Sự kiên nhẫn là điều quan trọng đối với các dự án phát triển khu dân cư của tỷ phú Hong Kong Edwin Leong, giúp ông giành thắng lợi trong nhiều thương vụ bất động sản có tỷ suất sinh lời không tưởng.
Leong, 70 tuổi, còn được biết đến với biệt danh “Vua cửa hàng” nhờ thành công trong việc tích lũy một danh mục đầu tư phong phú gồm các bất động sản thương mại và bán lẻ do Tai Hung Fai Enterprise triển khai mà ông là người sáng lập. Đế chế bất động sản của ông hiện mang lại cho Leong một khối tài sản với giá trị ròng 4,4 tỷ USD, giúp ông đứng vững ở vị trí 22 trong danh sách 50 người giàu nhất Hong Kong năm nay.
Chiến lược của Leong trong 25 năm qua tập trung vào việc mua lại các tòa nhà cũ, sau đó phát triển thành các cửa hàng, khách sạn và văn phòng. Leong cho biết: “Chúng tôi đã mua những mảnh đất rẻ hơn rất nhiều so với giá dự thầu của chính quyền”.
Tìm đường đi khi thị trường gặp khó
Thị trường bất động sản Hong Kong chịu áp lực nặng nề do chiến lược zero Covid vốn khiến nơi đây trở nên biệt lập với phần còn lại của thế giới và làm trầm trọng thêm làn sóng di cư. Đồng thời, kế hoạch tăng lãi suất tăng dự kiến sẽ làm tăng chi phí vay vốn đối với những người mua nhà tương lai. Bất chấp tất cả những điều này, tỷ phú đầu tư bất động sản Edwin Leong nói rằng bây giờ chính là thời điểm để phát triển.
Lĩnh vực bất động sản thương mại của Hong Kong đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng trong ba năm qua, do đại dịch, bất ổn xã hội và cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Vì vậy, giải pháp của Leong là tham gia vào thị trường nhà ở đại chúng. Tai Hung Fai bắt đầu xây dựng các căn hộ vừa và nhỏ tại nơi mà lâu nay được coi là thị trường có ít nhà ở giá rẻ nhất thế giới.
Trong một cuộc phỏng vấn, Leong cho biết: “Nhu cầu đối với các dự án phát triển khu dân cư là rất lớn trên thị trường, vì vậy chúng tôi tự tin vào những gì mình đang làm”.
Sự tự tin của Leong bắt nguồn từ kinh nghiệm. Dự án đầu tiên của Tai Hung Fai nhắm vào thị trường đại chúng là một thành công rực rỡ. Tọa lạc tại Sheung Shui, Tai Hung Fai đã bán được tất cả 30 căn hộ của khu chung cư, có tên là Artique, trong vòng chưa đầy hai giờ. Leong cho biết: “Dự án thử nghiệm ở Sheung Shui là một bài kiểm tra xem đội ngũ phát triển của chúng tôi tốt như thế nào. Đây là một dấu hiệu tốt.”
Sự hấp dẫn của Artique đối với người mua một phần là do vị trí của nó – khu vực xung quanh Sheung Shui sẽ nằm trong kế hoạch đầy tham vọng của chính phủ nhằm biến một vùng đất rộng lớn ở New Territories thành một đô thị cung cấp hơn 900.000 căn hộ cho khoảng 2,5 triệu người trong vòng 20 năm tới.
Chiến lược của Leong được xây dựng trên một nền tảng vững chắc vì lĩnh vực nhà ở của Hong Kong đã thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ nhất trong những năm gần đây do nhu cầu nội tại vượt xa nguồn cung. Chỉ số giá nhà cho người dân của thành phố tiếp tục tăng trong thời gian dài và đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng Bảy, theo dữ liệu của chính quyền nơi đây.
