Những bia đá nằm lạnh lẽo nơi vạt ruộng hoang vu ở Mường Thếch cất giấu hồi ức về một dòng họ quan lang giàu có thời xưa vẫn thường được người ta nhắc đến với sự huyền bí.
Chuyện dùng trinh nữ yểm bùa khi mai táng tưởng chừng chỉ có trong phim ảnh hay những truyền thuyết xa xôi, nhưng nó thực sự hiện hữu ở khu nghĩa địa đá Đống Thếch, Hòa Bình. Bao đời nay, nơi này vẫn cất giấu nhiều điều bí ẩn, khiến bất cứ ai đến đây cũng phải rợn tóc gáy, nhất là những kẻ có ý định trộm mộ, đào bới cổ vật.
Hàng trăm phiến đá nhấp nhô ẩn hiện trong khu rừng mịt mờ sương gió khó thấy ánh dương mặt trời càng làm nơi này tăng thêm sự âm u khó tả. Hiện tại nơi này không còn nhiều phiến đá như xưa nữa, cũng không còn âm u mịt mùng dưới bóng rừng rậm, song vẫn chứa đầy bí ẩn, thu hút sự tò mò và kích thích những người yêu thích khảo cổ hay những giá trị xưa cũ.
Có thể nhiều người biết đến khu mộ đá Đống Thếch là “thánh địa” của nhà quan lang xứ Mường nhưng dưới lớp đất lạnh ấy có gì hoặc tại sao những phiến đá xanh nặng cả tấn có nguồn gốc từ Thanh Hoá lại “trôi” ra Hoà Bình, sừng sững nằm trên những nấm mồ của dòng họ Đinh thì không phải ai cũng biết.
Sự huyền bí của khu mộ Đống Thếch
Nằm lạnh lẽo ở khu ruộng đồi tại xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, nghĩa địa đá Đống Thếch luôn thu hút sự tò mò. Người ta nói đây là nơi mai táng của dòng họ Đinh – một dòng họ giàu có hùng mạnh của xứ Mường Động xưa.
Những cột đá xám chứa đựng bao sự bí ẩn, trải qua thăng trầm vẫn ngạo nghễ đứng trước sương gió. Mặc dù những dòng chữ được khắc trên đá phần nào đã bị thời gian xóa nhòa, nhưng phủ lên những cột đá ấy ngoài sự rêu phong còn là cảm giác hoang lạnh đến rùng mình, nhất là vào những đêm đông mưa lạnh.
Đối với người dân nơi đây, khu mộ đá của xứ Mường Động cực kỳ linh thiêng. Theo các cụ thời xưa, nơi đây phong thủy tốt, đất hướng hình miệng rồng. Táng xuống đất này thì long mạch phát, con cháu đời sau được hưởng nhiều phúc báu.
Khu nghĩa địa với hàng trăm cột đá lớn nhỏ, cao thấp tùy thuộc vào chức sắc và địa vị trong dòng tộc. Những truyền thuyết xoay quanh những mộ đá này đến ngày nay vẫn còn chứa nhiều điều người ta không giải thích được. Nhưng câu chuyện về dòng họ quan lang giàu có nhất xứ Mường vẫn hiển hiện theo tiếng gió lan tận đến nhiều vùng xa xôi.
“Thánh địa” bị đánh thức
Xứ Mường khi ấy có bốn vùng rộng lớn gồm Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động thì dòng họ Đinh cai quản vùng Mường Động.
Vùng Mường Động xưa kia rừng núi âm u, hoang vắng, chẳng mấy khi có bóng người sinh sống, cây cối um tùm đến nỗi bóng nắng không lọt được tới. Và cứ thế, những câu chuyện đậm chất liêu trai truyền miệng ngày càng được thêu dệt, huyền bí lại càng thêm huyền bí.
Người ta kể rằng, những đêm trăng tròn, ánh sáng vằng vặc trườn quanh các kẽ đá tạo nên những cái bóng kỳ quái, thêm tiếng gió ngàn vù vù thổi xuống nghe như tiếng tù và của người hành quân khi gần khi xa, khi văng vẳng khi ầm ầm. Ai lỡ xâm phạm đặt chân vào vùng đất này sẽ bị những cột đá này làm xuất hiện ảo ảnh, đầu óc quay cuồng không biết đường ra…
Những mẩu chuyện về nơi này giờ đây chủ yếu được các cụ cao niên truyền lại. Chưa bàn đến chuyện đáng tin hay không, chỉ nghe thôi cũng đủ khiến hậu thế mắt tròn mắt dẹt. Chẳng hạn như đoàn người ngựa dừng chân nghỉ ở khu cột đá, đến khi mặt trời ló dạng, chỉ còn thấy đống hành lý ngựa lang thang gặm cỏ, còn không thấy người đâu. Hoá ra đây là đoàn người đi tìm cổ vật. Hoặc như câu chuyện của một gia đình “tham lam” long mạch của khu thánh địa. Họ liều mình đem mộ người thân vào khu mộ chôn cất mong rằng con cháu đời sau được hưởng “ké” tài lộc. Nhưng không ngờ cả nhà sau đó đều bị điên phải mời thầy mo cao tay về cúng, tạ tội xin chuyển mộ đi nơi khác mới yên.
Rất nhiều những câu chuyện tương tự như vậy được đồn thổi khiến khu “thánh địa” của dòng họ Đinh ngày càng trở nên linh thiêng, bất khả mạo phạm. Năm 1974, Viện Khảo cổ học – Viện hàn lâm khoa học Việt Nam đã tùng khảo sát khu “thánh địa” này, cho thấy khu mộ gần như nguyên vẹn với hơn 100 ngôi mộ và cả ngàn phiến đá có khắc chữ Hán. Nhưng phải đến 10 năm sau, công việc khai quật mới được tiến hành. Khi các nhà nghiên cứu và khảo cổ đến nơi thì các ngôi mộ đã bị đào bới và trộm “khoắng” rất nhiều trước đó.
Ngôi mộ lớn được tìm thấy có khi còn đến 18 phiến đá xung quanh. Các cột đá này nhô lên khỏi mặt đến đến cả 2-3m, còn cột nhỏ chỉ tầm nửa mét. Mỗi ngôi mộ đều chôn 3 cột đá cao phía trước, 3 cột đá nhỏ hơn ở phía dưới và hai bên là các phiến cao thấp không đều nhau. Các nhà khảo cổ còn tìm ra nơi đây có hai tuyến mộ khác nhau. Khu mộ A không có quan tài, khu B thì có dấu hiệu của chủ nhân an nghỉ bên dưới. Điều này thể hiện lễ thức tang ma của người Mường có hai mộ, mộ chôn thật và mộ còn lại là giả. Cả khu nghĩa địa đá này có đến hàng trăm ngôi mộ, nhìn từ xa nhấp nhô cứ như dáng người đứng ngồi. Nhìn vào những đêm trăng sáng hoặc mưa bão mùa đông càng khiến người ta rờn rợn.
Theo tìm hiểu trong tài liệu ghi chép lại của dòng họ Đinh, nằm dưới ngôi mộ không chỉ có thi thể của quan lang, các đồ quý, vật dụng quen thuộc của quan mà còn có cả “trinh nữ”. Những cô gái xinh đẹp còn trinh tiết, theo quan niệm, khi sang thế giới bên kia cùng quan lang ngoài nhiệm vụ hầu hạ còn được xem như thần giữ của. Sau khi ngôi mộ được khai quật, người ta cũng tìm thấy nhiều hình nhân. Có thông tin cho rằng, những hình nhân này đều được ngâm trong chất cực độc, kẻ nào chạm vào sẽ bị độc ngấm vào người. Điều này để ngăn chặn những kẻ trộm mộ có ý định khai quật mộ để tìm vật báu.
Dấu tích của một thời phồn vinh
Đống Thếch không chỉ là một nét riêng độc đáo trong phong tục mai táng mà còn mang đặc trưng văn hóa của xứ Mường. “Đống” chỉ nơi mồ mả hoang vu ít người lui tới. “Thếch” là một địa danh cổ của người Mường. Đống Thếch là một thung lũng nhỏ, vây quanh là ba mặt đồi tạo nên bồn địa cao ráo. Phía Bắc Đống Thếch giáp núi Chùa, phía Tây là đồi Ông Nội, phía Nam giáp Nà Thếch và suối Thếch, phía Đông giáp ruộng Pạng Đông.
Những mộ cổ này mai táng người thuộc dòng họ Đinh. Ở mỗi mộ sẽ đều có phiến đá khắc bằng chữ Hán ghi tên, tuổi, chức sắc của người an nghỉ. Đồng thời trên phiến đá còn có thông tin về ngày tháng dựng mộ, hình ảnh con vật và những thông tin quan trọng khác.
Tại một cột đá lớn, theo bản dịch có dòng chữ nội dung như sau: Ông Đinh Công Kỷ, tước Uy Lộc hầu, thổ tù kiêm cai quản vùng Mường Động. Sinh năm 1592, mất giờ Sửu ngày 13/10/1647. Khi mất ông được ban tước Chưởng vệ đề đốc Uy quận công. Ngày 22/2/1650 được đưa về huyệt trên núi bằng “15 xe tang, 7 con voi, 5 con ngựa, cả ngàn người khóc thương, tiếng cồng chiêng vang dội cả vùng đất này”.
Những phiến đá ở Đống Thếch đều được chuyển từ tận vùng Ngọc Lặc, Thanh Hoá về.
Lý do tại sao những phiến đá xanh tận Thanh Hoá lại có mặt ở Đống Thếch, dựng trên nấm mồ của dòng họ Đinh thì phải kể đến lịch sử của dòng họ này.
Điều này được tìm thấy trong quyển gia phả của dòng họ Đinh viết bằng chữ Hán do ông Đinh Công Bàng phụng soạn năm 1724. Theo thông tin trong gia phả và truyền thuyết, từ xa xưa, người khai lập ra dòng họ Đinh là Đinh Như Lệnh làm thổ tù ở xã Vĩnh Đồng. Ông sinh được hai người con trai là Đinh Quý Khiêm và Đinh Văn Hương.
Khiêm kế tục nghiệp cha, có công phò giúp triều Lê thời dựng nước được ban “Phụ quốc tướng quân Khiêm nghĩa hầu”, làm quan coi sóc xứ Sơn Tây. Thời thế yên bình trở về được cầm quân, vừa trị dân làm nông, khi có loạn biến thì đánh giặc, đời sau cứ như vậy.
Khiêm sinh được con trai Đinh Như Luật. Luật lấy vợ sinh được con trai là Đinh Như Phúc. Phúc sinh được con trai là Đinh Văn Thịnh và con gái Đinh Thị Đỏ. Thịnh kế nghiệp thổ tù, đến khi mất không có con thừa tự. Con gái Đỏ lấy chồng ở xã Vĩnh Đồng sinh được con trai Đinh Văn Thiệu.
Thiệu vốn thông minh lại được người dân yêu mến nên vẫn được kế nghiệp nhà ngoại. Thiệu sinh được Đinh Văn Khương nhưng không may mất sớm. Người thiếp của Thiệu là Bùi Thị Thời sinh được con trai tên Đinh Như Cương. Do thế đơn độc, con lại còn nhỏ bị kẻ cường hào khinh khi, mưu đồ ép cướp lấy vợ và nuốt cơ nghiệp.
Người thiếp sợ hãi mang con trốn tới thôn Khang, xã Phù Liêm, huyện Lạc Thổ, Thanh Hoá. Sau gặp thời vua Lê chúa Trịnh được ban chức “Trịnh nguyên soái”. Đinh Văn Cương chiêu mộ binh tướng đi theo việc nghĩa nên được sắc “Phá lỗ tướng quân Triều Đồng hầu” phụng mệnh giữ chốn biên thuỳ phía Bắc. Được hơn 7 năm xin lui về thì được ban cai quản dân binh của 7 xã. Sau đó, Cương được phong Phụ quốc Thượng tướng quân tước Uy lộc hầu, giữ chức Phiên thần. Cơ nghiệp dòng họ Đinh từ ấy mà ra.
Cương lấy 6 người vừa thê vừa thiếp. Chính thất sinh được Đinh Công Kỷ và Đinh Công Kế. Kỷ kế nghiệp làm thổ tù, cũng được phong sắc là Đề đốc Uy lộc hầu, đời đời làm phiên thần. Kỷ có công phò tá vua Lê trung hưng vừa đánh giặc vừa xây dựng triều chính, là tướng tài của Trịnh Kiểm. Nhờ có công với nước mà cha ông Đinh Văn Cương được phong tước Quận công. Và từ ấy, dòng họ Đinh Công được khai lập từ Đinh Công Kỷ.
Lập công lớn nên lúc mất, Kỷ được mai táng theo tước hầu. Khi ấy, quan tài dùng bằng gỗ quý của vùng, chính là gỗ trám đen. Bên ngoài sơn son thếp vàng và chôn theo nhiều đồ quý. Để tỏ lòng tri ân, nhà Lê đã cho chuyển nhiều đá xanh từ Thanh Hoá ra Mường Động làm cột mồ.
Địa vị vững chức của dòng họ Đinh Công cha truyền con nối vùng sơn cước ấy đã hình thành nên khu mộ đá đặc trưng. Nơi đây mai táng những người làm quan trong dòng tộc, đặc biệt có mộ của Đề đốc Uy lộc hầu Đinh Công Kỷ.
Thăng trầm phong ba của lịch sử đi qua, khu mộ quan lang Mường Động nay chỉ còn “vang bóng một thời” nhưng vẫn khảm sâu vào con cháu dòng họ Đinh và cả người dân quanh vùng những chiến tích một thời. Khu mộ cổ được bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích khảo cổ cấp quốc gia vào năm 1997. Những phiến đá lừng lững nơi non cao ấy tựa như chứng tích về quyền lực một thời của dòng họ Đinh.
Theo Minh Dương–Theo Phụ nữ mới