“Chúng ta đã đi thăm quan cả một khu rừng” là nhận định của Host Dương Ngọc Trinh sau khi kết thúc chương trình Bí mật đồng tiền mùa 2, số 37. Xuất phát từ chủ đề “tê giác xám” – một thuật ngữ kinh tế để miêu tả những rủi ro thường bị lơ là, Bí mật đồng tiền số này đã cùng khán giả “chỉ mặt, gọi tên” những “loài động vật” đáng quan ngại trên thị trường chứng khoán.
Tê giác
“Ngày nay là thời đại thông tin. Ai có những thông tin đúng lúc nhất người đó sẽ làm giàu.” – tác giả Cha giàu cha nghèo, một trong những cuốn sách best-selling về tài chính cá nhân đã viết như vậy. Tuy nhiên, BTV Hoàng Nam – chuyên trách chứng khoán Bản tin Tài chính kinh doanh VTV1 lại đặt câu hỏi: Phải chăng “No news is good news, good news sometimes is bad news”? (Không có tin tức gì là tốt, tin tốt đôi khi lại là… tin xấu?), khi có khán giả đưa ra ý kiến khá bi quan: “Tin tức truyền thông luôn chậm hơn thị trường thật”.
Mr.X30 Phạm Lưu Hưng – Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban đào tạo CTCP Chứng khoán SSI – vị khách mời quen thuộc của chương trình, lấy ví dụ từ chính thời điểm tháng 11, khi thời gian công bố kết quả kinh doanh quý III đã qua, các số liệu vĩ mô chưa tới thời điểm công bố, thị trường trong nước nhìn chung khá ít thông tin. Tuy nhiên, là một thị trường chứng khoán non trẻ, Việt Nam nhìn chung vẫn gián tiếp bị ảnh hưởng từ tin tức và thị trường thế giới.
Một cuộc khảo sát về những vấn đề tâm lý gây ảnh hưởng nhất đến quá trình đầu tư đã được thực hiện từ những phút đầu, khiến bầu không khí chương trình trở nên rôm rả. Trong ba “chú tê giác” được gọi tên có “thiếu sự tự tìm hiểu”, tức thiếu hiểu biết về thị trường và các yếu tố tác động tới thị trường, thiếu hiểu biết về khả năng đầu tư, khẩu vị rủi ro của bản thân…
Con Lười
Không chỉ là một tính từ, lười còn là tên một loài động vật. Con lười nhìn chung khá… lười, không có khả năng tự bảo vệ bản thân nên chỉ có thể sinh tồn bằng việc bám víu vào các cành cây. Đặc tính này cũng hoàn toàn giống những người thiếu tính tự giác, chủ động trong học hỏi và tìm hiểu.
Mr.X30 bổ sung, với những “con lười”, mọi biến động nhỏ nhất đều có thể là nguy hiểm, đều có thể là “tê giác xám”. Đây là nguyên nhân của tình trạng FOMO (fear of missing out – nỗi sợ bị bỏ lỡ). Đây là trạng thái tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội hoặc trở thành người đứng ngoài trào lưu của đám đông. Trong thị trường chứng khoán, khi giá cổ phiếu liên tục thay đổi, các “người chơi” khác liên tục bàn luận và hành động dễ khiến nảy sinh tâm lý muốn thay đổi danh mục đầu tư, dù thị trường đang biến động hay thay đổi ấy không phù hợp với “profile” . Nguyên nhân là do sợ mình trở thành “người tối cổ”, “lạc hậu”, “đứng ngoài cuộc chơi” khi thị trường đang uptrend mỗi ngày.
Câu chuyện khối ngoại mạnh mẽ, miệt mài “xả hàng” hai tháng qua là một “drama” được quan tâm. Có khán giả đặt câu hỏi: “Có nên đầu tư theo khối ngoại?”. Khách mời của chương trình – anh Nguyễn Trần Hải, một nhà đầu tư cá nhân với nhiều năm kinh nghiệm chia sẻ, đây là một yếu tố đáng quan tâm nhưng không mang tính quyết định. “Rót vốn vào rồi rút vốn ra là một động thái bình thường của các doanh nghiệp” – anh Hải chia sẻ. Dù đây là một thời điểm tốt cho những nhà đầu tư cá nhân mua vào, anh Hải vẫn lưu ý về khả năng lượng cung quá lớn, dẫn tới việc giá trị các mã chứng khoán bị chênh so với thực tế.
Mr. X30 nhấn mạnh, theo dõi hoạt động các quỹ ngoại tuy có thể mang lại thông tin, nhưng rất khó đoán được động cơ thực sự đằng sau. Đôi khi chỉ đơn giản là vì thời gian hoạt động của quỹ tại Việt Nam đã gần hết, chứ chưa hẳn vì cổ phiếu ấy đã hết “tín”.
Bò, gấu và… voi
Bò và gấu là hai thuật ngữ rất quen thuộc đối với các “chứng sĩ”, chỉ xu hướng uptrend hoặc downtrend của thị trường. Tuy nhiên còn có những “loài động vật” khác có khả năng “gây nhiễu” thị trường, chẳng hạn như voi trắng.
Trong kinh tế học, “Voi trắng” dùng để chỉ các yếu tố gây tốn kém chi phí, đồng thời rất khó để giải quyết tận gốc. Thông tin Quốc hội chưa thông qua Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 là một trong những quyết định có ảnh hưởng trong thời gian gần đây. Chia sẻ quan điểm, Mr. X30 và anh Nguyễn Trần Hải đều đồng ý có những “con voi trắng” cần được xử lý để khơi thông vấn đề này. Nhiều quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ thời gian qua trong các vấn đề như mở rộng khả năng tiếp cận nguồn vốn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu,… được đánh giá đang mở ra những tương lai tươi sáng hơn.
BTV Hoàng Nam đưa ra ý kiến “Thị trường bất động sản Việt Nam nên hạ giá sản phẩm để tránh tình trạng của thị trường Trung Quốc – các doanh nghiệp bất động sản vỡ nợ dù đã được gia hạn 2 lần”. Đồng tình với ý kiến này, Mr. X30 chia sẻ, cách để tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản hiện nay là tạo ra thanh khoản. Bán một phần tài sản ở thời điểm hiện tại, dù với giá thấp hơn sẽ giúp các doanh nghiệp tạo ra dòng tiền, thay vì trông chờ vào sự giúp đỡ của Chính phủ.
Thị trường chứng khoán chịu tác động của nhiều yếu tố, nhiều biến số ngẫu nhiên và khó lường luôn chực chờ. Không tự biến mình thành một rủi ro với những chú “tê giác xám” tâm lý có lẽ sẽ là quyết định đúng đắn nhất để các “chứng sĩ” có thể tự tin trong “cuộc chơi” đầu tư này.
Ngọc Diệp-Theo An ninh Tiền tệ