Theo Joseph Tsang, Chủ tịch JLL Hong Kong, Tai Hung Fai đang “làm điều đúng đắn” khi chuyển hướng sang phát triển khu dân cư hàng loạt vào thời điểm thị trường đầu tư hạ nhiệt trong bối cảnh đại dịch. Những ngôi nhà quy mô vừa và nhỏ mang lại lợi nhuận nhanh chóng do nhu cầu cao, có thể bù đắp bất kỳ sự suy thoái nào trong đầu tư thương mại và bán lẻ. Tsang nói: “Đây là một chiến lược tốt vì nó giúp cân bằng rủi ro”.
Thương hiệu Tai Hung Fai sẽ phải cạnh tranh để thu hút sự chú ý của người mua nhà trong một lĩnh vực khá sôi động và đầy cạnh tranh với những tên tuổi lớn như CK Asset v v của tỷ phú Li Ka-shing (tỷ phú giàu nhất Hong Kong), Henderson Land của Lee Shau Kee…Những ông lớn này đều đang sở hữu quỹ đất và nguồn tài chính khổng lồ.
Công thức: Thời gian và sự kiên nhẫn = Giá rẻ
Tuy nhiên, là một công ty tư nhân, Tai Hung Fai có thể chơi một trò chơi dài hơi khi mua lại các tòa nhà cũ để tái phát triển, Leong nói. Quá trình mua lại mất rất nhiều thời gian vì các chủ đầu tư thường phải mất hàng năm trời để mua được 80% cổ phần của một bất động sản cũ và sau đó là quyền sở hữu hoàn toàn. Và Leong thì có thừa sự kiên nhẫn
Công ty bất động sản kỳ cựu luôn tìm kiếm cơ hội mua lại những khu đất đã đổ nát có tiềm năng tái phát triển thành những bất động sản có giá trị cao hơn. Một trong số các thương vụ mua lại nổi bật nhất gần đây của ông là một tòa nhà hơn 60 năm tuổi ở Sai Ying Pun mà Leong đã mua lại trong khoảng thời gian 10 năm với chi phí hơn 75 triệu USD. Khu đất có giá trị thị trường tăng vọt lên gần 119 triệu USD vào năm ngoái, sẽ được chuyển đổi thành một tòa tháp cung cấp khoảng 200 căn hộ vừa và nhỏ. Leong cho biết, công ty cũng đã mua thành công khu đất rộng 11.000 feet vuông (khoảng 3350m2) ở Kowloon sẽ được chuyển đổi thành một tòa nhà dân cư với 300 căn hộ khác.
Các dự án hiện tại của công ty bao gồm thêm hai bất động sản thương mại. Công ty đang xây dựng hai tòa nhà văn phòng chính riêng biệt ở Sheung Wan, một trong số đó sẽ có diện tích 300.000 feet vuông và tòa nhà còn lại sẽ có diện tích 180.000 feet vuông. Hai địa điểm, được mua lại trong thập kỷ trước với tổng chi phí hơn 640 triệu USD, hiện được cho là trị giá 1,3 tỷ USD.
Hành trình của Leong
Leong là con trai thứ sáu của doanh nhân Henry G. Leong, giám đốc điều hành của thương hiệu bất động sản Anh Jardine Matheson. Leong thành lập Tai Hung Fai vào năm 1977 sau khi từ Canada trở về Hong Kong với bằng thạc sĩ khoa học máy tính tại Đại học Toronto. Công ty khởi nghiệp bằng việc kinh doanh cổ phiếu và ngoại tệ, nhưng ban đầu việc kinh doanh gặp khó khăn.
“Tài sản bạn thay đổi hàng giờ. Có ngày bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc và ngay ngày hôm sau bạn lại trở nên mất cảm giác”, Leong nói. “Tôi đã học được từ kinh nghiệm cay đắng của bản thân đó là chỉ có một số ít người chiến thắng khi chơi cổ phiếu”.
Năm 1997, Leong quyết định đầu tư vào bất động sản, một lĩnh vực mà ông nghĩ sẽ mang lại sự ổn định hơn cho cuộc sống mình. Chiến lược thâu tóm tài sản trong thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á đã đưa ông vào câu lạc bộ tỷ USD vào năm 2012.
(Theo Forbes)-An Nhiên–Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị