Theo một nghiên cứu, mỗi năm người Mỹ thường chi khoảng 1.200 đô la cho việc ăn đồ ăn nhanh. Những nơi như McDonald và Burger King sẽ làm mọi thứ để khiến bạn phải chi tiêu nhiều tiền hơn nữa, và rồi bạn sẽ chợt nhận ra rằng hóa ra đồ ăn nhanh không hề rẻ tiền như bạn nghĩ.
Đa dạng thực đơn
Nếu bạn đem so sánh thực đơn của đồ ăn nhanh với thực đơn của nhà hàng cao cấp, bạn sẽ dễ dàng nhận ra, thực đơn của nhà hàng thường đơn giản, không màu mè gây kích thích, nhưng thực đơn của những cửa hàng đồ ăn nhanh thì lại là một mớ hỗn độn ngập tràn những sự lựa chọn và danh mục.
Các quán ăn nhanh còn thu hút sự chú ý của bạn với phông chữ màu đỏ tươi hoặc cam kèm theo những bức ảnh rất ngon miệng về thức ăn của họ. Ở đây cũng có một hệ thống phân cấp, hình ảnh thức ăn thường rất lớn, nhưng phần ghi giá của từng món ăn thì lại nhỏ.
Họ cũng khiến bạn phải tập trung sự chú ý vào các mặt hàng có giá cao hơn bằng cách đặt chúng ở phía bên trái với kích cỡ rất to, nơi bạn bắt đầu đọc đầu tiên, và điều đó sẽ khiến bạn không còn tự hỏi, liệu chiếc burger đó có đáng giá 6 đô la nữa không, hay chỉ chăm chăm nhìn vào miếng thịt to ngon lành của chiếc bánh bên trong bức ảnh mà thôi.
“Hình ảnh các món ăn sẽ kích thích não bộ chúng ta, đặc biệt là khi đói. Do đó các công ty lớn thường coi những tấm ảnh chụp món ăn với kích cỡ to là chìa khóa trong kinh doanh của họ. Mô hình kinh doanh này đã bắt đầu từ những năm 80 và giai đoạn đó, những nhà kinh doanh vốn chỉ tập trung vào sự đơn giản, giá rẻ, táo bạo và tươi sáng”, Hans Taparia, một doanh nhân trong lĩnh vực thực phẩm sức khỏe, và là giáo sư chuyên ngành kinh doanh và xã hội tại NYU cho biết.
Mẹo định giá đồ ăn
Theo PV của tờ Business insider, các quán ăn nhanh còn sử dụng nhiều mánh khóe khác, như không hiển thị ký hiệu đô la hoặc chỉ để giá 9,79 hoặc 0,89 đô la. Điều này khiến cho tâm lý người dùng vẫn nghĩ đó là 9 đô la mặc dù nó sát với mức giá 10 đô la hơn.
Vậy còn dollar menu và value menu (phần thực đơn chỉ hiển thị những món ăn rẻ nhất của quán)?
Thực ra những thực đơn này vẫn tồn tại, nhưng chúng thường rất nhỏ và nằm ở một góc khó nhìn thấy hơn trong menu.
“Nhưng nếu bạn chọn mua nhiều món trong phần value menu thì mức giá của nó lại không rẻ hơn một suất Happy Meal được (Happy Meal là suất ăn dành cho trẻ em tại McDonald). Vì vậy, kiểu thực đơn này không làm cho họ giảm bớt lợi nhuận mà còn củng cố thêm hai điều: Giữ chân người tiêu dùng và vẫn phục vụ được đồ ăn cho những người đang ngày càng nghèo hơn bởi hàng loạt các chuỗi cửa hàng ăn nhanh như vậy”, Hans Taparia cho biết thêm.
Bán combo
Phóng viên của tờ Business insider cũng cho biết, mặc dù thực đơn của đồ ăn nhanh thường to nhưng cách họ bố trí món ăn lại khá bừa bộn, điều đó khiến chúng ta gặp khó khăn hơn trong việc chọn món mình cần. Ví dụ khi đi mua đồ ăn nhanh, bạn chỉ cần đứng ngay tại quầy thanh toán là đã có thể gặp ngay menu để chọn món. Nhưng rồi nếu cứ đứng mãi như thế thì cũng không được. Khi đó áp lực tâm lí về thời gian sẽ ngày càng tăng lên khiến bạn phải nhanh chóng chọn vội một món ăn được in to, rõ và nổi bật nhất trong thực đơn.
Giả sử bạn chọn combo số 3, thì suất ăn đó chính là mấu chốt kinh doanh của các quán ăn nhanh này. Bạn có thể yêu cầu một món khai vị, món chính kèm theo đồ uống vô cùng dễ dàng mà chỉ việc nói một con số combo nhất định. Và việc bạn đặt một suất combo số 6 cũng tốn ít thời gian hơn là gọi một suất ăn gồm 10 miếng cánh gà chiên vừa kèm theo đồ uống size vừa.
Tuy nhiên việc lựa chọn một combo như thế có thật sự tiết kiệm được bao nhiêu tiền cho bạn? Lấy ví dụ ở McDonald, nếu bạn mua combo số 3, với giá 10,39 đô la, nhưng phần ăn bạn muốn là một suất Pounder Double Quarter chiên vừa và một đồ uống size vừa có giá 10,48 đô la. Khi đó bạn chỉ tiết kiệm được 9 xu trong khi luôn phải mua những thứ không mong muốn quá mức cần thiết.
“Và một tâm lý khá thực tế nữa của người tiêu dùng đó là việc muốn nhận được nhiều nhưng với giá rẻ, do đó họ sẽ chọn các combo vì xem chừng sẽ ‘tiết kiệm’ cho ví tiền hơn mà quên rằng bản thân sẽ phải tiêu thụ một lượng soda nhiều hơn cần thiết, và hơn phân nửa là lượng đường vào cơ thể”, Hans Taparia cho biết thêm.
Sự tiện lợi của việc đặt một suất ăn theo combo giúp các quán ăn nhanh có thể kiểm soát được những gì bạn sẽ đặt. Kết hợp với việc đưa ra nhiều kích cỡ size với mức nâng giá rẻ bèo, sẽ thật khó khăn để bạn có thể bước đi mà chỉ cầm theo một suất ăn size nhỏ.
Đồ đi kèm
Lần cuối cùng bạn đến một nơi như Taco Bell và chỉ mua một cái bánh taco là khi nào? Các quán ăn nhanh sẽ kiếm được nhiều tiền hơn từ những vị khách mua nhiều mặt hàng. Và các mặt hàng như soda thường có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với bánh burger, vì vậy các doanh nghiệp đồ ăn nhanh sẽ làm mọi thứ để có thể khiến bạn phải mua đồ uống.
Phục vụ 24/24
Các cửa hàng ăn nhanh hiện tại còn mở thêm hình thức phục vụ 24/24 để đảm bảo rằng bạn có thể mua thức ăn của họ bất cứ khi nào bạn cần.
Hay nếu bạn nghĩ rằng bản thân có thể kiểm soát được chi tiêu dễ dàng hơn nếu mua thức ăn tại những ki-ốt, thì bạn đã lầm. Theo Giám đốc điều hành của McDonald – Steve Easterbrook, thì khách hàng của họ chi tiêu trung bình cho các ki-ốt nhiều hơn, vì tâm lý sẽ nán lại đó lâu hơn.
Và đương nhiên, những kiốt đó cũng có rất nhiều hình ảnh đồ ăn bắt mắt và đó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng mà thôi.
Khuyến mãi đồ ăn
Các công ty bán đồ ăn nhanh đều là những chuyên gia trong việc thu hút khách hàng đến mua đồ. Họ thường đưa ra những combo, khuyến mãi gây sốc và quảng cáo chúng trên các bảng hiệu, áp phích và truyền hình.
Họ có thể thu hút bạn đến mua hàng khuyến mãi với chương trình “mua một, tặng một” khi mua cánh gà, và khả năng cao là bạn sẽ phải mua kèm thêm cả đồ uống, và tiếp đó có thể sẽ biến chúng thành bữa ăn chính của mình luôn bằng việc mua thêm cả khoai tây chiên với giá vài đô.
Các công ty cũng tạo nên những sản phẩm thương hiệu như Doritos Locos Tacos (bánh taco kết hợp với thương hiệu bim bim nổi tiếng của Mỹ Doritos) kèm phiếu giảm giá trong thời hạn một tuần mà bạn thường thấy ở phía dưới cùng của biên lai. Chưa kể đến việc tích điểm qua các ứng dụng hoặc những ưu đãi đặc biệt hàng ngày. Do đó, bạn sẽ phải ghé qua các cửa hàng ăn nhanh này thường xuyên hơn, bởi mỗi lần mua đồ ăn sẽ giúp bạn tiến gần hơn đến một món ăn miễn phí.
“Đôi khi mọi thứ không thể tạo ra tác động mạnh mẽ nếu chúng bị cô lập. Sức mạnh của tiếp thị chính là việc bạn phủ sóng sản phẩm của mình đến khắp mọi nơi”, Hans Taparia nói thêm.
Tuy nhiên hiện nay, một vấn đề nan giải là đồ ăn nhanh đã không còn rẻ như trước nữa. Theo Bloomberg, mức giá trung bình cho một chiếc burger đã tăng lên 54% trong một thập kỷ qua, vượt xa cả những nhà hàng bình dân và nhà hàng cao cấp.
Tuy nhiên thức ăn nhanh đôi khi lại là sự lựa chọn duy nhất của mọi người trong hàng loạt các thực phẩm ở mức thu nhập thấp và chính vì chế độ ăn này cũng góp phần gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cân nặng của bạn.
Đồ ăn nhanh là sự lựa chọn phù hợp hơn về mặt chi tiêu?
Mức giá của các nhà hàng “fast-casual” (nhà hàng bình dân, cung cấp đồ ăn có chất lượng cao hơn so với các quán ăn nhanh bởi ít sử dụng đồ đông lạnh đã qua chế biến) giờ đã đắt đỏ hơn các quán hàng ăn nhanh đến mức chúng không còn cùng nhắm tới một nhóm đối tượng cố định nữa, nhất là với những ai đã lập gia đình.
Cùng một mức tiền, nhưng quán ăn nhanh như KFC sẽ cung cấp cho người tiêu dùng nhiều đồ ăn hơn trong khi với những nhà hàng bình dân, cùng với mức giá đấy nhưng bạn chỉ mua được một đĩa salad hữu cơ. Chính vì vậy những quán ăn nhanh thông thường sẽ thu hút khách hàng hơn, bởi giá cả phải chăng.
Tuy nhiên mặc dù đồ ăn nhanh có thể rẻ hơn và tiện lợi hơn, nhưng chúng ta cũng cần phải tỉnh táo trước những mánh khóe tâm lý được tạo ra bởi nhà cung ứng, bởi nó sẽ khiến chúng ta phải chi trả nhiều tiền hơn mình nghĩ. Đừng nên chi một khoản tiền ‘xa xỉ’ chỉ để mua những thực phẩm không lành mạnh.
Thanh Thiên (theo Cafef)