Gánh nặng bệnh tật liên quan tới dinh dưỡng ngày càng tăng lên chưa có điểm dừng khiến cho chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng lâm sàng, PGS. TS Trần Đình Toán rất lo ngại.
Người Việt đang mắc phải lỗi sai trong ăn uống
Theo PGS.TS.BS Trần Đình Toán, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng, Uỷ viên Hội đồng dinh dưỡng và thuốc Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương, trong 20 năm trở lại cơ cấu bệnh tật liên quan tới dinh dưỡng có sự thay đổi.
Các bệnh mãn tính không lây tăng. Nếu như bệnh mãn tính trước kia gặp nhiều ở các nước phát triển thì nay đã chuyển dịch dần sang các nước đang phát triển.
Các bệnh liên quan không lây nhiễm thường liên quan tới thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa có liên quan trực tiếp tới chế độ ăn uống.
Một số bệnh không lây có liên quan tới ăn uống như: tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, mỡ máu cao, bệnh gút…
- Ăn quá mặn
PGS.TS Toán cho biết, người Việt đang ăn quá mặn, chế độ ăn mặn có liên quan tới bệnh tăng huyết áp. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo không nên ăn quá 5gram muối một ngày, nhất là đối với người lớn tuổi, người bị bệnh tim mạch, bệnh thận.
Việt Nam là một trong những nước ăn mặn nhất ở Đông Nam Á. Người Việt bình quân ăn khoảng 9-10gram muối/ ngày, có những vùng miền giáp biển, làm muối người dân có thể ăn trên 10 gram muối/ ngày.
Viện dinh dưỡng Quốc gia nước ta đã có 1 nghiên cứu hẹp về ăn muối tại miền Trung, kết quả số lượng người mắc tăng huyết ở đây cao hơn so với vùng khác”, PGS.TS Toán nói.
Theo số liệu nghiên cứu tại Việt Nam người tăng huyết áp tính từ độ tuổi 15 tuổi trở lên thì cứ 3 người xấp xỉ có 1 người tăng huyết áp. Ở nhóm người có tuổi thì cứ 2 người có 1 người có vấn đề về huyết áp.
Hàng năm có rất nhiều người bị tai biến mạch máu não do huyết áp cao, đột quỵ, số lượng tử vong do hậu quả của bệnh lý này ngày càng tăng.
- Ăn nhiều chất bột đường (cơm)
Ăn quá nhiều chất bột đường gây ra thừa năng lượng dẫn tới thừa cân – béo phì. Hậu quả trước mắt là rối loạn chuyển hóa chất bột đường và gây ra bệnh lý tiểu đường.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 5% dân số bị đái tháo đường, tương đương với gần 5 triệu người. Đái tháo đường là bệnh lý có liên quan tới thói quen ít vận động, chế độ ăn nhiều bột đường, đồ ngọt, dầu mỡ.
Người Việt Nam từ xưa đến này vẫn gọi bữa ăn là ăn cơm “ăn cơm trưa, ăn cơm tối…”. Điều này cũng thể hiện trong bữa ăn chúng ta ăn gạo là chính. Hiện nay, lượng gạo tiêu thụ 1 người/ năm đã giảm so với trước kia những vẫn còn cao.
Ví dụ, trong một bữa ăn sẽ có rau, thịt, trứng, cá, hoa quả nhưng cơm vẫn chiếm tỷ trọng nhiều nhất.
“Chúng tôi đang khuyến cáo người dân ăn ít chất bột đường (cơm) chỉ nên vào khoảng 50-55% năng lượng khẩu phần và ít hơn. Người thừa cân, béo phì, tiểu đường sẽ được khuyến cáo ăn ít hơn.
Chúng ta hạn chế ăn chất bột đường nhưng không phải ăn càng ít cơm càng tốt (vì sẽ làm mất cân đối tỷ lệ các chất dinh dưỡng trong khẩu phần).
Trào lưu kiêng tuyệt đối ăn cơm cũng không đúng về mặt dinh dưỡng, tối thiểu con người phải ăn khoảng 50% chất đường bột cho cơ thể. Chất bột đường không chỉ cung cấp năng lượng mà còn tham gia vào tạo dựng các tế bào trong cơ thể”, PGS.TS Toán nói.
