Trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn diễn ra căng thẳng, mối quan hệ Trung Quốc – Nga đang thu hút nhiều sự chú ý của thế giới bên ngoài.
Mở tuyến đường vận tải đa phương thức quốc tế mới
Trang Người quan sát (Trung Quốc) ngày 15/3 đưa tin, Tập đoàn Đường sắt Nga đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 15/3 cho biết, RZD Business Active – công ty con của Tập đoàn Đường sắt Nga, chuyên kinh doanh vận tải container – đang khởi động tuyến đường vận tải đa phương thức quốc tế từ Trung Quốc đến Nga qua Kazakhstan.
Theo “Công ước của Liên hợp quốc về vận tải hàng hóa đa phương thức quốc tế”, vận tải đa phương thức quốc tế là phương thức vận tải hàng hóa bằng ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau trở lên, trên cơ sở một hợp đồng vận tải đa phương thức từ một điểm ở nước này tới điểm chỉ định ở nước khác để giao hàng.
Báo Kinh doanh St.Petersburg (Nga) ngày 15/3 đưa tin, tuyến đường vận tải mới sẽ bao gồm cả giao thông đường sắt và đường bộ, kết nối hai thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc và St. Petersburg của Nga. Thời gian giao hàng container dự kiến là 18 ngày.
Đại diện Tập đoàn Đường sắt Nga cho biết: “Chuyến tàu hỏa vận chuyển container dài 40 feet (khoảng hơn 12 mét) đầu tiên được khởi hành trong tháng 3. Hàng hóa vận chuyển chủ yếu là hàng tiêu dùng. Trong tương lai, chúng tôi có kế hoạch khởi hành 4 chuyến/tháng”.
Trước đó, hoạt động vận tải đường biển giữa Trung Quốc và thành phố St.Petersburg của Nga đã bị đóng băng do xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine.
Chuyển từ vận tải đường biển sang đường sắt
Trước đây, vận tải hàng hải Trung Quốc – Nga có thể được vận chuyển bằng container theo đường biển từ các cảng ven biển của Trung Quốc đến các cảng lớn ở châu Âu như Hamburg (Đức) và Rotterdam (Hà Lan) để dỡ hàng, sau đó chuyển sang tàu thủy trung chuyển đến St.Petersburg.
Toàn bộ hành trình mất khoảng 50 ngày và có mức cước phí thấp nhất trong các tuyến đường.
Báo Kinh doanh St.Petersburg ngày 14/3 đưa tin, công ty giao nhận hàng hóa Artmarine cho biết, một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải container và cảng quốc tế đã từ chối cung cấp dịch vụ vận tải đến Nga do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo đại diện Artmarine, hiện có hai phương án vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang Nga. Đầu tiên là hàng hóa Trung Quốc được vận chuyển bằng đường biển đến các cảng ở vùng Viễn Đông của Nga, và từ đó tiếp tục vận chuyển bằng đường sắt đến Moscow, St.Petersburg và những nơi khác. Thứ hai là vận tải đường sắt trên bộ từ một số trung tâm lớn ở Trung Quốc đến Nga.
Báo Kinh doanh St.Petersburg chỉ ra rằng, phương án đầu tiên là sự lựa chọn chính hiện nay. Tuyến mới được Tập đoàn Đường sắt Nga công bố là phương án thứ hai.
Tả Thiên Hộ – một cây bút thuộc trang Người quan sát – từng có bài viết giới thiệu rằng, tuyến đường vận tải trước đây là từ các cảng ven biển của Trung Quốc qua eo biển Tsushima giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, tới Vladivostok và Vostochny trên bờ biển Thái Bình Dương thuộc vùng Viễn Đông của Nga, rồi sau đó đến Moscow qua tuyến đường sắt xuyên Siberia của Nga. Tuyến này chủ yếu do Công ty TNHH Vận tải biển Viễn Đông của Nga điều hành.
Tuyến thứ hai là tuyến đường sắt xuất cảnh qua các cửa khẩu Manzhouli, Erenhot, Alashankou của Trung Quốc, có thể trực tiếp đến Moscow hoặc qua Mông Cổ và Kazakhstan. Các tuyến đường sắt này là một phần của Cầu nối Lục địa Á – Âu của Nga và Tuyến đường sắt Trung Quốc – châu Âu. Toàn bộ hành trình mất khoảng 15 đến 40 ngày; có thể khởi hành từ nhiều ga đường sắt ở Trung Quốc như Thâm Quyến, Thẩm Dương và Tô Châu.
Theo trang Người quan sát, RZD Business Active được thành lập vào tháng 11/2020. Năm 2021, công ty này đã vận chuyển khoảng 200.000 TEU (tương đương 3,4 triệu tấn) hàng hoá. Trong đó, khoảng 27% lưu lượng hàng hóa là vận chuyển bên trong nước Nga, hàng quá cảnh từ Nga chiếm 25% lưu lượng, phần còn lại là vận chuyển hàng xuất nhập khẩu.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị