Trong năm 2023, hàng nghìn vụ lừa đảo đã diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường.
Tình hình lừa đảo tại Việt Nam hiện nay đang diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao. Các đối tượng tội phạm thường giả mạo cơ quan chính phủ, tổ chức uy tín để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong năm 2023, khoảng 8.000 – 10.000 tỷ đồng đã bị lừa đảo trên mạng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Thực tế con số này có thể còn cao hơn vì nhiều người dân không đi trình báo.
Bộ Công an cho biết, trong năm 2023 đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng, nhưng có đến trên 1.200 vụ án phải tạm đình chỉ điều tra, gia hạn điều tra vì không xác định được thủ phạm của vụ việc, tương đương có đến trên 75% số vụ việc không thể điều tra tiếp. Vì vậy việc truy hồi, tìm lại tài sản cho người dân trong những sự việc lừa đảo qua mạng rất khó khăn.
Đáng nói, các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi và khó nắm bắt. Trong thời gian gian đây, một số đối tượng đã mạo danh Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an bao gồm việc tạo ra các trang thông tin giả mạo, đăng tải video và bài viết cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những đối tượng này quảng cáo dịch vụ “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, và “thu hồi tiền lừa đảo” với lời hứa chỉ thu tiền sau khi người dân đã lấy lại được tiền của mình.
Đây là hành vi giả mạo, nhằm tiếp cận người dân đang là nạn nhân của lừa đảo, lợi dụng tâm lý tiếc tiền của họ để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo. Bộ Công an khuyến cáo người dân không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội giả mạo, và chỉ cung cấp thông tin chính thức qua Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an và Trang Thông tin Bộ Công an trên Facebook.
Bị lừa đảo thì phải làm gì?
Không ít người đã trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo. Để tránh việc mất thêm tiền, bạn hãy tham khảo lời khuyên dưới đây:
- Ngưng gửi tiền và chặn mọi liên lạc từ kẻ lừa đảo.
- Liên hệ ngay lập tức với ngân hàng hoặc tổ chức tài chính của bạn để báo cáo vụ lừa đảo và yêu cầu dừng mọi giao dịch liên quan.
- Thu thập và lưu giữ bất kỳ bằng chứng nào bạn có, như email, tin nhắn, và thông tin giao dịch, sau đó làm đơn tố giác gửi đến cơ quan công an nơi bạn cư trú.
Nếu bạn đã chuyển tiền cho kẻ lừa đảo, theo phương thức chuyển tiền khác nhau, hãy liên hệ với tổ chức phù hợp (ngân hàng, công ty phát hành thẻ, công ty chuyển khoản ngân hàng, nhà cung cấp ứng dụng chuyển tiền, hoặc Bưu điện) để báo cáo hành vi lừa đảo và hỗ trợ khả năng thu hồi tiền.
Nếu thông tin cá nhân của bạn bị lộ, hãy báo cáo vi phạm dữ liệu cho các tổ chức tài chính của bạn, đổi mật khẩu mới mạnh hơn, và theo dõi chặt chẽ tài khoản của bạn.
Nếu kẻ lừa đảo truy cập trái phép vào máy tính hoặc điện thoại của bạn, cần cập nhật phần mềm bảo mật, quét vi-rút, và thay đổi mật khẩu hoặc mã pin của bạn. Bạn cũng nên liên hệ với các cơ quan chức năng để được hỗ trợ và tư vấn.
Đồng thời, mỗi cá nhân nên đề cao cảnh giác với những yêu cầu chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân hay những lời hứa hẹn lợi nhuận khó tin từ các nguồn không rõ ràng.
Trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch hoặc chia sẻ thông tin nào, hãy kiểm tra kỹ càng tính xác thực của yêu cầu. Nếu cảm thấy nghi ngờ, hãy liên hệ trực tiếp với cơ quan, tổ chức liên quan thông qua các kênh thông tin chính thức để xác minh.
Tổng hợp-Minh Anh–Đời sống pháp luật