Giới phê bình đã đưa ra nhiều giả thuyết về các chiêu thức Tổng thống Trump sẽ tung ra ngay trước bầu cử Mỹ. Nhưng rốt cuộc họ vẫn có thể bị bất ngờ.
Khi ngày bầu cử Tổng thống Mỹ đang tới gần, giới phê bình chính trị trên thế giới bắt đầu đồn đoán về một “Bất ngờ tháng Mười” ngay trước cuộc bỏ phiếu vào ngày 3/11/2020 sắp tới.
Trong nền chính trị Mỹ, “Bất ngờ tháng Mười” là một sự kiện truyền thông được sắp xếp một cách chủ đích và đúng thời điểm nhằm thu hút hoặc gây phân tán cử tri, từ đó tác động đến kết quả bầu cử, đặc biệt là trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Do bầu cử tổng thống Mỹ luôn diễn ra vào đầu tháng 11, những đòn gây bất ngờ về truyền thông thường được lên kế hoạch vào cuối tháng 10. Những nỗ lực vào phút cuối này có khả năng tạo ra tác động rộng lớn lên sự lựa chọn của các cử tri Mỹ. Kiểu tác động vào truyền thông vào phút cuối như thế này có thể thay đổi kết quả bầu cử.
Hiệu quả “chết người” của đòn bất ngờ trước thời điểm bầu cử
William Casey đã sáng tạo ra thuật ngữ “Bất ngờ tháng Mười” khi ông làm người quản lý chiến dịch tranh cử của ứng viên Ronald Reagan. Ông Reagan đã giành được đề cử của đảng Cộng hòa cho cuộc đua vào ghế tổng thống năm 1980, với sự trợ giúp của một điều “Bất ngờ” (sẽ được đề cập ở phần sau của bài này).
Mặc dù thuật ngữ này hình thành mới đây, bản thân hiện tượng này đã có từ rất lâu trong lịch sử chính trị Mỹ.
Dưới đây là một số trường hợp Bất ngờ tháng Mười đảo ngược kết quả cuối cùng của một cuộc bầu cử Mỹ.
Năm 1972, Tổng thống phe Cộng hòa Richard Nixon ra tái tranh cử trong bối cảnh Chiến tranh Việt Nam vẫn đang diễn ra. Thượng nghị sĩ Dân chủ George McGovern ra tranh cử với cương lĩnh bầu cử phản chiến. McGovern dẫn trước Nixon trong các cuộc thăm dò dư luận. Vào ngày 26/10 năm đó, Henry Kissinger – Cố vấn an ninh quốc gia của Nixon, công bố đòn Bất ngờ là “hòa bình trong tầm tay” tại Việt Nam. Kết quả là, các cuộc tập hợp vận động tranh cử của phe Nixon tràn đầy các tấm biển nói về việc chấm dứt chiến tranh. Trên thực tế, hòa bình không nằm trong tay ai cả, nhưng Nixon vẫn tái đắc cử sát sao, dù cho đối thủ của ông đang dẫn trước đối thủ trong các cuộc điều tra dư luận tiền bầu cử. McGovern gọi tuyên bố của Kissinger là một đòn “đánh lừa chính trị độc ác”.
Tương tự, vào năm 1980, vấn đề trung tâm trong tranh cử là cuộc khủng hoảng con tin ở Iran. Chế độ chính trị tại Iran lúc đó đã bắt làm con tin 52 công dân Mỹ ở Đại sứ quán Mỹ tại Tehran vào ngày 4/11/1979. Ứng viên tổng thống của phe Cộng hòa là Reagan đã công kích đối thủ Dân chủ Jimmy Carter là một tổng thống yếu kém bằng cách viện dẫn tình trạng các công dân Mỹ tiếp tục bị giam giữ làm các con tin. Khi ngày bầu cử đến gần, Iran ngừng đàm phán với chính quyền của Tổng thống Mỹ Carter.
Theo phản ánh của Gary Sick – một cựu chuyên gia về Iran trong đội ngũ an ninh quốc gia của ông Carter, Thủ tướng Iran Mohammad-Ali Rajai bất ngờ thông báo rằng Iran sẽ không thả các con tin khi Carter vẫn còn tại vị trong Nhà Trắng. Kết quả là, Reagon giành chiến thắng trong cuộc bầu cử 1980 (với khoảng cách đáng kể so với đối thủ). Iran đã phóng thích các con tin vào ngày Reagan nhậm chức, để đổi lại việc Mỹ nhả các tài sản Iran (khoảng 3 tỷ USD) bị Mỹ phong tỏa.
