Ẩn sau sự phát triển bùng nổ với rất nhiều toà nhà cao chọc trời ở Thâm Quyến là công sức của rất nhiều công nhân đến từ những huyện nghèo của tỉnh Hồ Nam. Họ đã phải đánh đổi sức khoẻ của mình vì đồng tiền, để rồi….
Xu Chunlin từng đứng trên một cây cầu ở Thâm Quyến trong giờ cao điểm. Cùng với ông là 80 người công nhân khác cũng ở tình cảnh tương tự, khi đó họ do dự có nên nhảy xuống hay chờ chết vì bệnh phổi.
Cuộc hành trình đưa họ đến cây cầu này bắt đầu vào đầu những năm 1990. Khi ấy, những công nhân này còn trẻ và khoẻ mạnh, họ từ Hồ Nam chuyển đến Thâm Quyến để làm những công việc chân tay nặng nhọc, cụ thể là thợ khoan, để phục vụ cho mục đích phát triển thành phố này của chính quyền.
Nhiều người lao động gốc Hồ Nam đã quần quật làm việc hàng năm, thậm chí là hàng thập kỷ, để xây dựng các tuyến tàu điện ngầm và nền móng của cả thành phố Thâm Quyến. Dẫu vậy, họ không hề biết những chiếc khẩu trang mỏng manh được cung cấp là vô dụng, không thể giúp họ tránh được bệnh bụi phổi silic.
Hơn 100 công nhân từ Hồ Nam đã chết vì căn bệnh này trong suốt 10 năm qua. Bụi phổi silic là một loại bệnh không thể chữa trị do các hạt bụi đi vào phổi, gây sẹo và cứng phổi. Theo trưởng nhóm công nhân này, hiện tại, khoảng 600 người trong số họ đang từng ngày đấu tranh với căn bệnh hoặc chờ chết.
Thậm chí, những người này còn đang chìm trong nợ nần, dành toàn bộ số tiền tiết kiệm ít ỏi của họ để chữa bệnh và đòi chính quyền bồi thường. Tài liệu của địa phương cũng cho thấy 290 người dân ở tỉnh Hồ Nam, chủ yếu là ở Tang Thực, bị bệnh bụi phổi siliic.
Giành những năm tháng tuổi trẻ để xây đắp 1 thành phố
Năm 1980, chính phủ Trung Quốc chọn Thâm Quyến, với 30.000 người sinh sống và làm việc, làm nơi thử nghiệm thị trường tự do của đất nước. Sau vài thập kỷ phát triển bùng nổ, nơi này đã được “bao phủ” bởi những nhà máy công nghệ cao cùng rất nhiều toà nhà chọc trời và được mệnh danh là “Thung lũng Silicon” của Trung Quốc.
Đối với Xu Chunlin, khi đó, Thâm Quyến là một con đường để thoát nghèo, giúp ông thoát ly khỏi quận Lỗi Dương – tỉnh Hồ Nam. Năm 1989, ông cùng 4 người anh em đến Thâm Quyến để làm việc cho các khu xây dựng. Khi quay trở về vào dịp Tết Nguyên đán, ông mang theo 5.000 CNY (710 USD tính theo thời điểm hiện tại) về quê và sử dụng toàn bộ để mua gần 1,5 tấn gạo cho gia đình.
Trong vòng 4 năm, Xu là đóng vai trò là người “môi giới”, ông giới thiệu những người dân trong làng đến Thâm Quyến làm việc. Ông chia sẻ: “Mọi người trong làng đều muốn tìm đến tôi bởi tôi có thể mang đến việc làm cho họ. Các ông chủ ở Thâm Quyến muốn tìm đến tôi vì tôi mang cho họ công nhân.”
Nhóm công nhân đến từ Hồ Nam đều kiếm tiền nhờ những chiếc máy khoan cầm tay và chất nổ để đào móng, đôi khi sâu tới 45m. Sau đó, họ đổ bê tông vào những hố đó để xây móng cho các toà nhà.
Zhong Pinxie – một công nhân từng làm việc ở Thâm Quyến nhớ lại việc những ông chủ đưa họ ra các khu xây dựng mà hầu như không được đào tạo, chỉ nói vỏn vẹn 1 câu: “Cẩn thận và chú ý an toàn.” Thậm chí, ông còn không đeo bịt tai hay kính bảo hộ khi xuống đào hố. Tuy nhiên, cho đến năm ngoái, khi đi chụp X-quang, ông mới phát hiện 2 lá phổi đang bị bao phủ bởi một số hạt nhỏ và mờ, đó chính là dấu hiệu của bệnh bụi phổi silic đã nặng hơn.
Những ngôi nhà “ma”
Gu Zhongping – một thợ đào đến từ Hồ Nam từng làm việc tại Thâm Quyến, chia sẻ: “Mọi người đều xây những căn nhà lớn, nhưng không có ai sống ở đó.”, đó là bởi hầu hết trong số họ đều đã qua đời hoặc cuộc sống chỉ còn tính bằng ngày, bằng tháng.
