Từ năm 2010 tới nay, một công ty Mỹ đã liên tục cung cấp trang thiết bị theo dõi có xuất xứ Trung Quốc cho chính phủ Mỹ.
Hành vi lừa đảo
Camera do thám và những thiết bị khác được hãng Aventura Technologies bán cho quân đội Mỹ trong nhiều năm qua dường như là hàng hóa Mỹ đạt tiêu chuẩn, được đóng gói trong các hộp ghi “Made in U.S.A” và có dán cờ Mỹ bên trên.
Những sản phẩm này được lắp đặt trong các cơ quan chính phủ, trên các phương tiện máy bay và cả trong Bộ Năng lượng Mỹ. Cho tới năm ngoái, một nhân viên tại một căn cứ không quân phát hiện trên camera của Aventura xuất hiện nhiều kí tự Trung Quốc.
Ngày 7/11, công tố viên liên bang ở Brooklyn nói các thiết bị này thực chất đã được sản xuất tại Trung Quốc, có thể bị người ngoài xâm nhập và làm tăng khả năng gián điệp Trung Quốc đã “nhòm ngó” chính phủ Mỹ trong suốt thời gian qua.
Trong bản tố cáo dài 40 trang, công tố viên đệ trình các cáo buộc nhằm vào Aventura và 7 trong số các nhân viên của hãng này. Các bị cáo bị buộc tội nói dối khách hàng Mỹ trong hơn 1 thập kỉ qua về nguồn gốc Trung Quốc của những sản phẩm dán mác Aventura.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc vướng vào bê bối tình báo với quân đội Mỹ. Từ năm 2012 tới nay, hơn 80% các vụ gián điệp kinh tế tại Mỹ đều liên quan tới Trung Quốc.
Để đề phòng với những rủi ro an ninh, tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban lệnh cấm tất cả các công ty Mỹ sử dụng thiết bị nước ngoài có thể gây ra hiểm họa đối với an ninh quốc gia. Tức là, lệnh này hoàn toàn chặn việc giao thương giữa công ty công nghệ Huawei (Trung Quốc) và các doanh nghiệp Mỹ.
Bắt giữ hàng loạt
Theo công tố viên, các sản phẩm của Aventura bao gồm camera quay ban đêm, cửa quay tự động và một số thiết bị an ninh khác. 7 bị cáo bị bắt giữ bao gồm Jack Cabasso, Frances Cabasso, Jonathan Lasker, Christine Lavonne Lazarus, Eduard Matulik, Alan Schwartz và Wayne Marino.
Tội danh được đưa ra là âm mưu gian lận thương mại và nhập khẩu hàng hóa bất hợp pháp. Hai bị cáo Jack và Frances Cabasso còn bị buộc tội âm mưu rửa tiền.
Khách hàng lớn nhất của Aventura – với tổng số tiền bỏ ra là hơn 88 triệu USD từ năm 2010 tới nay – là các cơ quan chính phủ, bao gồm quân đội, hải quân và không quân Mỹ.
Các khách hàng trả một khoản tiền thêm để mua sản phẩm mà họ cho là được sản xuất tại Mỹ. Khi các khách hàng hỏi bằng chứng về xuất xứ của camera Aventura, lãnh đạo công ty nói những mặt hàng này được sản xuất ở một nhà máy ở New York.
Hiện tại, chưa rõ liệu vụ việc có liên quan tới chính phủ Trung Quốc hoặc có ai tại Trung Quốc đã đột nhập vào thiết bị của Aventura hay chưa. Công cuộc điều tra đang được tiến hành và tòa án cũng sẽ kiểm tra những khách hàng khác của Aventura.
Ngoài ra, Mỹ cũng đã bắt đầu tháo bỏ những thiết bị mua từ Aventura trong các cơ sở chính phủ. Kẻ chịu trách nhiệm chính trong vụ việc được cho là Cabasso, ông chủ của Aventura và là một người có nhiều tiền án.
Từ năm 1982 trở lại đây, Cabasso bị buộc tội nhiều lần do có hoạt động kinh doanh phức tạp với Trung Quốc và có hành vi thiết lập mạng lưới công ty con để rửa hàng triệu USD tài sản phi pháp.
Hiện tại, Cabasso có một du thuyền hạng sang, 12 tài khoản ngân hàng với tổng giá trị khoảng 3 triệu USD.
Chính Cabasso từng viết email phàn nàn rằng những công ty Mỹ khác đã bán sản phẩm do thám được sản xuất tại Trung Quốc.
theo Trí Thức Trẻ