Dạy con cũng giống như nấu nướng, với những nguyên liệu khác nhau, cần chế biến theo những phương pháp khác nhau. Đối với những đứa trẻ khác nhau, chúng ta cũng cần áp dụng những phương pháp giáo dục khác nhau
Bạn sẽ gặp một tình huống phổ biến khi bà mẹ than thở rằng muốn con học piano, còn mời cả cô giáo rất giỏi về dạy nhưng thằng bé có vẻ không thích, chỉ học qua quýt cho xong chuyện, sểnh ra là chạy đi đá bóng.
Vấn đề rõ ràng đứa trẻ thích đá bóng nhưng mẹ cứ bắt nó học piano. Nếu bà mẹ này gặp Sara Imas, tác giả cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương”, bà sẽ giảng giải cho cô ấy về mối liên quan giữa việc dạy con và việc nấu nướng.
Mỗi đứa trẻ là một nguyên liệu khác nhau
Đó là quan niệm của bà mẹ Do Thái nổi tiếng này. Và nguyên liệu nào thì sẽ nấu ra được món ăn tương ứng. Ví dụ đứa trẻ này là tôm, nói năng rất mạnh bạo, vậy thì trước khi chế biến ta phải đem cắt bỏ đầu tôm đi. Cá thì khác, trước khi chế biến chúng ta phải mổ bụng, bỏ ruột bên trong, rửa sạch sẽ rồi mới chế biến.Tất cả những thứ chúng ta vứt đi đó đều là những khuyết điểm của con, cũng giống như cá có được sơ chế sạch, đem bỏ hết ruột bên trong thì khi chế biến mới tươi ngon, vừa miệng được.
Trong quá trình nấu nướng, việc bạn cho thêm các loại gia vị như muối, bột ngọt, đường… thì đều vì chung mục đích là muốn món cá có hương vị thơm ngon hơn. Đối với các con cũng vậy, việc chúng ta uốn nắn, giáo dục cũng vì mục đích giúp chúng trưởng thành và nên người.
Bởi những đứa trẻ khác nhau là những nguyên liệu khác nhau, và gia vị trong giáo dục cũng phải khác nhau. Ví dụ bạn có thể thêm hành, gừng vào món cá nhưng nếu cho vào đó một vài vị thuốc Bắc thì món ăn chắc chắn sẽ trở nên rất kỳ cục.
Hoặc miếng thịt này nếu đã không phù hợp để xào thì tại sao bạn lại cứ cố xào? Như vậy vừa lãng phí thời gian, vừa lãng phí sức lực. Bạn tràn đầy tự tin đi xào miếng thịt đó nhưng cuối cùng, món ăn không đúng vị, bạn thất vọng, chán nản và đổ lỗi cho miếng thịt, như thế có hợp lý không?
Không có thứ nguyên liệu nào bất biến
Con cái chúng ta sẽ liên tục thay đổi, trong từng thời điểm khác nhau, chúng sẽ là những nguyên liệu khác nhau. Ví dụ nếu hôm nay tâm trạng con vui vẻ thì nó là một con cá; nếu tâm trạng buồn bã thì nó trở thành một miếng sườn; còn nếu đang rất hưng phấn thì nó lại giống một miếng chân giò, chứ không phải nếu hôm nay con là cá thì nó mãi mãi sẽ là cá. Khi nhân sinh quan, giá trị quan và mức độ tiếp xúc với xã hội khác nhau thì trẻ sẽ có những thay đổi khác nhau, thậm chí thay đổi đến nỗi bạn không ngờ đến, tại sao đang từ một con cá nó lại biến thành một miếng chân giò được?
Tùy từng thời điểm, con cái sẽ biến thành những nguyên liệu khác nhau, chúng ta cần tùy cơ ứng biến để chế biến chúng theo những cách khác nhau. Vì thế các bậc phụ huynh cũng phải không ngừng học hỏi và tiến bộ, những món không biết chế biến, chúng ta có thể đọc sách, lên mạng tìm hiểu hoặc học hỏi từ những người xung quanh.
Không có con cá nào giống con cá nào
Bạn hãy bế con đứng trước bể cá và coi con là một chú cá. Phải chăng con cá nào trong bình cũng giống nhau? Không phải. Có con bơi chậm rãi, chỉ chúc đầu xuống tìm thức ăn; có con bơi vô định, bơi tới bơi lui; có con béo nhưng cũng có con gầy. Khi không thể nhìn thấy con của chính mình, thì chúng ta chẳng khác gì ếch ngồi đáy giếng, chỉ thấy khoảng trời ở trên đầu mà không thấy khoảng trời của con.
Chẳng có con cá nào giống con cá nào, vậy tại sao bố mẹ cứ bắt con mình phải đạt điểm 10? Nếu ai cũng đạt điểm 10 thì điểm 9 sẽ thuộc về ai? Thế nên người Do Thái không quá đề cao sự so bì ganh đua. Mỗi đứa trẻ là duy nhất, là khác biệt, chúng ta cần có những đòi hỏi khác nhau với chúng, đừng bắt con mình phải giống hệt với những đứa trẻ khác.
Mùi vị hôm nay sẽ khác hôm qua
Ngoài ra, trong quá trình chế biến cũng cần ghi nhớ một điều: cùng là một món ăn như vậy, nhưng có thể mùi vị của hôm nay sẽ khác so với hôm qua, bởi tâm trạng của bạn khi nấu nướng luôn thay đổi. Trong việc nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái cũng vậy, tâm trạng của phụ huynh là vô cùng quan trọng. Nếu hôm nay tâm trạng tốt, món ăn bạn làm ra sẽ rất ngon; ngược lại nếu tâm trạng không tốt thì mùi vị của món ăn đó sẽ không được như ý, dù đó chỉ là một sự khác biệt rất nhỏ, nhiều hơn một chút dầu hay thiếu đi một chút muối.
Khi chọn nguyên liệu, bạn cũng cần xem xét xem nguyên liệu ấy đã đủ độ “chín” hay chưa. Nếu đó là một con cá, bạn chưa đợi nó lớn đã vội đem ra chế biến thì chưa chắc đã ngon. Thứ bạn cần lúc đó là nước và thời gian để nuôi nó mau lớn và sự kiên nhẫn của bạn. Mỗi đứa trẻ có những trí thông minh khác nhau, sự khác biệt giữa thiên tài và nhân tài chỉ nằm ở chỗ: Thiên tài tìm được con đường đi phù hợp với năng lực của mình.
Nấu nướng cần chú ý độ to nhỏ của lửa, giáo dục con cái cũng vậy, không phải lúc nào cũng cần dùng lửa to, nhiều lúc chỉ cần dùng lửa nhỏ để ninh nhừ. Đối với việc dạy dỗ con cái, phụ huynh cũng phải biết lỏng, chặt cho phù hợp.
Trong quá trình nấu nướng, tâm trạng là yếu tố rất quan trọng, nếu tâm trạng tốt thì món ăn bạn nấu ra chắc chắn sẽ ngon hơn. Quá trình dạy dỗ con cái cũng vậy, các vị phụ huynh cần quan sát, tìm ra hứng thú của con và chấp nhận nó chứ không phải cứ đem những điều mình mong muốn áp đặt lên con. Có như vậy, bạn mới có được tâm trạng tốt nhất để dạy dỗ con, không khí gia đình vì thế mới hòa thuận, con cái cũng học tập vui vẻ và tự giác hơn.
Thảo Nguyên TTT – ảnh internet