Người xưa tin rằng, mộ phần rất quan trọng, phong thủy ở đây tốt hay xấu sẽ ảnh hưởng đến sự thăng trầm của gia tộc. Khổng Lâm (nghĩa trang của gia tộc họ Khổng) là một bảo địa có phong thủy như vậy. Nơi đây chôn cất bảy mươi bảy thế hệ họ Khổng kể từ đời Khổng Tử.
Lăng mộ của Khổng Tử là kiến trúc chính trong Khổng Lâm và cũng là trung tâm của cả nghĩa trang này. Mộ của Khổng Tử nằm ở giữa khu, hơi lệch về phía nam, phía đông tây dài 30 mét, phía bắc nam rộng 28 mét, cao 5 mét. Trước lăng có 2 tấm bia đá. Bia trước khắc “Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương Mộ”, bia sau khắc chữ “Tuyên Thánh Mộ”, phía trước bia có đá thú tội, ao rượu, bệ thờ bằng đá, tường gạch hoa…
Trên thực tế, lăng mộ của Khổng Tử mà chúng ta thấy hiện nay là một công trình vào thời nhà Nguyên và nhà Minh. Khi Khổng Tử qua đời, việc mai táng diễn ra khá đơn giản. Cho đến năm Vĩnh Thọ thời Đông Hán (năm 155), Lỗ Tương Hán sửa sang lại lăng mộ Khổng Tử, đổi gạch và bệ thờ trước lăng thành đá, xây 1 cổng thần phía trước lăng, xây 3 sảnh ở phía đông nam. Về sau, mỗi triều đại đều sửa lại một chút và hiện tại có diện mạo như hiện nay.
Những người có thể được an táng ở Khổng Lâm đều là con cháu trực hệ của dòng họ Khổng. Những ngôi mộ nằm gần mộ Khổng Tử đều là con cháu ruột của ông. Phía đông của lăng mộ Khổng Tử là mộ của Khổng Lý con trai Khổng Tử, phía nam là mộ của Khổng Cấp, cháu trai Khổng Tử. Kiểu bố trí lăng mộ này gọi là bế con ôm cháu.
Tại khu mộ này có rất nhiều chuyện thần bí xảy ra, trong đó điển hình nhất là hiện tượng hàng nghìn con quạ đen tới làm tổ ở Khổng Miếu, nhưng ở Khổng Lâm lại không có một con nào. Quạ thường được coi là loài chim điềm báo. Nơi ưa thích của những loài chim này là nghĩa trang. Đặc biệt là vào thời điểm năm mới, những cây cổ thụ cao vút, rợp bóng ở đây thường xuất hiện cả đàn quạ.
Nhưng những con quạ này lại không dám bay vào Khổng Lâm. Những người đã từng đến Khúc Phụ có lẽ đã thấy hiện tượng này. Tại đền Khổng Tử có một đàn quạ rất đông sớm tối bay về, tiếng kêu râm ran cả vùng, nhưng trong Khổng Lâm thì tới một con quạ cũng không thấy. Một số người lớn tuổi cho biết, việc này có liên quan tới “đội quân quạ” của Khổng Tử.
Sinh thời, Khổng Tử đã từng chu du rất nhiều nước trong hơn mười năm, nhưng không có quốc gia nào áp dụng ý tưởng của ông. Lúc này, Khổng Tử đã bước qua sinh nhật thứ sáu mươi, nên ông quyết định trở về quê hương Khúc Phụ viết sách và an hưởng tuổi già. Một ngày nọ, khi xe ngựa của ông đến Ni Sơn thì bất ngờ bị bọn cướp tấn công. Mặc dù các đệ tử của Khổng Tử đã chiến đấu hết sức mình nhưng vẫn bị đánh bại vì bọn cướp quá đông và hung hãn.
Trước tình cảnh đó, Khổng Tử thở dài than rằng: “Không lẽ Khổng Khâu ta đã vất vả một đời, ý chí quật cường mà giờ lại bị chết dưới tay bọn cướp này hay sao? Trời muốn diệt ta rồi!”. Lời nói chưa dứt, chỉ nghe thấy tiếng kêu rít lên từ xa ập tới, trời chập choạng tối, không phân biệt được phương hướng. Trong chớp mắt, một bầy quạ lớn bay đến, chúng bay lượn vòng tròn trên không trung, đập cánh vào bọn cướp, khiến bọn cướp chạy toán loạn. Khổng Tử và các học trò được bầy quạ cứu nên rất biết ơn. Trên đường trở về Khúc Phụ, bầy quạ vẫn đi theo và hộ tống Khổng Tử về tận nhà. Kể từ đó, những con quạ này đã sống gần ngôi nhà cũ của Khổng Tử. Sau khi Khổng Tử qua đời, đàn quạ di chuyển vào Miếu thờ Khổng Tử và Khổng Phủ, thành người bảo vệ cho miếu, giúp trông coi nhà cửa cho con cháu Khổng Tử sau này. Người ta gọi những con quạ này là “Đội quân 3 nghìn lính quạ” của Khổng Tử.
Lý do những con quạ này không vào trong Khổng Lâm cũng rất dễ hiểu, vì quân lính sao có thể vào chỗ ở của chủ nhân được? Vì những con quạ này có công với thánh nhân nên ở Khúc Phụ quạ là loài không bị ghét bỏ.
Ngoài truyền thuyết này, còn có những lý do khác khiến quạ không vào trong Khổng lâm. Người ta nói rằng, việc này có liên quan đến các loài cây trồng ở Khổng Lâm. Ở đây có khoảng 100.000 loại cây như bách, hội, du, hòe, phong, dương, liễu, trinh nữ, ngũ vị, anh đào… bao gồm 22.746 cây cổ thụ như bách, hội, tùng… Quạ không thích mùi những cây này nên chúng chỉ bay bên ngoài khu Khổng Lâm.
Bên ngoài Khổng Lâm còn xây dựng một tấm bia cho một người ngoại tộc. Họ của người này là Vu, là con gái của Hoàng đế Càn Long. Người ta đồn rằng cô có một nốt ruồi trên mặt, thầy bói phán rằng: “Cô có họa suốt đời, phải gả cho người có phúc mới trừ được họa”. Triều đình cho rằng, chỉ con cháu của thánh nhân là phù hợp nhất. Do sự ngăn cấm kết hôn giữa Mãn Thanh và nhà Hán, Càn Long yêu cầu con gái mình nhận người đồng bảo trợ là đại học sĩ kiêm hộ bộ thượng thư Vu Mẫn Trung làm cha nuôi. Năm Càn Long thứ 37, tức năm 1772, con gái yêu của Càn Long, con nuôi của Vu Mẫn Trung kết hôn với Khổng Hiến Bồi, cháu trai đời thứ 72 của Khổng Tử.
Đạo Quang năm thứ 3 (1823), Vu Thị qua đời, được chôn cất tại Khổng Lâm cùng Khổng Hiến Bội. Đạo Quang năm thứ 5 (năm 1825), Hoàng đế Đạo Quang cho người đi làm lễ đã cho xây lên tấm bia này, trên đó có khắc chữ vào mặt trước, mặt sau viết bốn chữ vàng “Loan âm bầu đức” để thờ cúng dòng họ Vu. Vì thế đây trở thành bia Vu Thị.
Theo Sound Of Hope –Quỳnh Chi biên dịch