Cũng theo PGS.TS Toán, ông đã nhận được rất nhiều câu hỏi thắc mắc cho rằng ngày xưa các cụ ăn nhiều cơm (cơm là chủ yếu) mà không mắc bệnh mãn tính?
Vị chuyên gia này khẳng định, đúng là ngày xưa ăn chủ yếu là cơm, tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào chứng minh người xưa ăn nhiều chất bột đường nên ít bệnh. Bệnh lý rối loạn chuyển hóa trong cơ thể có nhiều yếu tố nguy cơ tạo ra mà ngày xưa những yếu tố nguy cơ này ít hơn bây giờ.
“Ngày nay các yếu tố như ít vận động, ăn nhiều thức ăn dầu mỡ, thức ăn giàu đạm, bánh kẹo, bia rượu…làm tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính.
Còn ngày xưa các cụ ăn nhiều cơm nhưng lao động bằng chân tay, đi bộ nhiều, di chuyển bằng đạp xe… hoạt động thể lực nhiều nên nguy cơ mắc bệnh cũng ít hơn bây giờ”, PGS.TS Toán giải thích.
- Thức ăn nhanh
Theo PGS.TS Toán cuộc sống hiện nay con người cũng tìm đến đồ ăn nhanh hơn đây cũng là nguy cơ gia tăng bệnh chuyển hoá.
Đồ ăn nhanh thường rất giàu năng lượng cho nên tích lũy mỡ nhanh gây ra tình trạng thừa cân béo phì và kéo theo hệ lụy cả rất nhiều bệnh lý mãn tính khác.
Gánh nặng bệnh tật từ ăn uống
PGS.TS Toán cho hay, gánh nặng bệnh tật do ăn uống không chỉ làm mất đi sức khoẻ, suy sụp tinh thần mà còn kéo theo chi phí tài chính tăng lên.
Ví dụ, bệnh nhân đái tháo đường sẽ phải uống thuốc suốt đời, một bệnh nhân đái tháo đường phải chi ít ra cũng 7-8.000đ tiền thuốc/ngày.
Hiện nay, chúng ta có khoảng 5 triệu bệnh nhân đái tháo đường, nếu 1 nửa số bệnh nhân phải dùng thuốc thì chúng ta tiêu tốn xấp xỉ 2 tỷ đồng/ngày.
Bệnh nhân tăng huyết áp cũng phải dùng thuốc nhưng thuốc cao huyết áp có nhiều loại và hiện nay chưa có thống kê đầy đủ về chi phí được. Riêng với bệnh nhân ung thư khi bị bệnh thì rất tốn kém chi phí và gánh nặng về chăm sóc.
“Hiện nay ở Việt Nam và ở các nước đang phát triển khác bệnh mãn tính không lây liên quan tới lối sống, ăn uống đang phát triển chưa có điểm dừng. Mỗi một ngày người Việt phải chi hàng tỷ đồng cho những căn bệnh từ ăn uống gây ra.
Để ngăn ngừa nguy cơ bệnh tật mỗi người cần phải ăn đủ chất và cân bằng về lượng; Tăng cường các hoạt động thể chất; Tránh xa thói quen xấu, không nên lạm dụng rượu bia, thuốc lá”, PGS.TS Toán nói.
PGS.TS Toán khẳng định: “Bệnh từ miệng vào là một câu nói khá đúng ở góc độ y tế”.
Bệnh từ miệng vào là do ăn thức ăn mang theo mầm bệnh vào cơ thể. Bây giờ rất rõ những bệnh rối loạn đường tiêu hóa do thức ăn nhiễm bệnh. Ví dụ, bệnh khuẩn liên cầu lợn do ăn tiết canh, lòng lợn đưa liên cầu vào cơ thể gây ra nhiễm trùng huyết và tử vong.
Các vụ ngộ độc ăn uống tập thể cũng thường xảy ra, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, hay ngộ độc do thức ăn có nhiễm hóa chất độc hại mà không biết. Ngộ độc do ăn thức ăn nhiễm hóa chất thực phẩm đã bị cấm sử dụng…
Theo Ngọc Minh – Trí Thức Trẻ