Vụ Bất ngờ tháng Mười gần đây nhất có lẽ là bức thư được gửi tới Quốc hội Mỹ vào ngày 28/10/2016 bởi James Comey, khi đó là giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI). Dù đã khép lại việc điều tra vào tháng 7 đối với cáo buộc cho rằng bà Hillary Clinton đã sử dụng server email cá nhân khi làm ngoại trưởng Mỹ giai đoạn 2009-2013, ông Comey đã tung ra một bức thư kích thích sự nghi ngờ, với nội dung nói rằng FBI đã tìm thấy các email mới có thể quan trọng hoặc không quan trọng với cuộc điều tra về bê bối email.
Đòn Bất ngờ này đã làm khuấy đảo chiến dịch tranh cử. Sự chú ý của các cử tri đã bị phân tán bởi việc bà Clinton bị đối thủ của mình Donald Trump mô tả là tham nhũng, xảo trá, và phản bội. Trước lúc có đòn Bất ngờ, bà Clinton dẫn trước đối thủ tới 4 điểm phần trăm (khi đó, 48% cử tri ủng hộ bà Clinton và chỉ có 44% cử tri ủng hộ ông Trump). Với chiêu Bất ngờ trên, ông Trump đã đắc cử.
Vậy trong năm 2020 này, đòn Bất ngờ tháng Mười của ông Trump sẽ là gì? Đã có một số giải thuyết.
Các quân bài “bất ngờ” của ông Trump cho cuộc bầu cử tới
Max Boot – cây bút chuyên cho chuyên mục của tờ Washington Post, nhận định rằng về mặt đối nội, ông Trump có thể công bố một kế hoạch chống đại dịch Covid-19. Khả năng cao là ông Trump sẽ công bố một vaccine trước khi kết thúc các thử nghiệm giai đoạn 3 dù cho chưa đạt được quy trình cần thiết để đưa ra phê chuẩn cuối cùng đối với vaccine.
Ông Boot cũng cho rằng, trên khía cạnh đối ngoại, ông Trump có thể công bố việc rút 26.000 quân khỏi Đức. Boot cũng dự đoán rằng ông Trump có thể ra lệnh rút 8.000 quân khỏi Afghanistan. Tương tự, ông có thể công bố rút một phần hoặc toàn bộ quân khỏi Hàn Quốc.
Giới bình luận chính trị cũng đoán rằng Tổng thống Trump có thể cố gắng tham gia Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), còn được gọi tắt là thỏa thuận hạt nhân Iran – ông Trump rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận này vào ngày 8/5/2018. Hoặc ông Trump cũng có thể hạ lệnh oanh tạc Iran dựa trên cáo buộc nước này mở rộng chương trình hạt nhân.
Một số nhà phê bình chính trị dự báo ông Trump có thể công bố một cuộc “ly dị” hoàn toàn với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như một đòn Bất ngờ tháng Mười. Trên tờ New York Times, tác giả Michael Crowley trích dẫn cuốn sách do cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton viết, trong đó có chi tiết ông Trump liên tục nói rằng ông muốn rút khỏi liên minh NATO. Theo Crowley, ông Bolton ước tính rằng Trump có thể công bố trước ngày bầu cử một kế hoạch rút Mỹ khỏi NATO như đòn Bất ngờ tháng Mười
Trong nhiều thư điện tử riêng gửi cho tác giả này, nhiều học giả Mỹ và Ấn Độ bày tỏ quan ngại ông Trump sẽ công kích Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông để tạo cơ hội tái đắc cử. Những học giả này lo lắng là vì điều đó sẽ gây xáo trộn lớn cho tình hình thế giới.
Tuy nhiên, ông Trump cũng có thể đi theo 1 hướng khác, đó là công bố một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Có thể Tổng thống Trump nhận thức được rằng cử tri Mỹ muốn có kết quả cụ thể chứ không phải là một cuộc chiến ngôn từ với Trung Quốc. Ông Trump có thể ký một thỏa thuận thương mại với điều kiện Trung Quốc nhập 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ và mua khoảng 7.500 máy bay (trị giá 1.200 tỷ USD) trong 20 năm tới. Đổi lại, Mỹ sẽ cho phép các công ty công nghệ Trung Quốc mua các sản phẩm của công ty Mỹ, đồng thời Mỹ sẽ mở cửa cho các công ty công nghệ Trung Quốc vào Mỹ làm ăn./.
Theo VOV