Chi tiêu cố định một khoản tiền nhỏ mỗi ngày sẽ tạo ra sự tốn kém ngoài sức tưởng tượng.
Nhìn giá trước khi “xuống tiền” là thói quen chung của phần lớn chúng ta mỗi khi mua sắm. Thoạt nghe, đây có vẻ là hành vi xứng đáng nhận điểm 10, bởi chuyện shopping không nhìn giá dường như chỉ tồn tại trong giới siêu giàu, chứ có mấy “người thường” làm được.
Nhưng dừng lại khoảng chừng 5 giây để tự hỏi mình điều này: Có bao giờ bạn gật đầu, cho phép mình “xuống tiền” cho những thói quen “chẳng đáng bao tiền”, như một ly cà phê 45 – 50k mỗi ngày chẳng hạn?
Nếu câu trả lời là có, rất có thể bạn đã rơi vào “bẫy người nghèo” mất rồi.
1 Hiệu ứng Latte trong quản lý chi tiêu
Thuật ngữ “hiệu ứng Latte” được giới thiệu bởi David Bach – Doanh nhân, đồng thời là nhà sáng lập của website finishrich.com .
David Bach kể câu chuyện về một cặp vợ chồng luôn dành 70 Nhân dân tệ (khoảng 235,000đ) mỗi ngày để mua 2 cốc Latte vào buổi sáng. David tính toán nhanh rằng trong 1 năm, cặp vợ chồng này sẽ chi 25,550 Nhân dân tệ (khoảng 85,832,462đ) và tổng số tiền trong 30 năm là 766,500 Nhân dân tệ (khoảng hơn 2,5 tỷ đồng).
Vậy là nếu cặp vợ chồng này không mua 2 ly Latte mỗi ngày trong suốt 30 năm, số tiền mà họ tiết kiệm được sẽ là hơn 2,5 tỷ đồng – Một con số đủ để mua được 1 chiếc ô tô.
David Bach dùng chính câu chuyện này để giải thích thuật ngữ “hiệu ứng Latte”. Hiểu một cách đơn giản, hiệu ứng Latte chính là một khoản chi lớn ngoài sức tưởng tượng được “góp nhặt” từ những khoản chi nhỏ cố định mỗi ngày.
Thực tế cho thấy có rất nhiều người, đặc biệt là những người trẻ còn độc thân, chưa lập gia đình, vẫn đang mắc hội chứng “hiệu ứng Latte” trong vô thức. Họ nghĩ rằng một ly cà phê, một cái bánh mì hay thậm chí là 1 đơn hàng shopping online mỗi ngày,… sẽ chẳng thấm vào đâu.
David Bach gọi tư duy này là “bẫy người nghèo”. Thay vì tích tiểu thành đại, những người rơi vào “bẫy người nghèo” lại ảo tưởng rằng khoản chi nhỏ mỗi ngày chẳng thể giúp mình giàu lên hay nghèo đi.
2 Lời “tự thú” từ những người đã thoát “bẫy người nghèo”
Hiền Trang (32 tuổi, hiện đang là nhân viên văn phòng) cho biết vì bận bịu với công việc và chuyện chăm con nhỏ nên cô và chồng thường xuyên ăn bữa trưa ở ngoài.
“Thi thoảng, chúng mình đi ăn cùng nhau hoặc cùng đồng nghiệp vào buổi trưa, còn phần lớn đều sẽ đặt đồ ăn qua các ứng dụng giao đồ ăn online. 1 bữa trưa sẽ rơi vào khoảng 60.000đ – 65.000đ/người. Vợ chồng mình chỉ làm việc 5 ngày trong tuần. Tiền ăn trưa 1 tháng của cả 2 vợ chồng rơi vào khoảng 3,3 triệu đồng. Đấy là còn chưa kể tiền trà sữa của mình mỗi ngày nữa. Tính sơ sơ tổng tiền ăn trưa của 2 vợ chồng và tiền trà sữa, ăn vặt buổi chiều của mình cũng tới 5 – 6 triệu/tháng. Thậm chí tiền trà sữa còn hơn cả tiền bữa trưa” – Hiền Trang kể.
Hiền Trang cho biết khoảng 2 tháng trở lại đây, cô đã tiết kiệm hơn bằng cách nấu nhiều đồ ăn vào buổi tối và để dư 1 phần cho 2 vợ chồng mang cơm đi làm vào ngày hôm sau. Đồng thời, Trang cũng hạn chế tối đa việc uống trà sữa hay ăn vặt ở công ty vì vừa tốn tiền, vừa khiến cô bị tăng cân.
Còn Minh Đức (28 tuổi, hiện đang là Quản lý dự án cho một Công ty Thiết kế nội thất) cũng thường rơi vào trạng thái “rỗng túi” cuối tháng dù mức thu nhập của anh khá cao, trong khoảng 25 – 30 triệu đồng/tháng.
“Tôi ít mua sắm quần áo, mỹ phẩm, cũng không đi du lịch thường xuyên. Chi tiêu của tôi chủ yếu cho các khoản lặt vặt như ăn uống, đặt xe công nghệ, trả phí một vài ứng dụng online. Lúc nào tôi cũng nghĩ mình có tiêu gì đâu mà hết tiền” .
Tuy nhiên, chỉ sau một tháng theo dõi thử ứng dụng đặt xe, Minh Đức phát hiện ra mình tốn hơn 4,2 triệu đồng/tháng chỉ cho việc di chuyển. Sở dĩ, Minh Đức thường xuyên đặt xe công nghệ do… lười tự lái chứ không phải bởi không có xe. Anh cũng cho biết bản thân thường chỉ di chuyển trong thành phố với quãng đường 12 – 13km/ngày. Nếu tự lái xe, tiền xăng 1 tháng chắc chắn không thể lên tới 1 con số đầu 4.
Tạm kết
Thói quen tiết kiệm và quản lý chi tiêu vốn không thể hình thành sau 1 – 2 ngày, cũng không thể cho thấy kết quả hữu hình trong thời gian ngắn; cũng giống như việc chúng ta phải đi làm cật lực suốt cả tháng trời mới tới ngày nhận lương vậy.
Việc cứ hứng lên là “chi tiền” hay sẵn sàng “tặc lưỡi” cho những khoản chi nhỏ mỗi ngày, dần dà sẽ tạo ra khoản chi lớn. Tích tiểu thành đại là tốt, nhưng theo cách này thì chắc chắn là không!
Theo AMT-Theo Phụ nữ mới