Làm người có trí huệ thì dù nghèo khó cũng không hèn, dù sa cơ lỡ vận cũng không thê thảm, và dù gặp cảnh lửa bỏng nước sôi vẫn có thể ung dung bình thản mà vượt qua.
Trước đây, có một vương quốc rộng lớn và vô cùng trù phú. Vị vua cai trị vương quốc ấy là một đức minh quân tài trí, nắm trong tay cả thiên hạ, các tiểu quốc quanh vùng đều đến quy phục.
Tuy nhiên, nhà vua vẫn cảm thấy đại quốc của ông còn thiếu điều gì đó, ông muốn tìm một báu vật vô giá mang về làm quốc bảo. Nhưng báu vật ấy là gì? Nhà vua không thể trả lời. Vậy nên, ông bèn phái vị đại thần thân cận nhất mang theo rất nhiều vàng bạc đi khắp nơi tìm mua cho ông thứ báu vật quý giá nhất trên đời.
Vị đại thần tuân chỉ, mang theo vàng bạc của nhà vua và bắt đầu chuyến chu du thiên hạ. Nhưng mặc dù ông đã đi qua rất nhiều đất nước, đến rất nhiều vùng đất xa xôi, vẫn không tìm được món đồ mà ông cho là quý giá nhất.
Một ngày nọ, khi đang lang thang trong một buôn làng hẻo lánh, vị đại thần gặp được một ông lão. Ông lão thấy khuôn mặt trầm tư của đại thần, bèn hỏi nguyên do. Sau khi nghe đầu đuôi câu chuyện, ông lão nói: “Vậy hãy mua trí huệ!”.
Mua trí huệ sao? Nhưng trí huệ là gì, ai có thể bán trí huệ?
Vị đại thần trầm ngâm suy nghĩ: “Ta chưa từng nghe nói đến trí huệ, thứ này ở vương quốc ta không có, vậy nhất định nó chính là vật báu quý giá nhất”, và hỏi ông lão: “Tôi muốn mua trí huệ, vậy trí huệ đáng giá bao nhiêu?”.
Ông lão trả lời: “Trí huệ này đáng giá tất cả số vàng mà cậu mang theo”.
Đại thần không suy nghĩ liền đưa toàn bộ số vàng của nhà vua cho ông lão. Ông lão nói: “Đây là trí huệ của đời người, gồm mười hai chữ, cậu hãy ghi nhớ cho kỹ nhé”.
Mười hai chữ ấy là: “Hoãn nhất hoãn, tái sinh khí. Tưởng nhất tưởng, tái hành động”.
Nghĩa là: Hoãn một chút rồi mới tức giận. Nghĩ một chút rồi mới hành động.
Đại thần nghe xong vô cùng hối hận, ông đã đánh đổi tất cả niềm tin và sự giao phó của nhà vua chỉ để đổi lại vài chữ vô nghĩa này!
Đại thần trở về nhà thì trời cũng đã nửa đêm, trong bóng tối lờ mờ ông nhìn thấy một người đang nằm ôm vợ mình trên giường. Ngọn lửa giận dữ trong ông bùng lên dữ dội: “Ta đã tin tưởng nàng như thế, thì ra nàng chỉ là một ả đàn bà không có đức hạnh! Ta chỉ mới vắng nhà một thời gian mà nàng đã làm ra cái chuyện tày đình này”.
Vị đại thần tức giận bừng bừng, liền rút kiếm ra tiến thẳng về phía vợ. Nhưng vừa vung kiếm lên ông đột nhiên ông nghĩ tới số vàng bỏ ra để mua trí huệ, mười hai chữ của ông lão lại hiện lên trong tâm trí. Đại thần tự nhủ: “Hoãn một chút rồi mới tức giận, nghĩ một chút rồi mới hành động”. Lúc này tâm ông bình tĩnh lại, ông hạ kiếm xuống, tiến lại gần mới phát hiện: thì ra người nằm cạnh nương tử không ai khác chính là mẹ mình.
Đến lúc này vị đại thần mới hiểu ra rằng, số tiền vàng mà ông bỏ ra mua trí huệ không hề vô ích. Nếu không có trí huệ, có lẽ tính mạng của mẹ và vợ đều đã mất trong tay ông, và cả cuộc đời còn lại ông sẽ phải sống trong ăn năn và hối hận khôn cùng.
Trên đời này, những hành động khiến người ta hối hận cả đời đều là vì không có trí huệ. Trí huệ ấy không hình không vẻ, không ai có thể cân đo đong đếm, cũng không ai có thể định giá đo lường. Nhưng làm người có trí huệ thì dù nghèo khó cũng không hèn, dù sa cơ lỡ vận cũng không thê thảm, và dù gặp cảnh lửa bỏng nước sôi vẫn có thể ung dung bình thản mà vượt qua.
Nếu rắc rối là bóng tối, thì trí huệ là ánh sáng, khi ánh sáng chiếu xuyên qua bóng tối, bóng tối liền biến mất. Trên thực tế, bóng tối không tồn tại, chỉ vì chưa được ánh sáng chiếu vào mà thôi. Nếu có ánh sáng thì chẳng bao giờ tồn tại bóng tối. Cũng tương tự như vậy, nếu có trí huệ thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ phải bôn ba khắp nơi tìm kiếm “báu vật” giữa thế gian này.
Ngọc Linh – Theo Phật Đệ Tử Văn Khố