Sau khi Lưu Bá Ôn thiết kế lại phong thủy, ngôi làng này đã không còn phải chịu thiên tai hàng năm nữa.
Có một ngôi làng ở Chiết Giang, Trung Quốc nổi tiếng với những câu chuyện kỳ lạ trải dài suốt hàng trăm năm. Ngôi làng này do Lưu Bá Ôn, một công thần khai quốc của nhà Minh hay còn được mệnh danh là “thần cơ diệu toán” của thời phong kiến Trung Quốc.
Lưu Bá Ôn (1310-1375), tên thật là Lưu Cơ, tên tự là Bá Ôn, thụy hiệu Văn Thành là một trong những nhân vật có nhiều huyền thoại. Lưu Bá Ôn từ nhỏ đã xuất chúng hơn người, thầy giáo của ông là Trịnh Phục Sơ từng nói với cha ông rằng: “Tổ tiên của tiên sinh tích đức, đứa bé này nhất định sẽ làm rạng danh tổ tông gia tộc họ Lưu”.
Lưu Bá Ôn là người huyện Thanh Điền (nay là huyện Văn Thành), tỉnh Chiết Giang. Lưu Bá Ôn am hiểu kinh sử, học rộng hiểu nhiều, đặc biệt tinh thông “Dịch Kinh” tướng số, chiêm tinh học. Đương thời có câu khen ông là: “Thông binh pháp ai hơn Tôn Võ – Giỏi thiên văn phải kể Lưu Cơ” . Người đời sau thường so sánh ông với Gia Cát Lượng Khổng Minh.
Về thuật phong thủy của Lưu Bá Ôn, tuy “Lưu Cơ truyện” trong bộ Minh sử không ghi chép gì nhưng dân gian thì lưu truyền rất nhiều chuyện. Có thể kể đến chuyện Lưu Cơ chọn đất xây cung điện trong “Anh liệt truyện” , khi đó ông đang giữ chức Ngự sử trung thừa. Chu Nguyên Chương dự định đóng đô ở Kim Long, Lưu Cơ chọn đất ở hồ Trúc Tiền làm nền chính điện, nhưng Chu Nguyên Chương nói nơi này quá nhỏ, muốn nới rộng mặt bằng. Lưu Cơ biết chuyện chỉ nói: “Sau này nhà Minh còn phải dời đô đi nơi khác.” Quả nhiên về sau Minh Thành Tổ phải dời đô đến Bắc Kinh, lời Lưu Cơ quả thật ứng nghiệm. Trong “Lạc dao tư ngữ” cũng viết về chuyện ông cùng các thầy phong thủy huyện Hải Diêm bàn luận về long mạch ở Trung Hoa. Có rất nhiều giai thoại nói về tài năng địa lý của ông.
Ngôi làng được thiết kế hình thái cực đồ
Ngôi làng được Lưu Bá Ôn thiết kế đó có tên là Du Nguyên ở huyện Vũ Nghĩa thuộc thành phố Kim Giang ở tỉnh Chiết Giang. Ngôi làng này có niên đại lên tới 800 năm tuổi. Đứng từ trên cao nhìn xuống, chúng ta có thể thấy rõ bố cục theo hình thái cực đồ của ngôi làng. Cụ thể, ngôi làng nằm giữa những ngọn núi với một dòng suối uốn lượn hình chữ S phân cách nó thành 2 phần âm dương.
Theo những cư dân sống trong ngôi làng, trước khi Lưu Bá Ôn cải tạo thiết kế ngôi làng, tổ tiên của họ thường xuyên phải chống chọi với thiên tai, dịch bệnh… Vào một ngày nọ, Lưu Bá Ôn đi qua ngôi làng này vô tình gặp Du Lai – bạn học cũ của mình. Sau khi nghe Du Lai kể lại, Lưu Bá Ôn đã xem xét phong thủy thì nhận thấy ngôi làng bị một dòng suối chạy thẳng qua nên dân làng gặp nhiều tai ương như vậy.
Lưu Bá Ôn sử dụng bố cục bát quái này có dụng ý là giúp cho ngôi làng Du Nguyên tránh được thiên tai, lũ lụt. Dòng suối đã được cải tạo thành hình dạng uốn lượn theo bố cục 12 cung hoàng đạo với núi ở xung quanh, ở vị trí của âm ngư Thái Cực đồ có trồng một cây sồi trắng. Hiện nay, cây sồi này đã trải qua hơn 600 năm, cao 27 – 28 m.