Gu Hejian, ngôi nhà có treo bức ảnh cưới của con trai, sẽ không còn sống được bao lâu nữa. Zhong Yichuan, sống sau một cửa hàng, đã qua đời 2 năm trước. Wang Zhaogang qua đời hồi tháng 4 và được 10 đồng nghiệp cũ – cũng đang mắc bệnh bụi phổi silic, chôn cất.
Hơn 26 thợ đào ở huyện Tang Thực đã qua đời vì bệnh phổi kể từ năm 2009, theo lời kể của người dân nơi này. Họ còn cho biết số lượng người rơi vào cảnh tương tự đang gia tăng, với khoảng 100 người đang mắc bệnh nặng. Ở 2 huyện khác của Hồ Nam, là Lỗi Dương và Mịch La, khoảng 200 người từng làm việc ở Thâm Quyến đều được chẩn đoán là mắc căn bệnh tương tự.
Triệu chứng của bệnh này không xuất hiện ngay lập tức mà chỉ có thể nhận ra sau nhiều tháng, thậm chí là vài năm. Sau đó, bệnh nhân sẽ gặp khó khăn trong việc đi lại và nói chuyện. Họ thường bị khó thở khi nằm và phải ngủ ngồi với máy trợ thở bên cạnh. Ở giai đoạn nặng hơn, người bệnh thở khò khè, sụt cân, rất dễ bị cảm và sốt. Cái chết đối với họ chỉ là chuyện sớm muộn.
Hành trình đi tìm công lý
Tuy nhiên, ông Xu cho biết các công ty hay thậm chí chính quyền chưa từng công bố nguyên nhân, hậu quả của căn bệnh này. Đến năm 2009, khi truyền thông bắt đầu đưa tin về tình cảnh của những thợ khoan, thì đây mới trở thành một vấn đề không thể trốn tránh. Các nhóm công nhân từ Lỗi Dương cũng kéo đến Thâm Quyến để đòi bồi thường.
Sau đó, giới chức đồng ý đền bù mỗi công nhân 15.000 USD, với điều kiện họ chứng minh được công việc. Dẫu vậy, hầu hết trong số họ không có giấy tờ đầy đủ, lương được trả bằng tiền mặt. Theo khảo sát của Love Save Pneumoconiosis, chỉ 7% những công nhân mắc bệnh bụi phổi ở Trung Quốc từng ký hợp đồng với công ty.
Từ đầu năm 2018, ông Xu cùng các thợ khoan mắc bệnh đã kéo đến Tham Quyến hơn 10 lần để yêu cầu bồi thường. Quá tức giận, họ đã xông vào trụ sở của chính quyền và đề nghị gặp thị trưởng Thâm Quyến vào đầu tháng 11 năm ngoái. Cảnh sát sau đó phải can thiệp và dùng hơi cay để giải tán đám đông, nhưng vô tình khiến bệnh phổi của họ trầm trọng hơn. Những người này tập hợp trên cây cầu vượt cao gần 10m và đe doạ sẽ tự tử. Cuối cùng, giới chức đã phải xuống nước và đồng ý bồi thường cho họ từ 17 nghìn đến 35 nghìn USD, cùng chi phí chữa trị.
Đến cuối năm ngoái, 70 người trong làng Lỗi Dương đã qua đời, 6 người mắc bệnh bụi phổi silic tự tử vì quá bế tắc. 4 người anh em của ông Xu cũng ra đi, người trẻ nhất là 26 tuổi. Chính ông Xu cũng bị chẩn đoán mắc bụi phổi giai đoạn cuối, dù không còn thiếu thốn về vật chất như trước đây. Do đó, người dân trong vùng nông thôn ở Hồ Nam đều cảm thấy tức giận và chán nản.
Ông Xu chia sẻ, ông không ngờ rằng công việc mà ông giới thiệu đến những người hàng xóm, những người anh em thân thiết lại mang đến hậu quả đáng buồn như vậy. Nhiều gia đình thậm chí còn đổ lỗi và nguyền rủa ông. 2 năm qua, ông Xu đã chi 12 nghìn USD để hỗ trợ cho những công nhân đến Thâm Quyến để bồi thường, thường xuyên chia sẻ lời khuyên cho những người đồng cảnh ngộ trên khắp cả nước và giúp đỡ những goá phụ có chồng từng cùng làm việc với ông. Điều ông Xu muốn không phải đòi tiền, mà là cho nhiều người thấy được nguyên nhân của căn bệnh này.
Những gì đã xảy ra với các thợ khoan đến từ Hồ Nam phản ánh 2 câu chuyện hoàn toàn đối lập ở xã hội Trung Quốc hiện nay. Câu chuyện thứ nhất là những toà nhà chọc trời họ góp công xây dựng thể hiện cho sự giàu có và tiềm lực lớn của tầng lớp trung lưu. Mặt còn lại là những người dân sống ở vùng nông thôn, sống khổ sở trong điều kiện khắc nghiệt và hơn hết là không có tiếng nói.
Theo Trí Thức trẻ