánh hạ được các thành trì mà còn phải là những người có thể kiểm soát được cảm xúc của mình. Câu này nói rất hay, nó giống như một tấm gương sáng giúp chúng ta xem xét lại bản thân và thế giới xung quanh.
Có thể gọi cảm xúc là làn gió thổi bên trong sâu thẳm nội tâm của mỗi con người. Đôi khi nó nhẹ nhàng như gió mùa xuân, mang lại cho chúng ta sự ấm áp và sức mạnh; đôi khi nó cũng dữ dội như làn gió trong cơn bão tuyết mùa đông, khiến chúng ta cảm thấy lạnh lẽo và bất lực. Vì thế, một người biết cách kiểm soát cảm xúc giống như một nhạc trưởng lành nghề, người có thể chỉ đạo dàn nhạc một cách thành thục và tạo nên một bản nhạc hay.
Trong thế giới nhộn nhịp này, chúng ta thường bị bao quanh bởi vô số sự kiện, dẫn đến lúc nào cảm xúc của chúng ta cũng bị kích thích và ít khi được yên tĩnh. Đôi khi thành công cũng giống như một ngọn núi vậy. Trong quá trình chinh phục đỉnh núi, chúng ta không chỉ cần sự kiên trì và trí tuệ, mà còn cần một tâm trí bình tĩnh và cảm xúc ổn định.
Có câu: “Bí quyết của thành công là kiểm soát được cảm xúc của mình chứ không chỉ riêng về hành động.”
Hành động là thứ bên ngoài, có thể được nhìn thấy và nhận thức được. Còn cảm xúc là bản chất ẩn nấp trong sâu thẳm tâm trí của chúng ta, âm thầm ảnh hưởng đến mọi hành động và quyết định của chúng ta.
Hãy thử tưởng tượng xem, nếu một người có thể giữ bình tĩnh khi đối mặt với một tình huống khó khăn và không bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc tiêu cực, thì anh ta có phải sẽ có thể phân tích vấn đề tốt hơn và tìm ra được giải pháp hay không? Ngược lại, nếu một người bị cảm xúc chi phối, họ rất khó đạt được thành công thực sự, ngay cả khi họ có tài giỏi đi chăng nữa.
Trên thực tế, mỗi ngày có rất nhiều bài báo đưa tin về những vụ việc xô xát, mâu thuẫn, thậm chí là sát hại lẫn nhau vì những cảm xúc nóng giận, bồng bột nhất thời. Những người không kiểm soát được cảm xúc thường có cái tôi rất lớn, họ dễ có những phản ứng sai lầm, đem những tâm tư tình cảm cá nhân ra để quyết định đúng sai.
Chính vì vậy, kỹ năng kiểm soát cảm xúc là rất quan trọng để mỗi người có thể bình tĩnh hiểu, kiểm soát bản thân trước khi để cảm xúc chi phối hoàn toàn. Điều này rất quan trọng để tránh những xung đột căng thẳng, thậm chí là xô xát lẫn nhau.
Thế nhưng, kiểm soát cảm xúc không phải là một kỹ năng mà chúng ta có thể bồi dưỡng chỉ trong một đêm. Nó đòi hỏi chúng ta phải liên tục trau dồi bản thân, học cách giữ bình tĩnh, lạc quan và tích cực khi đối mặt với những thách thức. Đừng cố gắng ép buộc bản thân phải kiểm soát cảm xúc quá mức, điều này có thể gây ra các tác dụng ngược. Khi kiểm soát quá mức, cơ thể sẽ có cảm giác căng thẳng, áp lực và gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm lý.
Thay vì vậy, hãy tập trung nhận biết, hiểu về cảm xúc của mình, hít thở thật sâu và cần một khoảng nghỉ để bình tâm lại cảm xúc. Rèn luyện các kỹ năng kiểm soát cảm xúc cần thời gian và có giới hạn, biết khi nào cần đến sự hỗ trợ từ người khác nếu cảm xúc trở nên quá mức.
Điều này giống như một cuộc chạy đua marathon, mặc dù quá trình đó dài và khó khăn, nhưng những người kiên trì đến cùng sẽ nếm được hương vị của thành công. Do đó, trong quá trình theo đuổi thành công, chúng ta không chỉ cần phải tập trung vào sức mạnh của hành động mà còn phải phát triển kỹ năng quản lý cảm xúc của mình. Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể xây dựng được một vùng đất để bản thân dụng võ, thể hiện tài năng của mình và giành được huy chương cao quý thực sự thuộc về chúng ta.
Trên hành trình dài này, mong rằng tất cả chúng ta đều có thể trở thành những người biết quản lý cảm xúc, điều hướng con tàu cuộc sống của mình với sự khôn ngoan và can đảm, tiến đến một ngày mai tốt đẹp hơn.
Diệu Đan-Theo Đời sống Pháp luật