Ngoài ra, Lưu Bá Ôn cũng đã điều chỉnh bố cục xây dựng nhà cửa trong thôn, dựa vào hình của 7 ngôi sao Bắc Đẩu để đào ra 7 giếng nước, 7 cái ao, đồng thời căn cứ vào bố cục Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ để đưa ra quy hoạch cho kiến trúc trong thôn. Những chiếc ao này có hình như những cái gáo lớn với mức nước khác nhau chuyên dùng để phòng hỏa hoạn rất hiệu quả.
Các ngôi nhà trong thôn đều được Lưu Bá Ôn thiết kế riêng biệt. Trong ngôi làng, ông đã cho dựng 28 lễ đường được sắp đặt đối ứng với nhị thập bát tú trong tinh tượng. Tất cả được sắp xếp theo Thương Long, ngôi sao ở phía Đông trong chòm Nhị thập bát tú.
Lưu Bá Ôn còn đặc biệt dặn dò Du Lai nhắc nhở người đời sau nếu xây dựng nhà ở thì nhất định không được thay đổi cách thiết kế của ông. Vì sao ông lại để lại lưu ý như vậy?
Những chuyện lạ xảy ra sau khi Lưu Bá Ôn thiết kế lại ngôi làng
Mặc dù khung cảnh của ngôi làng Du Nguyên rất đẹp nhưng điểm thu hút du khách của nó chính là bởi sự huyền bí ở đây sau khi Lưu Bá Ôn cải tạo phong thủy.
Đầu tiên , người dân trong lòng nói rằng bố cục của ngôi làng không thể thay đổi. Mọi ngóc ngách của ngôi làng đều được Lưu Bá Ôn sắp xếp có dụng ý nên chỉ một sự thay đổi nhỏ sẽ khiến mọi thứ bị phá hủy. Chính điều này đã được Lưu Bá Ôn căn dặn trước đây. Quả thực, cách đây hơn 80 năm, một số dân làng đã lấp một cái ao để làm nhà nhưng ngay sau đó ngôi nhà bị sập, dù làm cách nào nó không thể dựng lại được. Cái ao này là một trong số 7 cái ao do Lưu Bá Ôn yêu cầu đào. Mọi người liền nhớ tới lời dặn của Lưu Bá Ôn nên họ vội đào và đổ đầy nước vào cái ao này.
Thứ hai , một trong số bảy cái giếng của làng Du Nguyên có thể “dự đoán” thời tiết. Mỗi khi trời có nắng, trong xanh thì nước giếng trong vắt, còn trời mưa thì nước lại đục ngầu. Vì thế, mọi người đã gọi nó là “giếng khí tượng”.
Thứ ba , trong tòa nhà cổ có tên Thanh Viễn Đường của ngôi làng có treo 9 con cá chép bằng gỗ. Những con cá chép này cũng có khả năng thay đổi màu sắc mỗi khi chuyển mùa.
Thứ tư , cứ vào ngày 26 tháng giêng âm lịch hàng năm, dù hôm đó trời có nắng gắt thế nào thì trời sẽ đổ một cơn mưa lớn đúng ngày này. Theo lý giải của dân làng, đâu là ngày sinh nhật của cong thần trị thủy Lý Băng nên ông trời đã ban mưa xuống.
Thứ năm , những ngôi nhà trong làng Du Nguyên không có bụi trên xà nhà, không có mạng nhện, không có sự xuất hiện của ruồi hay muỗi, không có chim đậu lại qua đêm và đặc biệt không khí trong nhà luôn mát mẻ bất kể ban ngoài có nóng tới đâu. Người dân vẫn tin rằng, những chuyện lạ xảy ra trong ngôi làng đều có liên quan đến thiết kế âm dương bát quái mà Lưu Bá Ôn đã sắp xếp.
Ngày nay, ngôi làng Du Nguyên đã trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng của người dân Trung Quốc. Chính bố cục và những câu chuyện bí ẩn chưa được giải đáp của ngôi làng đã thu hút hàng nghìn lượt du khách ghé thăm nơi này mỗi năm.
Theo Phụ nữ mới