Chúng ta thường nghe người ta nói đến “Bát bái chi giao” (Tám lần bái kết giao), cụm từ này thường được dùng để mô tả mối quan hệ sâu sắc giữa hai gia đình hoặc hai người. Nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi, tám lần bái đó cụ thể là gì chưa? Ý nghĩa của từng lần bái ra sao?
1. Tri âm chi giao – Tình bạn tâm giao
Đôi khi, tình bạn giữa người với người giống như một cây cầu nối giữa âm nhạc và tâm hồn, không cần lời hoa mỹ vẫn có thể chạm tới trái tim.
Câu chuyện nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc về tri âm là giữa Du Bá Nha và Chung Tử Kỳ. Du Bá Nha là một khách phong lưu văn mặc, có ngón đàn cổ cầm nổi tiếng đương thời, nhưng thường không có ai hiểu được tiếng đàn của ông. Cho đến khi gặp tiều phu Chung Tử Kỳ tinh thông nhạc lý, thấu rõ lòng Bá Nha qua tiếng đàn, lúc cao vòi vọi chí tự non cao, lúc thì trời nước bao la, ý tại lưu thủy. Bá Nha vô cùng bái phục và xin kết nghĩa anh em.
Sau này, Chung Tử Kỳ mất sớm. Du Bá Nha vì quá đau buồn mà đập nát cây đàn, thề không bao giờ đàn nữa. Câu chuyện này trở thành biểu tượng cho tình bạn tri âm – người hiểu được mình sâu sắc nhất.
2. Vẫn cổ chi giao – Tình bạn có thể cùng sống chết
“Vẫn cổ chi giao” xuất phát từ thời Chiến Quốc, giữa Liêm Pha và Lạn Tương Như của nước Triệu.
Lạn Tương Như từng bảo vệ thành công báu vật quốc gia – Hòa Thị Bích – khỏi tay nước Tần, khiến địa vị ông vượt qua Liêm Pha – một danh tướng lâu năm. Liêm Pha không phục, ghen ghét và tìm cách gây khó dễ. Tuy nhiên, Lạn Tương Như luôn nhẫn nhịn, không gây chia rẽ nội bộ vì đại cục.
Sau này, Liêm Pha nhận ra tấm lòng và tài năng của Lạn Tương Như, tự mang roi đến nhà tạ tội. Từ đó, hai người trở thành tri kỷ, tình bạn có thể phó thác tính mạng cho nhau.
3. Keo sơn chi giao – Tình bạn bền chặt không rời
Câu chuyện giữa Trần Trọng và Lôi Nghĩa thời Đông Hán là ví dụ điển hình cho “kết giao keo sơn”.
Trần Trọng là người chính trực, không ham quyền thế. Khi Lôi Nghĩa bị oan, Trần Trọng vì nghĩa khí mà lên tiếng bênh vực, sẵn sàng hy sinh sự nghiệp. Lôi Nghĩa cảm kích, cũng từ quan để đồng hành với bạn. Tình bạn của họ như keo với sơn – gắn bó không rời.
4. Quản Bào chi giao – Tình bạn thấu hiểu, tương trợ
Một trong những tình bạn nổi tiếng thời Xuân Thu là giữa Quản Trọng và Bào Thúc Nha của nước Tề.
Quản Trọng xuất thân nghèo khó, còn Bào Thúc Nha thì giàu sang, địa vị cao. Tuy nhiên, Bào Thúc Nha không khinh thường mà còn nhìn ra tài năng của bạn, tận tâm giúp đỡ. Sau này, Quản Trọng trở thành tướng quốc, đưa nước Tề đến hưng thịnh. Hai người luôn tôn trọng, bổ trợ lẫn nhau – là hình mẫu cho tình bạn đồng hành suốt đời.
5. Xả thân chi giao – Tình bạn hy sinh cả mạng sống
Câu chuyện giữa Tả Bá Đào và Dương Giác Ai là biểu tượng cho tình bạn xả thân cứu nhau.
Hai người vốn không thân thích, nhưng lòng cùng ôm chí hướng an bang tế thế. Trên đường đến Sở quốc tìm công danh, không ngờ gặp bão tuyết khắc nghiệt, nguy hiểm đến tính mạng. Tả Bá Đào quyết định nhường hết lương thực và áo ấm cho Dương Giác Ai, hy sinh bản thân để nghĩa đệ sống sót. Sau này, Dương Giác Ai được Sở vương trọng dụng, quay về an táng trọng hậu cho Tả Bá Đào.
(BBT: Đây là một câu chuyện vô cùng cảm động, quý vị có thể đọc toàn văn tại ĐÂY).
6. Sinh tử chi giao – Tình anh em sống chết có nhau
Đại diện điển hình nhất là Lưu Bị – Quan Vũ – Trương Phi, ba anh em kết nghĩa vườn đào.
Họ thề rằng: “Tuy không sinh cùng ngày cùng tháng nhưng nguyện chết cùng tháng cùng ngày”. Tình anh em này kéo dài qua bao chiến trận. Khi Quan Vũ bị Đông Ngô hại chết, Lưu Bị quyết tâm phục thù, dù sau đó cả Trương Phi cũng bị hại. Cuối cùng Lưu Bị vẫn đem quân đánh Ngô, chứng minh tình cảm sinh tử không gì có thể chia cắt.
7. Gà kê chi giao – Tình bạn giữ lời, đáng tin cậy
Câu chuyện giữa Phạm Thức và Trương Chiêu thời Đông Hán là nguồn gốc điển tích “gà kê chi giao”.
Hai người là bạn đồng học, từng hẹn gặp lại tại nhà Phạm Thức để ăn bữa cơm với gà kê lúa nếp. Mặc dù trời bão tuyết, đường xa hiểm trở, Trương Chiêu vẫn đúng hẹn. Sự tín nghĩa, giữ lời hứa đó trở thành biểu tượng cho tình bạn đáng quý.
8. Vong niên chi giao – Tình bạn không phân biệt tuổi tác
Câu chuyện nổi tiếng nhất là giữa Khổng Dung và Nễ Hành.
Khổng Dung là thần đồng nổi tiếng, còn Nễ Hành là người lớn tuổi tài cao. Dù cách biệt tuổi tác, hai người vẫn quý trọng và kết giao như bạn bè bình đẳng. Họ trân trọng tài năng và tư tưởng của nhau, vượt lên trên mọi rào cản xã hội, tạo nên tình bạn vượt thời gian.
“Tám lần bái kết giao” không đơn thuần chỉ là nghi lễ hay truyền thuyết, mà là sự khái quát sâu sắc về tám loại tình bạn cao quý nhất trong văn hóa truyền thống Trung Hoa. Chúng nhắc nhở ta: Trong đời, gặp được một người thật sự hiểu, tin tưởng, hy sinh vì mình – đó chính là báu vật vô giá cần trân trọng.
Theo Vision Times-Thanh Ngọc lược dịch